Nóng bỏng giữ rừng: Bí ẩn những vụ cháy

ThienNhien.Net – Khu vực rừng cháy không có nương rẫy và bãi chăn thả gia súc, đã 16 năm nay nơi đây không xảy ra cháy rừng.

Nằm ở vùng gió tây nắng nóng, rừng Trạm Tấu (Yên Bái) không năm nào thoát khỏi cháy rừng. Nhiều năm trước đây, lửa cháy rừng triền miên suốt cả mùa khô, hàng trăm lý do khiến rừng bị cháy: Đốt nương làm rẫy, đốt cỏ bãi chăn thả gia súc, đốt ong lấy mật, săn bắn thú rừng…

Lửa cháy rừng Cang Chi Khúa đêm 18/3. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Lửa cháy rừng Cang Chi Khúa đêm 18/3 (Ảnh: nongnghiep.vn)

Đốt rừng trả thù kiểm lâm?

Gió Lào thổi suốt ngày đêm, cả vùng đất phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn ngột ngạt gió nóng. Nằm chênh vênh trên ngọn nguồn dòng suối Thia, khi mùa mưa vừa chấm dứt Trạm Tấu bỗng trở lên khô khát, cây cỏ cứ trắng phớ xác xơ vì gió, chỉ cần một que diêm đủ đốt cháy cả một dãy núi hàng tháng trời.

Giàng A Lử thẫn thờ bên khu rừng cháy mà 16 năm anh cùng bà con bảo vệ. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Giàng A Lử thẫn thờ bên khu rừng cháy mà 16 năm anh cùng bà con bảo vệ. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Từ tháng 9 năm ngoái đến giờ vẫn chưa có một trận mưa, gió thổi ràn rạt suốt đêm ngày, sau hôm kiểm lâm bắt 6m3 gỗ ngày 15/3/2015 tại Cang Chi Khúa, tổ kiểm lâm xã Xà Hồ do anh Đinh Văn Hoa làm tổ trưởng cùng hai tổ viên là Sùng A Chính và Hờ A Kỷ phối hợp với 2 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu càng cảnh giác.

Họ thường xuyên xuống các thôn bản kiểm tra việc phát dọn nương rẫy, nhắc nhở bà con sử dụng lửa…

Những gốc thông bị cháy đen thui. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Những gốc thông bị cháy đen thui. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Chiều 18/3 tổ chia làm hai nhóm, một nhóm vào khu vực rừng Cang Chi Khúa, một nhóm đi sang thôn Sáng Pao cho đến tận tối mịt mới về.

Hôm ấy không có hộ nào dọn đốt nương buổi chiều, từ hơn chục năm nay toàn bộ các hộ ở các thôn bản đều ký cam kết bảo vệ rừng, việc đốt nương rẫy có kiểm soát được thực hiện từ sáng sớm, khi đó gió núi chưa mạnh, mặt đất còn ẩm ướt hơi sương, lửa đốt nương khó lan ra các khu rừng.

Anh Đinh Văn Hoa và tổ kiểm lâm về trụ sở UBND xã Xà Hồ nấu cơm và tắm giặt. Chừng 9 giờ đêm, Hoa chuẩn bị đi ngủ vì cả ngày leo núi mệt nhoài, anh nhìn lên núi khu vực rừng Cang Chi Khúa thấy rực lên một quầng sáng đỏ, khói cuồn cuộn bốc trên đỉnh rừng.

Anh vơ vội chiếc áo cùng hai cán bộ kiểm lâm địa bàn phóng xe máy lên khu rừng nơi cách đây 3 ngày đã bắt giữ 6m3 gỗ của bọn lâm tặc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, từ dưới đường nhìn lên lửa đốt rừng cháy rực trời. Đây là khu rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ trồng từ năm 1999 đến năm 2010, nhiều cây gốc đã to bằng bắp đùi người lớn cao đến chục mét.

Kiểm lâm và người dân phát đường ranh cản lửa. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Kiểm lâm và người dân phát đường ranh cản lửa. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Gió núi giống như bầy ngựa hoang bốc từng đám lửa to như cái thúng quăng từ sườn núi này sang sườn núi kia, chẳng mấy chốc đám cháy lan rộng và kéo dài giống như một con rồng lửa tung mình trên khắp sườn núi.

Anh Hoa điện báo cho Chủ tịch xã Mùa A Đế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu Vũ Thanh Bình, Ban quản lý rừng phòng hộ…

Tin cháy rừng mau chóng lan ra toàn huyện, tất cả lực lượng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu lập tức lên đường, đài truyền thanh huyện phát đi thông báo cháy rừng, các đơn vị, cơ quan và lực lượng bộ đội, công an huy động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cùng dân quân xã Xà Hồ, Bản Công, Hát Lừu mau chóng lên rừng chữa cháy.

Kiểm lâm địa bàn Đinh Văn Hoa kể lại diễn biến vụ cháy rừng. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Kiểm lâm địa bàn Đinh Văn Hoa kể lại diễn biến vụ cháy rừng. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Mùa A Đế kể: “Đêm ấy, tôi trực ban phòng chống cháy rừng tại xã, sau khi nhận được điện báo của kiểm lâm địa bàn, tôi cầm loa lên ngay khu vực Cang Chi Khúa huy động người dân đi chữa cháy.

