Động đất lan đến thủy điện

ThienNhien.Net – Động đất gần các khu vực thủy điện tích nước liên tục xảy ra. Tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết trong 2 ngày 11 và 12-8, tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã xảy ra động đất với cường độ từ 3-3,1 độ Richter.

Vị trí tâm chấn trận động đất ngày 12-8 cách thủy điện Huội Quảng (thuộc địa bàn 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu) khoảng 10 km và cách thủy điện Sơn La khoảng 12 km. Trận động đất ngày 11-8 cách thủy điện Huội Quảng khoảng 17 km và cách thủy điện Sơn La khoảng 3,6 km. Trong khi các trận động đất trong tháng 7 cách 2 thủy điện này từ 11-14 km. Như vậy, vị trí xảy ra động đất ngày càng gần với sông Đà và 2 thủy điện Sơn La, Huội Quảng.

Tìm cách an dân

Tương tự, từ tháng 6-2014 đến nay, người dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã chứng kiến hơn chục trận động đất. Trong nửa đầu tháng 8, khu vực Bắc Trà My cũng liên tục rung chuyển vì động đất kích thích từ thủy điện Sông Tranh. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Viện Vật lý địa cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các dự báo về tình hình, diễn biến động đất tại khu vực Bắc Trà My để đề xuất Thủ tướng hướng xử lý phù hợp cũng như để người dân biết, yên tâm sản xuất.

Bản đồ thể hiện động đất ở Sơn La (Ảnh: Việt Vật lý địa cầu)
Bản đồ thể hiện động đất ở Sơn La (Ảnh: Việt Vật lý địa cầu)

Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, các cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu để có những kết luận khoa học rõ ràng, sớm đưa ra giải pháp để đề phòng thảm họa. “Động đất là loại thiên tai diễn ra bất cứ lúc nào, chỉ trong tích tắc, nhiều trận động đất còn xảy ra lúc đêm hôm. Chính các cơ quan chức năng và các nhà khoa học còn loay hoay thì người dân phải cảnh giác, chủ động đối phó thế nào được? Theo tôi, nếu chưa thể dự báo thời điểm nào sẽ xảy ra động đất thì cũng phải nghiên cứu, đánh giá và thông báo cho người dân biết đến khi nào sẽ hết động đất hay khu vực này sẽ động đất mãi để họ còn có kế hoạch ổn định cuộc sống, sản xuất” – ông Tứ nói.

Rung chuyển từ hồ thủy điện A Lưới

Về trận động đất tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cho biết đã có kết luận ban đầu từ Viện Vật lý địa cầu. Theo đó, trận động đất mạnh 4,7 độ Richter xảy ra trên đới đứt gãy Rào Quán – A Lưới. Tâm chấn động đất nằm trong lòng hồ thủy điện A Lưới (công suất 170 MW, dung tích hồ chứa là 423 triệu m3) đã gây chấn động cấp 4-5 đến nhà máy và đập thủy điện. Khu vực này trước đây chưa từng xảy ra động đất. Do đó, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị cần thiết lập ngay trong năm 2014 một mạng lưới từ 3-5 trạm quan sát động đất tại khu vực huyện A Lưới để kết hợp với trạm địa chấn quốc gia đặt tại TP Huế, bảo đảm theo dõi và giám sát hoạt động động đất, nhất là tại hồ chứa A Lưới; đồng thời đánh giá lại công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện cùng các công trình quan trọng trên địa bàn.

Nhà dân bị ảnh hưởng do động đất khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)
Nhà dân bị ảnh hưởng do động đất khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Viện Vật lý địa cầu cũng cho rằng tỉnh Thừa Thiên – Huế nên tiến hành thực hiện đột xuất và ngay trong năm 2014 một nghiên cứu, đánh giá nguy hiểm động đất ở mức độ chi tiết cao. Theo PGS-TS Cao Đình Triều, đới đứt gãy Rào Quán – A Lưới là đới đứt gãy hoạt động rất mạnh, xuất phát từ Lào và kéo dài xuống Quy Nhơn (Bình Định). Động đất kích thích thủy điện Sông Tranh 2 và trận động đất tại thủy điện Đăk Đrinh (Quảng Ngãi) cũng nằm trên đới đứt gãy này.

Tuy nhiên, vào thời điểm khảo sát xây dựng dự án thủy điện A Lưới, cũng chính Viện Vật lý địa cầu có một báo cáo khẳng định: Công trình thủy điện A Lưới có vị trí nằm trong khối cấu trúc khá bình ổn về điều kiện kiến tạo, địa động lực. Đứt gãy kiến tạo đi qua vùng tuyến đập công trình thủy điện A Lưới là đứt gãy có biểu hiện hoạt động không mạnh. Như vậy, khu vực A Lưới có đủ điều kiện địa chất, kiến tạo và địa động lực bảo đảm cho việc xây nhà máy thủy điện.

Nguy cơ “tai biến kép”

Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã có kết luận về nguyên nhân gây nứt – trượt lở đất tại khu vực Tân Nghĩa, huyện Di Linh. Theo đó, hiện tượng nứt đất tại Tân Nghĩa và Gia Bắc thực tế là do đất thấp, trạng thái bở rời, trước đó lại có lượng mưa lớn và liên tục nên gây ra hiện tượng sạt trượt, không liên quan đến việc tích nước của thủy điện Đồng Nai 2.

Theo Viện Địa chất, đây là khu vực có nguy cơ trượt lở, nứt đất cao và có nguy cơ tái diễn khi gặp mưa lớn. Thêm vào đó, cuội cát, bột sét của các dòng suối cạn có khả năng trôi trượt lớn nên trong mùa mưa có thể xảy ra hiện tương lũ bùn đá gây “tai biến kép”, thiệt hại nghiêm trọng.

Từ kết luận này, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành cắm bảng cảnh báo nguy hiểm, di dời dân khỏi khu vực trượt lở đất. “Người dân có rẫy ở đây thì vẫn trồng trọt, canh tác nhưng không được ở lại. Chúng tôi cũng khuyến cáo họ trồng cây lâu năm: cà phê, tiêu…, các loại này rễ ngắn, có thể tạo thảm thực vật bề mặt để giữ đất” – ông Ngự cho biết. Về lâu dài, tỉnh Lâm Đồng cũng có kế hoạch đánh giá, khoanh vùng nguy cơ nứt – trượt lở đất để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất hợp lý.