Doanh nghiệp tư nhân có thể góp phần giải quyết xung đột đất đai

ThienNhien.Net – Xung đột đất đai ở châu Á và ảnh hưởng của nó đối với những người nghèo, dễ bị tổn thương trong khu vực cùng vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong việc giải quyết mối xung đột này đã được Tổ chức Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CRS) Châu Á nghiên cứu, phản ánh trong báo cáo mới công bố “Conflicts over land: A Role for Responsible and Inclusive Business”.

Ảnh: Bìa Báo cáo
Bìa Báo cáo

Những năm gần đây, giao dịch bất động sản ở châu Á gia tăng đáng kể, cùng với đó áp lực về đất đai cho khai khoáng, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nhiên liệu sinh học, xây dựng cơ sở hạ tầng, địa ốc, đặc biệt đất nông nghiệp để trồng cây lương thực xuất khẩu cũng ngày càng gia tăng.

Cầu tăng đã kích thích đầu tư nhiều hơn vào bất động sản, đầu cơ và chuyển nhượng đất bất hợp pháp dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.

Báo cáo nhận định, quyền sở hữu đất phân bố không đồng đều và nạn phân biệt giới tính, chủng tộc kìm hãm cơ hội phát triển của nhóm đối tượng yếu thế, đôi khi còn gây mâu thuẫn xã hội và vi phạm nhân quyền. Tuy vậy, quyền sử dụng đất là vấn đề rất phức tạp và những nỗ lực nhằm cải thiện các vấn đề liên quan tới xung đột đất đai thường bị phản đối quyết liệt bởi nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

Đầu tư thương mại vào đất đai tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế nhưng thường cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp và xung đột về quyền sở hữu đất. Các giao dịch bất động sản quy mô lớn gia tăng ở châu Á mang lại lợi ích cho các thế lực lớn trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những hoạt động này nhiều khi không đóng góp được cho sự phát triển chung, thậm chí gây ra những tác động trái chiều tới cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người nghèo, người dân bản địa, phụ nữ và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác ở nơi diễn ra việc thu hồi đất.

Do hệ thống quản lý đất đai lỏng lẻo, nhiều thế lực có đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, bất bình đẳng đã dẫn đến thực tế là nhiều cộng đồng địa phương bị thu hồi đất, quyền sử dụng đất vốn có của họ bị bỏ qua, đất công bị bán và phí đền bù không thỏa đáng. Những cộng đồng và đối tượng nghèo, yếu thế và dễ bị tổn thương thường không đủ khả năng đấu tranh để đòi lợi ích cho chính mình và họ hầu như cũng không tin tưởng vào cơ chế khiếu nại.

Hơn nữa, không chỉ các giao dịch bất động sản quy mô lớn mới tác động đến đối tượng nghèo mà cả việc chiếm dụng đất quy mô nhỏ cũng ảnh hưởng tới các hộ gia đình nhỏ khi đất của họ bị lấy đi.

Ảnh minh họa: actionaid.org
Ảnh minh họa: actionaid.org

Báo cáo cho rằng khu vực kinh tế tư nhân có trách nhiệm bảo vệ quyền sử dụng đất cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, đồng thời đảm bảo rằng quyền con người liên quan tới các vấn đề sở hữu đất đai không bị lạm dụng. Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hộ gia đình nhỏ và những cộng đồng trong chuỗi giá trị của họ bằng các hoạt động kinh doanh có tính đến lợi ích của người dân. Làm được điều này các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng an toàn và lành mạnh.

Các doanh nghiệp có thể trở thành một phần của giải pháp nhằm gia tăng các quyền sử dụng đất bằng việc tham gia các sáng kiến đá bên (MSIs) nhằm bảo vệ nhóm đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương. Vai trò của nhà sản xuất nhỏ và sự hợp tác công bằng giữa các hộ sản xuất nhỏ trong chuỗi giá trị là chìa khóa quan trọng cho hoạt động kinh doanh bền vững cả trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nơi mà các nhà sản xuất nhỏ thường bị thua thiệt so với các doanh nghiệp lớn về quyền sử dụng đất và tài nguyên.

Là một phần của cam kết để bảo vệ quyền sử dụng đất cho các cộng đồng địa phương, những sáng kiến để tạo ra các chuỗi giá trị toàn diện hơn sẽ giúp cộng đồng, người dân bản địa và phụ nữ có quyền quyết định hơn trong việc sử dụng đất và những thay đổi trong việc sử dụng. Do đó, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và toàn diện cần tính đến các quyền sử dụng đất bao gồm sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, nỗ lực chống lại các hoạt động chiếm dụng đất đai, quản lý hiệu quả các tác động kinh doanh tới đất đai và những rủi ro liên quan tới các xung đột.

Báo cáo cũng đưa ra trường hợp các doanh nghiệp chủ động cam kết tôn trọng quyền sử dụng đất của người dân địa phương, đảm bảo hoạt động có trách nhiệm, có tính đến lợi ích của các bên liên quan tới quyền sử dụng đất, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các cơ hội phát triển khác. Những thách thức quan trọng và một cái nhìn tổng quát về các công cụ hiện có có thể giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai cùng các giải pháp thực tế giúp cải thiện hoạt động kinh doanh cũng là nội dung của Báo cáo.