Khu Cang Chi Khúa dân ở từng chòm, tôi đập cửa nhà Giàng A Dua, trưởng họ Giàng, ở chòm này: Cháy rừng rồi, các ông bà dậy ngay đi không lửa cháy vào nhà chết hết cả bây giờ…”.

Người dân vùng cao thường hay ngủ sớm, khi đó Dua mới biết rừng ở khu vực mình bị cháy.

Anh hô hào mọi gia đình xung quanh dậy canh chừng lửa lan vào nhà. Hai gia đình ông Giàng A Vàng, Vàng A Sà có hai căn lán giáp ranh khu rừng đang cháy, đây là lán làm ruộng nương của người dân, nên lúc nào cũng có người ở, phải cử người lên thông báo cho họ, nhỡ lửa cháy rừng ập tới thì bị thiêu sống mất…

Xe máy từ dưới huyện rầm rập phóng lên, ông Giàng A Thào, Chủ tịch huyện, cũng có mặt ngay đêm ấy, nhìn địa hình rừng núi hiểm trở lửa cháy ở độ cao 1.500m, gió lại rất mạnh, đêm tối không rõ đường đi nên không cho lực lượng chữa cháy tiếp cận đám cháy, vì rất nguy hiểm, đành phải đợi trời sáng.

Lửa cháy rừng ở trên cao, lại đang là mùa gió Lào ngọn lửa như tiếp thêm sức mạnh ngùn ngụt bốc lên trời cả chục mét, đứng cách xa mấy cây số như cảm thấy sức nóng hầm hập của ngọn lửa cháy rừng, tiếng cây nổ như pháo ran.

Giàng A Thào nghe người dân nói với nhau: Chắc là bọn bị bắt gỗ hôm nọ đốt thôi, chúng trả thù kiểm lâm mà…

Khu vực rừng cháy không có nương rẫy và bãi chăn thả gia súc, đã 16 năm nay nơi đây không xảy ra cháy rừng. Ông Thào phán đoán: Vụ cháy rừng này có tới tám mươi phần trăm do lâm tặc bị bắt gỗ gây ra…

Những câu hỏi còn để ngỏ

Người ta không thể quên trận cháy rừng lớn chưa từng thấy xảy ra tại Trạm Tấu giữa tháng 3/2007 tại các thôn Mông Đơ, Làng Sáng, Làng Kè, Mít Xi Láng thuộc xã Bản Mù; Tà Xùa, Kháo Chu thuộc xã Bản Công và Nhì Trên, Háng Đay thuộc xã Làng Nhì.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái đã lên tận Trạm Tấu đốc thúc việc chữa cháy rừng và chỉ thị cho thị xã Nghĩa Lộ huy động 200 người lên Bản Mù, Bản Công, huyện Văn Chấn huy động 100 người dân lên Làng Nhì giúp Trạm Tấu chữa cháy rừng.

Những trận cháy rừng đó bắt nguồn từ việc triệt phá cây thuốc phiện. Hai năm 2006-2007 tỉnh Yên Bái ra tay triệt phá mạnh mẽ các nương trồng thuốc phiện khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Năm 2006, triệt phá hơn 130 ha, năm 2007 triệt phá 16 ha, sau khi lực lượng triệt phá cây thuốc phiện vừa ra khỏi rừng thì lửa cháy rừng bùng lên tại những khu rừng cạnh nương thuốc phiện.

Người dân Cang Chi Khúa sống cạnh rừng. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Người dân Cang Chi Khúa sống cạnh rừng. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Người ta cho rằng việc đốt rừng của một số kẻ xấu là để trả thù việc phá cây thuốc phiện, họ bị chúng đốt chặn đường và bao vây tứ phía, quyết thiêu sống những người đi chữa cháy bằng chính ngọn lửa cháy rừng.

Ông Giàng A Lử giận dữ: “Mình nghĩ là không phải dân Cang Chi Khúa đốt đâu. Cánh rừng này bà con được Ban quản lý giao bảo vệ mà. Nó giúp bà con có củi đun, lại được tiền bảo vệ nữa. Người bên ngoài vào đốt thôi, có thể là mấy người bị kiểm lâm bắt gỗ hôm trước đấy…”. Không chỉ Giàng A Lử mà theo nhận định của nhiều người trận cháy rừng đêm 18/3/2015 không ngoài sự trả thù của đám lâm tặc đã bị kiểm lâm bắt gỗ. Chúng là ai trong đám lâm tặc kia? Đó là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa được trả lời.

Nhiều người thoát ra khỏi đám cháy không thể quay lại đường cũ mà phải qua đất Sơn La bắt xe trở về.

Ba hôm sau tôi theo anh Đinh Văn Hoa cùng Giàng A Lử, trưởng nhóm bảo vệ rừng và Mùa A Lồng, trung đội trưởng dân quân xã Xà Hồ lên khu rừng cháy Cang Chi Khúa.

Trận cháy rừng đã được gần 1.000 người phát đường băng cản lửa và dùng các phương tiện chữa cháy dập tắt chiều 20/3, thống kê ban đầu có 90 ha rừng thông và rừng tái sinh bị cháy ở tiểu khu 539 và 542.

Mặc dù trận cháy đã qua 3 ngày nhưng mặt đất vẫn còn nóng hầm hập, đen đúa, ngột ngạt vô cùng. Cả một vạt rừng thông đã khép tán bị cháy đen thui. Sức nóng của ngọn lửa đã thiêu trụi lớp cỏ mục dưới chân dày cả gang tay để lại một lớp tro bước ngập bàn chân.