Thái Nguyên – Lạng Sơn: Kiểm lâm ở đâu trên các “cung đường gỗ lậu”?

ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, các con đường chính nối từ xã Nghinh Tường (Võ Nhai, Thái Nguyên) với xã Tân Tri (Bắc Sơn, Lạng Sơn) trở thành “cung đường gỗ lậu” để các “đầu nậu” vận chuyển gỗ lậu đi tiêu thụ kiếm tiền bất chính. Điều đáng bàn, sự việc diễn ra công khai giữa ban ngày nhưng ngành chức năng địa phương vẫn không đưa ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Dòng xe chở gỗ lậu nườm nượp từ Nghinh Tường (Võ Nhai, Thái Nguyên) chạy qua Tân Tri lên huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) tiêu thụ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Dòng xe chở gỗ lậu nườm nượp từ Nghinh Tường (Võ Nhai, Thái Nguyên) chạy qua Tân Tri lên huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) tiêu thụ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Gỗ lậu ào ào đi tiêu thụ

Theo thông tin của người dân phản ánh qua Đường dây nóng về tình trạng vận chuyển khai thác gỗ nghiến trái phép cách công khai ở xã Tân Tri, chúng tôi đã có nhiều ngày thâm nhập tìm hiểu quy luật, phương thức vận chuyển gỗ của lâm tặc qua cung đường gỗ lậu này. Tại con đường nối từ thôn Thâm Xi lên tới UBND xã Tân Tri, chỉ khoảng một giờ quan sát ở nhà dân ven đường, cũng đếm được hàng chục đoàn xe “gỗ lậu” chạy vun vút qua mà không gặp bất cứ sự truy cản nào của lực lượng chức năng.

Theo quan sát, trung bình mỗi đoàn gồm có 8 xe, mỗi xe chở từ 8 – 10 thanh gỗ nghiến chạy về hướng trung tâm huyện Bắc Sơn để tiêu thụ. Buổi tối cũng vậy, các con đường chính của xã Tân Tri vẫn cứ nườm nượp các đoàn xe vận chuyển gỗ lậu đi tiêu thụ. Trong số đó, phần lớn xe máy các đối tượng dùng để vận chuyển gỗ đều mang biển số của tỉnh Thái Nguyên. Trao đổi với chúng tôi, anh Vi Văn Q., một người dân xã Tân Tri cho biết, trước đây người dân trong xã đi vác gỗ thuê đông lắm. Trung bình mỗi ngày cũng được hơn 200.000 đồng tiền công vác gỗ. Bây giờ người ta không thuê người dân vác nữa mà dùng ngựa đưa gỗ xuống chân núi rồi đưa đi tiêu thụ bằng xe máy.

Cũng theo anh Q. cho biết, con đường nối từ thôn Thâm Xi chạy tới UBND xã, trước đây cung đường này là con đường chính vận chuyển gỗ của các đối tượng lâm tặc, mỗi ngày có tới vài chục tốp vận chuyển qua đây. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã linh động xé lẻ, tỏa ra theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng chục đoàn xe gỗ lậu qua con đường này.

Tiết lộ về nguồn gốc số gỗ vận chuyển qua cung đường này, người dân xã Tân Tri cho biết: Cụ thể gỗ lấy ở đâu thì không biết. Chỉ biết là các đối tượng nhận gỗ ở bản Mùn, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) rồi vận chuyển qua xã Tân Tri rồi đi đến vị trí đã được báo trước để tập kết cho các đầu nậu.

Còn bà H… một cửu vạn có nhiều năm vận chuyển gỗ lậu kể: “Trước đây tôi có một thời gian dài đi vác gỗ thuê. Để đến được nơi vác gỗ tôi phải dậy từ lúc 5 giờ sáng đi đến khoảng 10 giờ trưa thì tới khu vực bản Mùn (xã Nghinh Tường). Từ đây, chúng tôi đi lên núi vác gỗ đến khoảng 2 giờ chiều thì vác về tới chân núi, nếu đi vác tiếp chuyến 2 thì phải hơn 5 giờ mới về tới nơi. Tối đến chúng tôi vào nhà dân ở dưới chân núi nhờ nấu cơm ăn để ngày mai đi vác tiếp. Trung bình chúng tôi vác tính ra tiền được 240.000 đồng/ngày…”. Bà H cũng cho biết thêm, hiện người dân xã Tân Tri không đi vác gỗ như trước nữa. Với lại, các ông chủ buôn gỗ lậu giờ chủ yếu là thuê các thanh niên khỏe mạnh, các thành phần bất hảo vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy. Mỗi khi đi qua đây, họ phóng bạt mạng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Để làm rõ nguồn gốc số gỗ trên bắt nguồn từ đâu, chúng tôi đem theo những tài liệu và hình ảnh thu thập được đến gõ cửa Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) tuy nhiên điều mà chứng tôi nhận được đó là những cái lắc đầu từ chối làm việc.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thịnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tỏ vẻ khá bất ngờ. Ông Thịnh cho biết, sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện nhóm họp các bên liên quan để giải quyết dứt điểm việc này.

Còn ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc BQL Khu bảo tồn Thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai) cho hay: “Ban Quản lý có 17.417 ha rừng đặc dụng, nằm trên 7 xã và 1 thị trấn. Riêng xã Nghinh Tường có hơn 1.900 ha. Ở bản Mùn, xã Nghinh Tường có rừng đặc dụng nhưng nằm phía trên rừng phòng hộ và giáp với Niêm Thủy, Na Rì (Bắc Kạn)”.

Ông Lịch khẳng định: “Gỗ mà các đối tượng vận chuyển từ bản Mùn, xã Nghinh Tường sang Bắc Sơn (Lạng Sơn) đó là gỗ từ bên Na Rì chuyển sang. Chúng tôi hiện có 2 chốt chặn tuyến đường khai thác gỗ nghiến trái phép từ Niêm Thủy, Na Rì sang bản Mùn nhưng do nằm ở vùng giáp nên gặp không ít khó khăn. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi cùng các xã giáp ranh của 3 tỉnh kí kết quy chế phối hợp quản lí, bảo vệ rừng”.

Cũng theo lãnh đạo BQL Khu bảo tồn Thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng tại đây hiện chỉ còn những cây nghiến loại nhỏ, mới được trồng, chiều cao chỉ từ 5 – 7m.

Quyết truy ra nguồn gốc của số gỗ vận chuyển qua các cung đường trên, chúng tôi tiếp tục liên hệ với UBND huyện Na Rì (Bắc Kạn) nhưng cũng nhận được sự bất hợp tác.

Theo như lý giải của ngành chức năng huyện Võ Nhai thì các địa phương giáp ranh đã có sự phối hợp để bảo vệ rừng, đặc biệt tại xã Nghinh Tường có 2 chốt trực 24/24 nhưng tại sao gỗ lậu vẫn ùn ùn từ Nghinh Tường sang huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) tiêu thụ? Phải chăng ở đây có “lỗ hổng”?