“Cát tặc” lại lộng hành

ThienNhien.Net – Sau khoảng thời gian trầm lắng trước sự truy quét của lực lượng chức năng, hoạt động khai thác cát và mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép lại “làm mưa, làm gió” dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hàng nghìn mét vuông bờ bãi ven sông bị xẻ thịt, tài nguyên khoáng sản bị khai thác tràn lan, vô tội vạ. Trong khi đó chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỏ ra bất lực.

Ảnh: Hà Nội Mới
Ảnh: Hà Nội Mới

16h30 ngày 12-8, trên sông Hồng, đoạn giáp ranh giữa xã Đại Tập, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và Thụy Phú, huyện Phú Xuyên trở nên náo động bởi tiếng máy nổ từ tàu hút cát. Một người dân thôn Đại Gia, xã Thụy Phú cho biết, cứ nhá nhem tối, tàu thuyền không tên, không số, không biết từ đâu đến tập kết khá nhiều tại khúc sông này, đua nhau khai thác cát suốt đêm. Thời gian trước, “cát tặc” thường sử dụng vòi rồng bơm cát từ dưới lòng sông lên tàu thuyền công suất nhỏ, nhưng gần đây, chúng chuyển sang dùng guồng xúc cát từ đáy sông lên tàu cuốc.

Năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an Hà Nội đã bắt và thu giữ 32 tàu khai thác cát trái phép trên các sông thuộc địa bàn thành phố. Riêng tháng 5, 6-2014, lực lượng này bắt giữ 11 tàu khai thác cát trái phép. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố đã bắt, xử lý 10 tàu và chủ tàu khai thác cát đen trái phép.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, xã Thụy Phú, hoạt động khai thác cát tràn lan, vô tội vạ tại khúc sông này đã diễn ra từ lâu, song chính quyền địa phương dường như không có động thái gì tích cực để ngăn cản. Đáng ngại, “cát tặc” không chỉ khai thác cát trái phép dưới sông thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, mà lấn dần về phía Hà Nội. Đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ sạt lở thềm sông, bãi sông Hồng thời gian qua, đe dọa kè Cát Bi – một trong những kè trọng điểm quốc gia.

Còn bà Phạm Vi Lan, ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu lo lắng: Không riêng người dân Phú Xuyên sinh sống ở khu vực kè Cát Bi mà người dân tỉnh Hưng Yên chúng tôi cũng mất ruộng đất, cây cối hoa màu, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng…

Khảo sát dọc các tuyến sông chính trên địa bàn Hà Nội cho thấy vẫn còn tình trạng phương tiện chở quá tải trọng cho phép làm vương vãi cát đen trên mặt đê, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phía dưới thềm sông, bãi sông, vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc chất cao như núi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ.

Tại xã Văn Nhân (Phú Xuyên), địa điểm cách kè Cát Bi mấy bước chân, vào giữa mùa mưa lũ nhưng vật liệu xây dựng tập kết cao hơn cả mặt đê. Ngược lên quận Hoàng Mai, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, nhất là khu vực dưới chân cầu Thăng Long…, cát đen được xác định là không rõ nguồn gốc khá nhiều.

Kết quả kiểm tra mới đây của Sở Tài nguyên-Môi trường cho thấy, trong tổng số 67 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng được kiểm tra, có 30 bãi chứa cát đen với tổng khối lượng hơn 300.000m3 không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng và hằng ngày “âm thầm” vận chuyển tới các công trình, mà không có cơ quan chức năng nào kiểm soát. Hầu hết chủ của các bãi chứa này đều không có thủ tục pháp lý về môi trường.

Trong quá trình vận chuyển cát đi tiêu thụ không thực hiện phun rửa xe chở cát trước khi rời bến bãi, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng chủ bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống lụt bão diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng cả về quy mô và tính chất, song chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời.

Ông Nghiêm Đức Vinh, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên – khoáng sản (Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội) cho rằng để xảy ra tình trạng trên, trước hết Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, các địa phương cần phát huy vai trò giám sát, tố giác tội phạm của nhân dân trong cuộc chiến dẹp bỏ nạn “cát tặc”, trả lại sự bình yên vốn có của các con sông.

Theo ông Nghiêm Đức Vinh, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên – khoáng sản (Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội): Qua kiểm tra 67 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn 21 xã, phường thuộc 7 quận, huyện, thị xã, số đơn vị sử dụng đất sai mục đích lên đến 50%, số đơn vị lấn chiếm đất đai lên tới 56,4% tổng diện tích bãi chứa được kiểm tra, tương đương 264.533m2. Trong số này có 25 đơn vị có hợp đồng thuê thầu với UBND cấp xã hoặc chính quyền thôn, mặc dù hợp đồng thuê thầu đã bị hủy nhưng các đơn vị vẫn tiếp tục chiếm dụng đất kinh doanh làm bãi chứa, mà vẫn không được cơ quan chức năng chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hợp đồng cho thuê thầu đất bãi ven sông, sử dụng làm bãi chứa trái phép, vi phạm quy định trong quản lý đất đai.