Thạch Giám phát triển kinh tế rừng và xây dựng mô hình rau sạch

ThienNhien.Net – Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) là xã có truyền thống đi đầu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, đến nay xã Thạch Giám vẫn chưa thoát được xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,7%.

Tuy gần trung tâm huyện, có nhiều thuận lợi về giao thông và lưu thông tiêu thụ sản phẩm nhưng Thạch Giám khó khăn về quỹ đất ít, chủ yếu là đất dốc, diện tích đất bằng, ruộng nước không đáng kể (cả xã chỉ có 20 ha). Ðể từng bước vươn lên thoát nghèo, Ðảng bộ xã Thạch Giám xác định hướng phát triển kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng mô hình trồng rau sạch.

Người dân kiểm tra rừng (Ảnh: Cổng TTĐT Nghệ An)
Người dân kiểm tra rừng (Ảnh: Cổng TTĐT Nghệ An)

Với chủ trương và mục tiêu đó, thời gian qua, xã Thạch Giám phát động nhân dân các bản: Mác, Nhẫn, Lau, Khe Chi, Mon, Chắn… bên cạnh trồng cây mét truyền thống, tập trung trồng các cây có kinh tế cao như keo, xoan… vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc vừa có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái. Hưởng ứng phong trào này, thời gian qua nhiều hộ đã trồng hàng nghìn cây mét, hàng chục nghìn cây xoan… Ðiển hình như gia đình ông Vang Văn Lương, bản Cây Me đã trồng được 10 nghìn cây xoan nay gần đến kỳ thu hoạch, trị giá hàng tỷ đồng, hay gia đình ông Vi Thanh Hoàng, bản Mác trồng hơn 1 nghìn cây xoan chưa tính còn hàng trăm gốc mét với hàng nghìn cây cho thu hoạch hằng năm…Cùng với phong trào trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê…, xã Thạch Giám còn vận động nhân dân hai bản: bản Phòng và bản Nhãn tận dụng đất bằng ven sông, khe suối, thực hiện xây dựng bốn mô hình trồng rau sạch theo chỉ đạo của huyện. Tại hai bản này nhân dân đã cải tạo được bốn ha đất bằng, đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước đầu các nguồn khe về tưới.

Ðể xây dựng thành công mô hình này, huyện Tương Dương đã chỉ đạo ngành chức năng cử cán bộ xuống tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cung cấp giống cho nhân dân gieo trồng. Mô hình rau sạch chủ yếu trồng các loại rau cải, cải bắp, su hào, đậu, cà chua, hành, đặc biệt cây cà ngọt đặc sản truyền thống của vùng miền núi đang được người tiêu dùng ưa chuộng… Bước đầu tuy diện tích nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, có thu nhập khá, bình quân mỗi năm gần 10 triệu đồng/hộ, cá biệt có hộ thu nhập gần 20 triệu đồng.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Thạch Giám Lương Văn Ngoạn, chỉ tính riêng tại khu vực thị trấn Hòa Bình, số sản phẩm rau sạch được người tiêu dùng tin cậy, nhưng cung không đủ cầu. Do vậy thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra các vùng bản khác. Tuy nhiên, muốn đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân dân các dân tộc thiểu số cần được tăng cường hỗ trợ đầu tư về hệ thống nước tưới, phân bón, về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc…