Giành quyền đất đai toàn cầu sẽ bùng nổ sau khi tạm lắng

ThienNhien.Net – Xu hướng toàn cầu thúc đẩy quyền sở hữu hợp pháp về đất đai cho các cộng đồng bản địa đang có dấu hiệu chững lại khiến một số nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc đấu tranh này đang rơi vào thoái trào và có nguy cơ thụt lùi so với tiến triển đã đạt được.

Theo nghiên cứu mới của tổ chức Sáng kiến về Tài nguyên và Quyền lợi (RRI), diện tích đất rừng toàn cầu nằm dưới quyền quản lý của cộng đồng trong 5 năm qua đã giảm gần 20% so với 6 năm trước đó. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, không có nhiều công cụ pháp lý được thông qua để kiểm soát vấn đề về quyền đất đai, trong khi các công cụ pháp lý được thông qua đã kém hiệu quả.

“Nếu các công ty tư nhân và chính phủ ở các nước phát triển không nhanh chóng vào cuộc thì mọi thành quả của cuộc chiến giành quyền hợp pháp về đất đai cho cộng đồng sẽ có nguy cơ mất trắng” – ông Andy White, điều phối viên của RRI bày tỏ sự lo ngại.

Sự lo ngại này được lý giải do hiện nay không một ai thực sự vào cuộc – từ các nhà tài trợ, các công ty lớn đến cả chính phủ các nước phát triển – để giúp các nước đang phát triển lập bản đồ, mở văn phòng đăng ký và tổ chức những cuộc tham vấn cần thiết nhằm đạt được mục tiêu chung.

Đáng lo hơn, RRI mới nhấn mạnh “hình ảnh chủ đạo nổi lên trong bức tranh năm 2013 vẫn là hoạt động trưng dụng đất đai của các quan chức địa phương và các ông chủ tập đoàn dưới sự tiếp tay của chính phủ các nước sở tại”. Báo cáo thường niên của RRI cũng đồng thời khẳng định: “Tình trạng này phải thay đổi và hoàn toàn có thể thay đổi. Nếu sức ép chính trị trong nội bộ các nước đủ sức tạo ra những cam kết mới từ phía chính phủ và thức tỉnh khối doanh nghiệp thì tình hình về quyền đất đai cho cộng đồng năm 2014 sẽ chuyển biến đáng kể”.

Tuy nhiên, theo RRI, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay, chúng ta cũng chưa thể nói trước điều gì.

Trẻ em biểu tình đòi quyền đất đai cho cộng đồng bản địa ở Cherãn (Ảnh: Daniela Pastrana/IPS)
Trẻ em biểu tình đòi quyền đất đai cho cộng đồng bản địa ở Cherãn, Ấn Độ (Ảnh: Daniela Pastrana/IPS)

Kể từ năm 2013, các cộng đồng đã nắm quyền kiểm soát khoảng 513 triệu héc-ta rừng. Đáng nói là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, chính phủ vẫn tiếp tục quản lý hoặc tuyên bố quyền sở hữu gần 60% diện tích đất nói trên.

Con số này đã giảm 10% so với giai đoạn trước năm 2002. Quan trọng hơn là nó chỉ đại diện cho một số khu vực nhất định, thậm chí chỉ là một nhóm nước riêng lẻ. Đơn cử như ở Mỹ Latinh, các cộng đồng hiện đã nắm quyền kiểm soát khoảng 39% diện tích rừng, trong khi con số ấy ở khu vực châu Phi cận Sahara chỉ đạt mức 6%, ở lưu vực Congo còn chưa đầy 1%.

RRI cho biết, trong giai đoạn 2002 – 2013, có tới 24 điều khoản pháp lý được đề xuất nhằm thúc đẩy việc trao quyền quản lý rừng cho cộng đồng. Thế nhưng kể từ năm 2008, chỉ có 6 điều khoản được thông qua và gần đây mới có hiệu lực, đáng tiếc hơn là không điều khoản nào trong đó cho phép thừa nhận quyền sở hữu của cộng đồng đối với đất đai.

“Không phải ngẫu nhiên mà quá trình cải cách pháp lý liên quan đến đất đai đã chững lại đúng vào thời điểm giá trị tài chính của đất, nước và các-bon tăng đột biến.” – Ông Raul Silva Telles do Valle, điều phối viên chương trình chính sách và quyền lợi thuộc tổ chức phi chính phủ Instituto Socioambiental (Brazil) khẳng định.

“Kết quả là trưng dụng đất đã tăng vọt và làm nghèo khổ thêm những đất nước đang mạo hiểm vì tăng trưởng kinh tế đã coi rừng như một thứ hàng hóa chứ không phải là đất đai nhà cửa của người dân nước họ. Những chính phủ này cần phải nhìn nhận rừng không chỉ là một mảnh đất để khai thác.”

Trong bối cảnh ấy, các công ty xuyên quốc gia như Nestle, Unilever và các thể chế đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một loạt cam kết mới hướng tới ngăn chặn nạn phá rừng, đồng thời đẩy mạnh quyền hợp pháp về đất đai cho cộng đồng bản địa và địa phương. Các khu vực châu Phi và Đông Nam Á cũng bắt đầu cân nhắc việc củng cố, cải thiện các quyền về đất đai.

Tuy nhiên không may, những nỗ lực này lại xuất hiện đúng thời điểm giá đất và lương thực leo thang, khiến những cam kết trên chưa được triển khai hiệu quả và một số nước như Lào, Liberia, Cameroon quyết định hoãn cải cách.

Nửa thập kỷ tới đây những số liệu mới hẳn sẽ khiến những chuyên gia phát triển và chống đói nghèo lo lắng. RRI hiện nhìn nhận tình trạng hiện tại xoay quanh vấn đề quyền đất đai đang dần đi đến điểm bùng nổ trên toàn cầu, dưới sức ép giữa việc nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của sở hữu cộng đồng và mặt khác là tiến trình pháp lý đang bị đình trệ và việc đấu tranh giành những quyền này.

Cái giá của việc đảm bảo quyền lợi về đất đai thực tế không cao bằng cái giá phải trả cho những tranh cãi, xung đột xoay quanh chủ đề đất đai. Thêm nữa, các nhà đầu tư có tâm thường không bao giờ rót vốn vào những nơi đang xảy ra tranh chấp liên quan tới quyền lợi về đất. Do đó, chỉ có giải quyết triệt để những xung đột ấy, các nước mới có cơ hội thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đi đường dài với mình.