Phát triển kinh tế xanh: Cần chính sách hỗ trợ thiết thực

ThienNhien.Net – Áp dụng khoa học kỹ thuật cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên… là giải pháp quan trọng để hướng tới phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế – xã hội – môi trường. Tuy nhiên, muốn làm được việc này ngoài cơ chế chính sách của nhà nước, sự tham gia của xã hội thì doanh nghiệp (DN) phải giữ vai trò trung tâm.

Diễn đàn CEO Kinh doanh xanh (Ảnh: Báo Công Thương)
Diễn đàn CEO Kinh doanh xanh (Ảnh: Báo Công Thương)

Chìa khóa để phát triển bền vững

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế đã giúp hơn 660 triệu người thoát nghèo, nâng mức thu nhập của hàng triệu người khác nhưng tăng trưởng thường đi kèm với tổn thất về môi trường. Nguồn tài nguyên bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường… là những yếu tố đe dọa tính bền vững của tăng trưởng và những tiến bộ về mặt phúc lợi xã hội. Thực tế cho thấy, trên thế giới vẫn còn cả tỷ người sống trong tình trạng thiếu điện và nước sạch cùng với những tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT): Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất đưa chỉ số môi trường trở thành một phần trong báo cáo đánh giá DN. Đề nghị nhà nước ưu đãi các DN có chỉ số môi trường tốt được vay vốn để mở rộng sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch.

Ở Việt Nam, sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế – xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường, tài nguyên không tái tạo đang dần cạn kiệt,khoảng cách giàu nghèo gia tăng và các vấn đề do biến đổi khí hậu gây nên như thiên tai lũ lụt, hạn hán… Thêm vào đó nhiều ngành hỗ trợ, giải quyết vấn đề môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo… còn chưa phát triển.

Tại diễn đàn CEO cùng với chủ đề “Kinh doanh xanh” vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển kinh tế bền vững thì con đường duy nhất là phải tập trung cho kinh tế xanh. Theo đó, sự tăng trưởng kinh tế phải gắn với giảm phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên. Đây cũng là chìa khóa để phát triển bền vững. Vì vậy, các DN cần phải thay đổi tư duy nhằm phát triển chiến lược kinh doanh xanh gắn quản trị cả tài chính, tài nguyên, con người một cách hiệu quả.

Cần lộ trình hỗ trợ cụ thể

Theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế xanh, DN phải giữ vai trò trung tâm bởi chính họ là người quyết định đến đầu tư, lựa chọn công nghệ sản xuất, sử dụng tài nguyên và lao động. Tuy nhiên, các DN lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải tiến công nghệ, thiếu bộ chỉ số tiêu chuẩn và cơ quan chức năng xác thực được mức độ bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm của DN; cũng như các vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN, người lao động và cộng đồng.

Bà Laura Altinger – chuyên viên cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới WorldBank – cho biết: Tại Việt Nam, tỷ lệ đầu tư trên GDP cho tăng trưởng xanh chỉ khoảng 0,2%. Do vậy, điều quan trọng nhất là nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ với lộ trình cụ thể theo từng bước phát triển của nền kinh tế để các DN mặn mà với kinh tế xanh. Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, DN sẽ lựa chọn sử dụng nguồn năng lượng ít hơn, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo.