Cần một lời giải trình

Có rất nhiều cây gỗ có đường kính lớn được bài tỉa trong Vườn thực vật thuộc VQG Cúc Phương.

ThienNhien.Net –  Ra đời sớm nhất trong hệ thống khu bảo tồn của Việt Nam (năm 1962), Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương được biết đến với bề dày kinh nghiệm và đóng góp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số dư luận hoài nghi ban quản lý Vườn khi cho phép bài tỉa cây ngoại lai, cây phi mục đích trong quá trình nâng cấp khu vườn thực vật thuộc VQG đã tỉa đi một số cây gỗ quý.

Hoài nghi xuất phát từ việc nâng cấp vườn thực vật

VQG Cúc Phương có diện tích 22.200 ha, nằm trên địa phận giáp ranh ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình. Ông Trương Quang Bích, giám đốc VQG cho biết, vườn thực vật thuộc VQG Cúc Phương có diện tích 170ha, được hình thành từ những năm 1985 – 1990. Đây là khu “bảo tàng ngoài trời”, nhằm sưu tập gây trồng các loài cây qúy hiếm, đặc hữu phục vụ mục đích bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thực vật. Đây cũng là nơi thực nghiệm gây trồng các loài cây bản địa, đồng thời là công trình phục vụ nghiên cứu khoa học, học tập và tham quan du lịch.

Đến cuối năm 2009, VQG đã sưu tập và bảo tồn được 535 loài cây, trong đó có 210 loài cây gỗ Cúc Phương, 85 loài cây gỗ của các vùng khác ở Việt nam và 5 loài thân gỗ nhập nội, 25 loài thuộc họ ráy, 20 loài cây ăn quả 15 loài tre trúc, 15 loài cau dừa, 20 loài cây thuốc và 140 loài lan.

Các loài cây đều được chăm sóc và theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển. Nhiều loài đã ra hoa kết quả và cung cấp cây giống cho các chương trình trồng rừng bằng loài cây bản địa…

Một góc Vườn thực vật, nơi bảo vệ, bảo tồn nguồn gen của nhiều loại thực vật quý hiếm.

Ngày 12/03/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNVPTNT) ban hành Quyết định số 637/QĐ – BNN – TCCB về việc thành lập Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam trực thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng, trong đó bao gồm Vườn thực vật thuộc trường Đại học lâm nghiệp Việt Nam (Xuân Mai – Chương Mỹ – Hà Nội); Vườn sưu tầm thực vật – Trung tâm nghiên cứu lâm sinh Cầu Hai, ứng dụng kỹ thuật rừng ngập mặn Minh Hải (Cà Mau) thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam và Vườn thực vật thuộc VQG Cúc Phương.

Việc thành lập này nằm trong quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020 và Đề án xây dựng nhà Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam đã được phê duyệt trước đó. Trên có sở đó, việc nâng cấp Vườn thực vật và Vườn thực nghiệm đang được các đơn vị quản lý thực hiện.

Theo ông Trương Quang Bích, trong quá trình thực hiện nâng cấp vườn thực vât thuộc VQG Cúc Phương, ban quản lý chủ trương phát dọn thực bì những lô cây còn nhỏ và sinh trưởng chậm; tiến hành chặt cây ngoại lai tại các lô cây trồng đã khép tán không cần che bóng như keo dậu, keo lai, keo lá tràm, bài tỉa toàn bộ các cây không mục đích mọc tự nhiên xen lẫn với các lô cây trồng, hoặc làm đổ hàng rào bảo vệ như cây phượng, xoan ta, sau sau, cọt khẹt…

Vườn thực vật thuộc VQG Cúc Phương quản lý nhưng nằm trên địa phận vùng đệm Vườn, do UBND xã Cúc Phương quản lý về hành chính. Nghi ngờ đáng tiếc nảy sinh xuất phát từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Ban quản lý Vườn và chính quyền xã, dẫn đên tâm lý nghi ngờ trong một bộ phận dân cư rằng ban quản lý đã lợi dụng việc nâng cấp để tư lợi.

Cần giải trình rõ hơn

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Cúc Phương, ông Đinh Công Sính, PCT, kiêm Trưởng ban lâm nghiệp xã Cúc Phương cho biết họ không nhận được bất cứ Văn Bản thông báo nào từ ban quản lý Vườn về việc nâng cấp vườn thực vật và khai thác tận thu một số thân gỗ. Ông Trương Quang Bích, giám đốc VQG, thừa nhận thiếu sót “không gửi văn bản” chính thức đến UBND xã nhưng cho biết, ban quản lý đã gọi điện thông báo cho chủ tịch xã.

Ông Trương Quang Bích cho biết thêm theo quy chế rừng đặc dụng ra đời theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 các Khu bảo tồn, VQG không được phép du nhập cây ngoại lai. Tuy nhiên, ở vườn thực vật Cúc Phương, một số cây ngoại lai đã du nhập trước đó, đáng ra ban quản lý  phải thực hiện bài tỉa cách đây mấy năm, nhưng do thiếu kinh phí nên nay nhân chủ trương nâng cấp Vườn thực vật thì tiến hành, “về mặt nguyên tắc, kỹ thuật và pháp lý… là không có gì sai cả”.

Chúng tôi đã có mặt tại khu vực Vườn thực vật vào sáng ngày 1/4/2011, ghi nhận rằng nhiều gốc cây gỗ lớn có đường kính từ 30 – 40 cm đã được khai thác (một số cây bị đào cả gốc) và vận chuyển đi hết. Từ ngoài đường nhìn vào là một góc nham nhở, tan hoang.

 

Chưa thể khẳng định Ban quản lý vườn thực sự “có vấn đề” hay không trong quá trình nâng cấp vườn thực vật, song rõ ràng kiểm chứng của chúng tôi tại xã Cúc Phương đã cho thấy trong quần chúng có một số ý kiến hoài nghi rằng ban quản lý đã lợi dụng chủ trương để khai thác cả những cây gỗ quý, đồng thời có vấn đề thiếu minh bạch trong quản lý nguồn thu từ việc thanh lý.

Với một VQG có bề dày thành tích bảo tồn và kinh nghiệm làm việc tại cộng đồng như Cúc Phương, thiết nghĩ rằng để tồn tại những dư luận hoài nghi trên là không đáng có. Việc thông tin thông suốt, phối hợp đôi bên và cử ra một nhóm công tác giám sát, kiểm chứng có lẽ là việc làm trong tầm tay. Nay, dư luận đã lên tiếng, mong rằng ban quản lý Vườn sẽ có giải thích rõ ràng nhằm tránh những nghi ngờ trong dân, gây mất đoàn kết giữa Vườn và bà con.