Phản biện xã hội về môi trường- xu thế và đòi hỏi tất yếu

ThienNhien.Net – “Phản biện xã hội về môi trường” mặc dù chưa được đưa vào chính thức trong các văn bản pháp luật về môi trường, song nội hàm cụm từ “phản biện xã hội về môi trường” cũng không còn xa lạ bởi nó gắn liền với hoạt động phản biện xã hội, thậm chí đã được diễn ngôn trong Luật BVMT 2014 là “hoạt động phản biện việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT”.

Phản biện xã hội về môi trường có thể được coi là một dạng của hoạt động phản biện xã hội với đối tượng tập trung vào các vấn đề liên quan đến môi trường của một chính sách, dự án, chương trình, kế hoạch, đề án (gọi chung là đề án về môi trường). Trong bối cảnh ngày càng gia tăng các xung đột về môi trường thì vai trò của phản biện chính sách môi trường càng quan trọng và cần được thúc đẩy. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về loại hình phản biện này.

Bờ sông Cái (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị đào xới tan hoang vì nạn khai thác vàng trái phép. (Ảnh Dương Văn Thọ/ PanNature)
Bờ sông Cái (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị đào xới tan hoang vì nạn khai thác vàng trái phép. (Ảnh Dương Văn Thọ/ PanNature)

Phản biện không chỉ là hoạt động khoa học

Phản biện xã hội xuất phát từ khái niệm và hoạt động về phản biện. Có nhiều cách định nghĩa về phản biện, song trong phạm vi bài viết, khái niệm “phản biện” được hiểu theo nội dung được quy định tại Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra”.

Phản biện xã hội là hoạt động phản biện của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội (gọi chung là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp), mang tính chất xã hội, không vì mục đích vụ lợi, phản ánh ý kiến và sự quan tâm của xã hội về một vấn đề hoặc một nội dung cụ thể.

Đề cập tới hoạt động phản biện xã hội của các tổ chức hội, nghề nghiệp là nói đến vai trò tập hợp, lãnh đạo, tổ chức cho hội viên tham gia những hoạt động phản biện xã hội. Trước kia, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp còn coi nhẹ việc tổ chức phản biện xã hội. Mặc dù pháp luật công nhận quyền làm chủ của công dân như quyền được biết, được bàn, được tham gia, được quyết định nhưng thể hiện quyền của từng người riêng lẻ thì hiệu quả còn yếu. Khi quần chúng nhân dân được tập hợp trong các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thì sức mạnh sẽ tăng lên, ch́ất lượng thực hiện quyền được xác lập rõ hơn. Từ đó, ý kiến phản ánh của tổ chức sẽ có hiệu lực hơn hành vi của các cá nhân đơn lẻ. Vì vậy, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp đại diện cho tiếng nói của các hội viên, bên cạnh việc thực hiện các sứ mệnh khác, cần phải đóng vai trò chính trong phản biện xã hội của tổ chức.

Tóm lại, hoạt động phản biện xã hội là những hành vi tự nguyện của xã hội, dù không ai tổ chức nó vẫn diễn ra và lan tỏa trong xã hội, cả bề rộng lẫn chiều sâu để trở thành dư luận xã hội. Nó là sản phẩm của quần chúng, của xã hội khi nhận xét, đánh giá các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động phản biện xã hội có một đặc trưng cơ bản, đó là một hoạt động khoa học thực sự, vì vậy, đòi hỏi tổ chức phản biện phải có các hội viên với trình độ chuyên môn, nghề nghiệp nhất định thì mới có thể nghiên cứu, xem xét, đánh giá, tổng hợp và đề xuất, kiến nghị những nội dung cần thiết. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao tất cả các tổ chức xã hội, nghề nghiệp đều có quyền thực hiện hoạt động phản biện xã hội nhưng kết quả và mức độ đóng góp cho xã hội lại khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của các hội viên tập hợp trong tổ chức.

Điểm đáng chú ý, hoạt động phản biện xã hội không chỉ là một hoạt động khoa học đơn thuần mà nó là phương thức hữu hiệu mở rộng dân chủ, góp phần phát huy sự tương tác giữa nhà nước và xã hội, giúp nâng cao chất lượng các quyết sách của các cơ quan chức năng trong quá trình phát triển đất nước. Tất nhiên, phản biện xã hội là một kênh thông tin rất quan trọng, nhưng không phải duy nhất.

Tăng cường phản biện giúp gia tăng đồng thuận xã hội

Hoạt động phản biện được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực môi trường. Có thể kể tới một số hoạt động phản biện xã hội về môi trường điển hình mà Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã thực hiện như: đóng góp ý kiến vào dự án Thủy điện Sơn La về cao trình tích nước của hồ, giúp Quốc hội quyết định lựa chọn phương án chuyển mực nước hồ từ 165m xuống 115m. Phương án này tuy làm giảm bớt năng lực phát điện song bảo đảm an toàn về mặt an ninh quốc phòng. Hay trường hợp đề nghị không thông qua Dự án thay nước Hồ Tây bằng nước sông Hồng, giúp tránh lãng phí đầu tư 23 triệu USD cho dự án. Hoặc để bảo vệ rừng quốc gia Cúc Phương – nơi có đoạn dự án đường Hồ Chí Minh đi qua rừng, các chuyên gia đã đề xuất tạo các hành lang an toàn để động vật hoang dã có thể di chuyển bình thường, không xâm hại đến sự an toàn của các quần thể động thực vật khu vực có đường quốc lộ đi qua, không làm thay đổi sinh cảnh của nhiều khu vực rừng. Đặc biệt, với chương trình khai thác bôxit tại Tây Nguyên, nhiều kiến nghị của VUSTA đã được tiếp thu. Theo đó, chỉ có hai nhà máy sản xuất alumin được triển khai thí điểm thay vì nhiều nhà máy hoặc quy mô lớn cả khu vực Tây Nguyên như đề xuất của Vinacomin.

Sở dĩ nhiều dự án buộc phải điều chỉnh hoặc phải chấp nhận hủy bỏ bởi nội dung phản biện phù hợp về khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào hoạt động phản biện cũng diễn ra suôn sẻ. Một mặt do chúng ta chưa hình thành thói quen tiếp nhận những thông tin đa chiều. Nhiều nơi, nhiều chỗ còn xem phản biện là những ý kiến mang tính phản đối, gây khó dễ cho những cơ quan thực thi đề án, vì vậy, tạo tâm lý bất hợp tác. Lối tư duy này khiến hoạt động phản biện gặp không ít khó khăn bởi rất khó có thể tiếp cận được những thông tin chính xác về đề án để có thể đánh giá, phân tích một cách thấu đáo, khoa học.

Ngoài bất cập nêu trên, việc thiếu hành lang pháp lý cần thiết, thiếu các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động phản biện xã hội, trong đó có cơ chế về tài chính, cũng là những rào cản làm hạn chế tính hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội. Đây cũng là lý do chính khiến nội dung của nhiều hoạt động phản biện chỉ được thực hiện với quy mô, lĩnh vực hạn hẹp dưới hình thức các tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị về các bức xúc trong xã hội. Trong khi đáng ra việc triển khai các hoạt động phản biện xã hội cần phải trở thành yêu cầu bắt buộc để tránh việc gây tổn thất cho đất nước và tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Để hoạt động phản biện xã hội nói chung và phản biện xã hội về môi trường nói riêng đạt hiệu quả cao hơn, cần nỗ lực từ cả hai phía: phía chủ thể (chương trình, đề án, dự án) và phía khách thể (các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khi nhận trách nhiệm phản biện xã hội). Trong đó, phía chủ thể phải thấy rõ sự cần thiết của việc lấy ý kiến phản ánh, phản biện từ xã hội; cần hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu cần thiết, bảo đảm các điều kiện thuận lợi về thời điểm, thời gian, kinh phí và sử dụng cơ sở vật chất cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ được yêu cầu. Khi có ý kiến phản biện xã hội, cần tổng hợp vào hồ sơ đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Còn phía khách thể cũng cần tập hợp các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm để có được chất lượng phản biện tốt, đồng thời, phải chịu trách nhiệm về nội dung, tiến độ thực hiện cũng như tính khách quan, trung thực của nội dung phản biện.

Rồi đây trong quá trình thực hiện mở rộng dân chủ để người dân có thể tham gia nhiều hơn vào quá trình quyết định sự phát triển của đất nước thì hoạt động phản biện xã hội sẽ ngày càng được quan tâm và được đề cao. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp theo đó cần phát huy hơn nữa tiềm năng của đội ngũ chuyên gia để thực hiện tốt chức năng, hoạt động phản biện, qua đó giúp nâng cao hình ảnh, vai trò của tổ chức, đồng thời đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội. Trong bối cảnh ấy, việc mở rộng phạm vi chủ thể phản biện cũng là một điều cần tính tới nhằm đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) được thành lập theo Quyết định số 121/HĐBT ngày 29/7/1983 với nhiệm vụ chính là tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tính đến hết năm 2014, Liên hiệp có 140 hội thành viên, trong đó có 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố và 77 hội ngành toàn quốc; tổng số hội viên toàn hệ thống hiện có trên 2,8 triệu hội viên. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VUSTA. Ngày 14/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của VUSTA, thay thế cho Quyết định số 22/2002/NĐ-TTg. Theo Quyết định, hoạt động phản biện xã hội của các tổ chức được thực hiện theo ba phương thức: (i) Đặt hàng trực tiếp của các cơ quan Đảng, nhà nước, các cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trình phê duyệt đối với các đề án cần lấy ý kiến phản biện xã hội; (ii) Đề xuất của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với các đề án có tác động lớn về kinh tế – xã hội, môi trường sau khi có sự đồng ý của cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội xã hội – nghề nghiệp tổ chức phản biện xã hội trước khi các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; (iii) Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp chủ động đề xuất các đề án cần lấy ý kiến phản biện xã hội trong lĩnh vực có liên quan.

TS. Phạm Văn Tân, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam