Hoàn thiện pháp luật về ĐTM, ĐMC của Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm luật pháp Trung Quốc

ThienNhien.Net – Việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Việt Nam lâu nay vẫn bị xem là còn nhiều hạn chế ở cả khung pháp lý và khâu thực thi. Để hoàn thiện khung pháp lý về ĐTM, ĐMC, việc nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng. Bài viết sau sẽ trình bày một số kiến nghị cho việc xây dựng pháp luật về ĐTM, ĐMC nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, nơi ĐTM đã được áp dụng từ năm 1979.

Quy định về chuyên môn và trách nhiệm của người lập báo cáo đánh giá

Trình độ chuyên môn của người lập báo cáo(BC) ĐMC, ĐTM chưa được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể và chặt chẽ. Theo đó, quy trình lập BC ĐMC không có quy định bắt buộc về trình độ chuyên môn, còn ĐTM chỉ quy định về điều kiện của tổ chức lập BC.

Trong khi đó, pháp luật Trung Quốc tiếp cận vấn đề rất chặt chẽ. Cụ thể, tất cả các BC ĐMC và ĐTM đều phải được lập bởi người có chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề còn được chia thành 2 loại A và B, trong đó loại A được phép lập BC ĐTM và ĐMC cho tất cả các dự án, còn loại B chỉ được phép lập BC ĐTM ở cấp địa phương. Muốn có chứng chỉ, một cá nhân phải trải qua kỳ thi do nhà nước tổ chức và 4 năm một lần phải thi lại để được gia hạn.

Hiện nay, dự thảo Luật BVMT sửa đổi của Việt Nam đã có quy định về chứng chỉ hành nghề đối với các đối tượng cung cấp dịch vụ lập BC ĐTM. Tuy nhiên, các quy định tương tự đối với BC ĐMC và về thi sát hạch, cấp, quản lý chứng chỉ và trách nhiệm cá nhân của người có chứng chỉ vẫn chưa được làm rõ. Pháp luật Việt Nam nên quy định rõ rằng BC ĐMC, cũng như ĐTM, phải được lập bởi người có chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp thông qua quy trình sát hạch chặt chẽ.

Thêm vào đó, việc gắn trách nhiệm cho người lập BC ĐMC và ĐTM là vô cùng quan trọng. Cần xác định rõ mỗi BC ĐTM và ĐMC phải do một cá nhân có chứng chỉ hành nghề chịu trách nhiệm chính, tránh tình trạng trách nhiệm tập thể (như nhóm tư vấn) hoặc trách nhiệm tổ chức (như công ty tư vấn). Cá nhân này sẽ bị tước thẻ hành nghề nếu vi phạm các quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp do Bộ TN&MT hoặc do tổ chức nghề nghiệp chuyên môn ban hành.

Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và công khai thông tin

Sự tham gia của cộng đồng là yếu tố bắt buộc trong pháp luật về ĐTM tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự tham gia này thường được thể hiện trong nhiều giai đoạn: tham vấn ý kiến rộng rãi khi lập BC, tự do góp ý trong khâu thẩm định BC và giám sát việc thực hiện BC.

Luật pháp Trung Quốc đảm bảo sự tham gia của người dân vào bốn giai đoạn: lập BC, thẩm định BC, lập BC thực hiện và giám sát thực hiện. Trong đó, với quá trình lập BC ĐTM và ĐMC, chủ dự án phải tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân; đối với quá trình tham vấn, cơ quan thẩm định phải công bố công khai các báo cáo. Tất cả các ý kiến được tiếp thu hoặc từ chối đều phải được giải trình và được lưu kèm với BC. Kết thúc giai đoạn xây dựng BC, chủ dự án phải lập BC Thực hiện. BC này cũng phải được tham vấn ý kiến của người dân trước khi gửi cho cơ quan nhà nước để giám sát. Người dân cũng có quyền phản ánh trực tiếp đến cơ quan giám sát về những sai sót của chủ dự án trong quá trình xây dựng dự án. Cuối cùng, toàn bộ nội dung và các tài liệu liên quan nêu trên đều phải được lưu trữ và người dân có quyền tiếp cận miễn phí.

Pháp luật Việt Nam cần phải xác định rõ nguyên tắc và cơ thế tham gia của cộng đồng và phải đảm bảo sự tham gia này trong cả ba giai đoạn lập, thẩm định và giám sát thực hiện BC ĐTM và ĐMC. Các BC ĐMC cũng phải quy định sự tham gia của cộng đồng, thậm chí mạnh mẽ hơn so với BC ĐTM vì ngoài tính chất đặc biệt quan trọng của ĐMC, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK) thường xác định về mặt địa điểm, khu vực, quy mô, công suất mà sau này các dự án sẽ phát triển. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng và phù hợp với mối quan tâm và trình độ góp ý của người dân.

Pháp luật cũng cần quy định việc tham vấn rộng rãi qua các hình thức văn bản, gặp mặt và đăng tải trên mạng internet trong quá trình lập báo cáo đánh giá. Cần có quy định rõ ràng về việc lưu trữ và báo cáo trung thực tất cả các ý kiến, không chỉ của người dân mà cả các ý kiến của chuyên gia. Giai đoạn thẩm định và phê duyệt BC, cơ quan thẩm định có nghĩa vụ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp. Toàn bộ tài liệu do chủ đầu tư nộp phải được công bố rộng rãi trên mạng internet kèm với khoảng thời gian thẩm định cùng đầu mối tiếp nhận và phản hồi, giải trình đối với các ý kiến.

Cuối cùng, sau khi BC được phê duyệt, tất cả các hồ sơ của chủ đầu tư và của cơ quan thẩm định phải được lưu trữ và công bố công khai để mọi người dân đều dễ dàng tiếp cận.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Đảm bảo tính độc lập của hội đồng thẩm định

Tính độc lập của hội đồng thẩm định là một trong những yêu cầu quan trọng nhất nhằm đảm bảo chất lượng của các BC ĐTM, đặc biệt là các BC ĐMC do BC này được lập bởi các cơ quan nhà nước.

Pháp luật Trung Quốc quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Theo đó Bộ Bảo vệ Môi trường (BVMT) của Trung Quốc công bố một danh sách tất cả các chuyên gia về ĐTM trên phạm vi toàn quốc. Đối với mỗi BC ĐTM hoặc ĐMC, hội đồng thẩm định sẽ được thành lập dựa trên lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách (có loại bỏ các trường hợp xung đột lợi ích như các mối quan hệ gia đình, quan hệ lao động). Pháp luật Trung Quốc còn nghiêm cấm mọi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp giữa chủ dự án và thành viên hội đồng, kể cả khi thành viên hội đồng chủ động liên hệ. Sau quá trình thẩm định, hội đồng sẽ viết BC thẩm định với ba nội dung chính: (1) có thông qua BC ĐMC, ĐTM không, (2) có yêu cầu sửa đổi gì trong BC không, và (3) giải thích lý do. Các ý kiến không đồng tình phải được cũng phải được ghi nhận riêng. BC ĐMC, ĐTM chỉ được thông qua khi có 3/4 số thành viên tán thành.

Pháp luật Việt Nam nên nhấn mạnh tính độc lập giữa cơ quan thẩm định và cơ quan phê duyệt, nhất là với BC ĐMC vì BC này cũng do các cơ quan nhà nước lập và cơ quan thẩm định chịu nhiều áp lực hơn.

Thứ nhất, nên áp dụng cơ chế lựa chọn ngẫu nhiên trong hệ thống cơ sở dữ liệu về chuyên gia. Cơ chế này tương tự như việc lựa chọn thành viên bồi thẩm đoàn. Nếu một chuyên gia đã tham gia trong công tác lập BC, hoặc có mối quan hệ có thể dẫn tới mâu thuẫn lợi ích sẽ bị loại ra khỏi danh sách hội đồng.

Thứ hai, cần nghiêm cấm mọi sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp giữa thành viên hội đồng và chủ dự án. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định chủ dự án phải có mặt trong phiên họp của hội đồng và trình bày BC. Tuy nhiên, điều này là cơ hội nảy sinh tham nhũng, tiêu cực và rất nhiều nội dung trao đổi sẽ không được lưu lại. Do đó, cần quán triệt quan điểm là mọi điều cần trình bày trước hội đồng đã được chủ dự án trình bày trong BC ĐTM hoặc ĐMC.

Thứ ba, mọi ý kiến của các thành viên hội đồng đều phải được lưu lại, kể cả các ý kiến thiểu số và các thành viên phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong BC thẩm định. Nếu BC ĐTM hoặc ĐMC được thông qua và sau này phát hiện có sai sót thì những thành viên bỏ phiếu thuận sẽ bị tước thẻ hành nghề, đồng thời bị loại khỏi danh sách chuyên gia.

Nghiêm minh trong xử lý vi phạm

Một trong những lỗ hổng trong quy định pháp luật Việt Nam về ĐTM, ĐMC hiện nay là pháp luật chưa có quy định xử lý hành vi vi phạm của người trực tiếp lập BC ĐTM, ĐMC, người thẩm định BC và người phê duyệt CQK và dự án.

Trong khi đó, pháp luật Trung Quốc quy định rất rõ các hành vi vi phạm đối với ba chủ thể này. Theo đó, người lập BC ĐTM, ĐMC sẽ bị tước thẻ hành nghề nếu có sai sót trong quá trình lập BC ĐMC, ĐTM. Thành viên hội đồng thẩm định cũng sẽ bị loại ra khỏi danh sách của Bộ BVMT nếu có sai sót trong quy trình hoặc nội dung BC thẩm định, hoặc BC ĐTM, ĐMC (trừ các thành viên đã bỏ phiếu phản đối). Nếu sai sót đó dẫn đến hậu quả thực tế thì người lập BC và thành viên hội đồng thẩm định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một quan chức phê duyệt CQK hoặc dự án hay cấp giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư dựa theo BC ĐMC không theo quy định sẽ bị cách chức.

Việt Nam cũng nên tham khảo các quy định về xử lý vi phạm của các nước, ngoài việc xử lý chủ đầu tư, cần bổ sung quy định xử lý các hành vi của người lập BC, người thẩm định BC và người phê duyệt CQK, cấp phép dự án đầu tư.

Thứ nhất, người lập BC ĐTM, ĐMC phải bị xử lý hành chính và tước thẻ hành nghề khi có sai sót về hình thức hoặc nội dung của BC. Nếu sai sót đó gây nên thiệt hại môi trường trên thực tế đến mức độ nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này sẽ giúp tăng chất lượng BC và cũng tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm như một số dự án gây thiệt hại môi trường lớn trong thời gian vừa qua tại Việt Nam.

Thứ hai, người thẩm định báo cáo ĐTM, ĐMC sẽ bị phạt hành chính, tước thẻ hành nghề và bị cấm tham gia vào hội đồng thẩm định nếu đã bỏ phiếu thuận thông qua một BC ĐTM, ĐMC mà BC đó có sai sót về mặt chuyên môn. Nếu từ sai sót đó gây thiệt hại thực tế nghiêm trọng thì cá nhân đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này giúp đảm bảo tính khách quan, độc lập và đề cao trách nhiệm pháp lý của hội đồng thẩm định.

Cuối cùng, nếu một CQK, một dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng hoặc cấp giấy phép hoạt động mà chưa được phê duyệt BC ĐTM thì người phê duyệt hoặc cấp các chứng từ trên phải chịu hình thức kỷ luật. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng nhiều dự án được triển khai khi chưa có BC ĐTM và cũng giúp tăng tỷ lệ các CQK được lập ĐMC.

Cùng với việc chỉ ra các lỗ hổng trong khung pháp lý và siết chặt thực thi, kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc cũng là một trong những nguồn mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật về ĐTM, ĐMC nói riêng và pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung.

Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)