Khai thác gỗ trong rừng phòng hộ tối đa không quá 20%

ThienNhien.Net – Theo Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hướng dẫn khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên, bắt đầu từ năm 2010, cường độ khai thác gỗ tự nhiên trong rừng sản xuất và rừng phòng hộ sẽ phải được tính trên diện tích và độ dốc của đất rừng.


Cụ thể, đối với rừng sản xuất có độ dốc từ 15o trở xuống, cường độ khai thác gỗ tối đa là 35% và sẽ giảm đi 1% nếu độ dốc tăng lên 2o. Tương tự, đối với rừng phòng hộ, cường độ khai thác tối đa sẽ là 20% với độ dốc từ 15o trở xuống và sẽ liên tiếp giảm 1% nếu độ dốc tăng lên 1o.

Đồng thời, để tránh tình trạng lãng phí khi khai thác, tỉ lệ lợi dụng gỗ thân được quy định tối thiểu là 55%, gỗ cành, ngọn và củi tối thiểu là 5%. Các đơn vị và cá nhân trước khi khai thác phải có nhiệm vụ trình duyệt hồ sơ thiết kế khai thác đối với các cơ quan chức năng để quản lý.

Cần lưu ý là những bãi thu gom gỗ rừng phải nằm ngoài khu vực loại trừ, với đầy đủ chức năng an toàn, thuận tiện cho thu gom gỗ. Phải tận dụng các bãi trống trong rừng làm bãi gom, hạn chế việc chặt rừng để hình thành bãi gom.

Một điểm nữa cần tuân thủ là chỉ được mở đường vận xuất ở ngoài phạm vi ranh giới quy định cho khu vực loại trừ. Cần sử dụng hệ thống đường có sẵn, đường bị bỏ hoang không sử dụng, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, nguồn nước và xói mòn đất.

Thực tế cho thấy, do tốc độ khai thác rừng ồ ạt những năm gần đây, diện tích rừng Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, từ một nước có độ che phủ rừng lớn trên thế giới, đến thời điểm này nước ta chỉ còn giữ được một diện tích nhỏ rừng nguyên sinh.

Việc quản lý thiếu chặt chẽ công tác khai thác rừng đầu nguồn ở nhiều địa phương là nguyên chính dẫn đến tình trạng xói mòn đất, lũ quét, cạn kiệt nguồn nước… ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân.

Bên cạnh chính sách giao khoán trồng rừng mới đến từng hộ dân đã được Chính phủ triển khai, quy định mới này ra đời sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng nói riêng, tài nguyên môi trường nói chung.