Hàng ngày, tại Hà Nội, khoảng hơn 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường. Đó là chưa kể rác thải công nghiệp, rác thải rắn, rác thải độc hại.
Tất cả các loại rác kể trên đều có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Song, Hà Nội chỉ có hai khu xử lý rác thải chính: Nam Sơn và Xuân Sơn. Cả hai khu này đều đang quá tải. Do thiếu chỗ xử lý rác, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy từ rác.
Các bãi rác đều quá tải
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) có quy mô 157 ha, đến năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha. Diện tích bãi rác trên thuộc các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn). Bãi có nhiệm vụ xử lý rác của 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành Hà Nội.
Quy hoạch là vậy nhưng từ nhiều năm nay, việc di dời giải phóng mặt bằng để mở rộng bãi rác lại rất khó khăn. Được thành lập từ năm 1996, đến nay, bãi rác Nam Sơn có diện tích khoảng 150 ha và dường như chưa mở rộng được thêm một mét vuông nào nữa kể từ năm 2020 đến nay để dành cho việc chôn lấp và xử lý rác.
Trong khi đó, dân số của thành phố tăng theo từng năm, kéo theo rác thải phát sinh nhiều. So với thiết kế, bãi rác Nam Sơn đã vượt khoảng 1,69 triệu tấn. Bãi rác quá tải là chuyện được dự báo từ lâu.
Cùng với đó, thành phố còn có bãi Khu liên hiệp xử lý rác thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) đang ở tình cảnh quá tải nghiêm trọng. Bãi rác này đã từng xảy ra sự cố, dẫn tới phải dừng tiếp nhận rác vào dịp tháng 10 vừa qua, khiến một số quận, huyện bị ùn ứ rác thải.
Bãi rác quá tải, dẫn tới sự cố không chỉ gây ùn ứ rác tại các quận, huyện mà còn tạo khó khăn áp lực không nhỏ cho đơn vị vận hành.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) – đơn vị được giao quản lý, vận hành hai bãi trên- bãi rác quá tải có nguy cơ: phát tán mùi rất cao, nước rỉ rác lớn, không chủ động ô chôn lấp, mật độ phương tiện ra vào một khu vực lớn nguy cơ tai nạn giao thông, hao tổn nhiên liệu do xe phải leo lên cao tìm chỗ đổ rác…
Để khắc phục, phía đơn vị quản lý bãi đã nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế phát tán mùi ô nhiễm từ bãi rác như: dùng chế phẩm chế phẩm Posi-shell nhập khẩu từ Mỹ, kết hợp với ximăng phun lên bề mặt rác sau khi rác được mang đến ô chôn lấp.
Việc làm này nhằm phủ kín bề mặt rác hở, ngăn không cho mùi phát tán, tăng hiệu quả diệt công trùng, hạn chế rác bay và tách nước mưa hòa vào nước rác. Đồng thời, Urenco thí điểm công nghệ Nhật Bản với việc tiến hành sục khí nano tại các ô chứa nước rác để hạn chế phát tán mùi ô nhiễm.
Ngoài ra, đơn vị quản lý triển khai nhiều biện pháp khác nhằm hạn chế thấp nhất phát tán mùi ô nhiễm, ngăn chặn ruồi muỗi phát sinh từ bãi rác. Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ là tạm thời trước mắt, mang tính chất giải quyết tình thế.
Các dự án quy mô chưa hẹn ngày về đích
Thời gian qua, dư luận Thủ đô có phần yên tâm khi đón nhận thông tin việc thành phố chấp nhận chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án đốt rác phát điện tầm cỡ trên địa bàn.
Có thể kể đến như Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm; nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm của liên danh T&T và Hitachizonshen; Nhà máy xử lý rác của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Indovin Power 500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin…
Tuy nhiên, trong các dự án trên, chỉ có Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý là đang trong quá trình thi công nhưng cũng đã chậm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến trong năm nay, nhà máy trên sẽ tiếp nhận rác để vận hành. Các dự án còn lại đều đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện thủ tục đầu tư, bàn giao mặt bằng…
Tại các buổi làm việc với các đơn vị đầu tư nhà máy rác, cùng các cơ quan chức năng của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành liên quan, tập trung ưu tiên hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục nhằm “nổi lửa” và khởi công các nhà máy đốt rác phát điện theo cam kết. Song, đến nay các dự án trên, chưa hẹn ngày về đích.
Trước thực trạng trên, mới đây, UBND thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đi kèm giải pháp trước mắt là đầu tư 170 tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục nhằm nâng công suất của bãi rác Nam Sơn.
Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng ô chôn lấp; hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 ha thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn; hồ chứa sinh học rộng trên 7 ha gồm: đào hai hồ chứa nước rỉ rác và xây dựng hạ tầng kỹ thuật như tường rào, mương thoát nước, đường nội bộ, hệ chống chiếu sáng, cây xanh… Dự kiến, các hạng mục này và hoàn thành vào quý II/2022.
Theo UBND thành phố, bãi rác Nam Sơn đảm nhiệm xử lý khoảng 70% lượng rác thải của toàn thành phố. Do vậy, việc xây dựng các hạng mục này nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, chôn lấp rác đảm bảo an ninh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh; đồng thời, bảo đảm an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn.
Cũng theo UBND thành phố, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải, chia làm 3 khu vực: Bắc, Nam và Tây. Một số khu xử lý đang được UBND thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức)… Quy mô mỗi khu xử lý từ 4 ha đến khoảng 20 ha, công suất xử lý từ 500 tấn đến 1.200 tấn rác/ngày đêm.
Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng bãi rác theo quy hoạch lại đang rất chậm. Theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải. Với tỷ lệ thu gom đạt 100%, đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô là khoảng 8.500 tấn/ngày đêm.
Với lượng rác lớn và chưa ngừng tăng như vậy, Hà Nội đang phải đối diện với việc khủng hoảng thiếu các ô chôn lấp rác và nhà máy xử lý rác thải. Thiếu như vậy nhưng vấn đề quan ngại là Hà Nội lại đang thiếu sự kiên quyết và rất chậm trễ trong việc triển khai các giải pháp tháo gỡ, tìm “đầu ra” cho rác thải.