Đồng bằng sông Cửu Long: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt

Bài 1: Rác hành dân, Cần Thơ lúng túng trong cách xử lý

ThienNhien.Net – Thời gian qua nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL chưa làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, khiến môi trường và đời sống của một bộ phận người dân sống xung quanh khu vực các bãi chứa rác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lần người dân ở Cần Thơ sống xung quanh khu vực này đã “biểu tình”, chặn xe không cho tiếp tục chở rác, khiến địa phương lúng túng trong việc xử lý. Trái lại, ở Vĩnh Long, một nhà máy xử lý rác thải đầu tư hàng trăm tỉ đồng, công nghệ hiện đại lại bị địa phương làm khó phải trùm mền.

Cả một vùng bị ô nhiễm không khí và nguồn nước,  khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cả một vùng bị ô nhiễm không khí và nguồn nước,
khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước ngày 31-12-2013, khi còn là tỉnh chung Hậu Giang rồi Cần Thơ, rác thải sinh hoạt của TP. Cần Thơ được đổ tại bãi rác Tân Long xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang. Bình quân mỗi ngày, bãi rác Tân Long tiếp nhận khoảng 600 tấn rác của hai tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ. Thế nhưng, gần đây, do tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nên tỉnh Hậu Giang đã quyết định đóng cửa bãi rác này vào cuối năm 2013. Việc này đã được thông báo cho TP. Cần Thơ từ rất lâu. Tuy nhiên, sự chuyển động của lãnh đạo thành phố quá chậm nên đến ngày đóng cửa bãi rác, mọi phương án của Cần Thơ chỉ là tạm thời. Bãi rác mới được triển khai ở phường Phước Thới (quận Ô Môn) cũng chỉ là biện pháp tình thế. Trước đó, UBND TP. Cần Thơ giao cho một phó chủ tịch trực tiếp lo việc mời gọi đầu tư lò xử lý rác thải, nhưng đến nay mọi việc vẫn còn nằm trên giấy.

Rác gây ô nhiễm, dân bức xúc

Việc bãi rác Tân Long đóng cửa khiến cho TP. Cần Thơ gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong cách tập kết rác xử lý thải. Biện pháp tạm thời trước mắt là số lượng rác của một số quận của TP. Cần Thơ như: Kinh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn được tập trung tại các ô chứa rác với diện tích khoảng 5.500 m2 tại phường Phước Thới (quận Ô Môn). Sở Xây dựng được giao trách nhiệm chính trong việc đầu tư xây dựng 3 lò đốt rác có công suất 30 tấn/lò/ngày, công suất 90 tấn/ngày đặt tại bãi rác Thới Lai để xử lý rác cho thành phố, nhưng cho đến cuối năm 2013 vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Tấn Dược – Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ trong một lần trả lời với cử tri đã hứa sẽ sớm có lò đốt rác nhưng đến đầu năm 2014 này hiện vẫn còn nằm trên giấy. Dự kiến, lò đốt rác sẽ hoạt động vào năm giữa 2014. Để đối phó, UBND TP. Cần Thơ đã giao cho Công ty Mùa Xuân 10ha để xây dựng bãi đổ rác tạm, nên trong thời gian này chủ yếu là đổ rác, khử mùi. Bãi rác tạm Phước Thới đang hàng ngày chịu tình trạng quá tải với lượng rác thải 500 tấn/ngày.

Chính vì quá bức xúc trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm, ngày 12-1-2014, hàng trăm hộ dân phường Phước Thới và phường Thới An đã chặn đường không cho xe đổ rác vào bãi rác. Nhiều người dân ở đây bức xúc cho biết, từ đầu năm đến nay họ phải chịu đựng mùi hôi thối của hàng trăm tấn rác mỗi ngày, bốc lên nồng nặc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, gây khó khăn cho sản xuất. Đặc biệt hơn, dòng nước tại sông Ngọn Bà Quý (khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới) bị bãi rác xả ra gây ô nhiễm nặng. Bà con kiên quyết không cho xe rác vào đổ tiếp. Có người đã ném đá vỡ kính xe rác của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Cần Thơ. Bà Bùi Thị Bé, ở khu vực Thới Trinh (Phước Thới) bức xúc nói: Một ngày, hàng trăm xe rác đổ về đây, cả một vùng bị ô nhiễm không khí và nguồn nước, không khí ngột ngạt khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính quyền lúng túng trong việc tìm ra biện pháp xử lý

Đến sáng 25-1-2014, sau khi tái diễn lại tình trạng xả nước thải ra sông, người dân sống gần bãi rác Ô Môn (TP. Cần Thơ) lại tiếp tục đến đầu đường ngăn không cho xe chở rác đến đổ vào bãi rác. Sau khi người dân kéo đến chặn xe rác, chính quyền có hứa sẽ khắc phục nhưng chỉ hơn 1 tuần sau lại tái diễn, thậm chí mức độ còn nặng hơn.

Ông Mai Văn Út, Phó chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết: Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ kéo nước máy phục vụ cho gần 130 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời sẽ theo dõi chặt nếu phát hiện xả nước thải từ bãi rác ra, sẽ xử lý nghiêm…

Theo quy hoạch, bãi rác tại khu vực phường Phước Thới, quận Ô Môn thực chất là nơi xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn có tổng diện tích 47ha. Hiện tại thành phố đang lựa chọn công nghệ cho phù hợp, dự kiến khoảng 3 năm nữa mới bắt đầu làm sau khi bãi rác Tân Long đóng cửa. Tuy nhiên, vì chỉ là bãi rác tạm, cách thi công vội vàng nên nguy cơ ô nhiễm môi trường ở bãi rác này sẽ còn tiếp diễn, thậm chí là ngày càng nặng nề hơn. Thêm vào đó, hàng trăm người từ bãi rác Tân Long tìm đến bãi rác Phước Thới để mưu sinh cũng là chuyện nan giải về an ninh trật tự.

Để giải bài toán ngập rác, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Cần Thơ sang Vĩnh Long để hợp đồng xử lý rác với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phương Thảo, nhưng do công ty bị đóng cửa nên việc xử lý rác rơi vào bế tắc.