Nghịch lý ở U Minh Hạ – Bài 3

Bài 3: Sẽ xóa cơ chế lỗi thời để rừng sinh lợi

ThienNhien.Net – Việc khống chế khai thác rừng tràm không loại trừ khả năng để trục lợi cá nhân.

Nghịch lý ở U Minh Hạ – Bài 1

Nghịch lý ở U Minh Hạ – Bài 2

Trên các số trước, chúng tôi phản ánh thực trạng người trồng tràm ở U Minh Hạ (Cà Mau) bị các lâm ngư trường khống chế việc khai thác rừng làm nhiều khu rừng tràm quá tuổi, giảm giá trị. Nhiều người nóng ruột muốn thay thế bằng cây keo lai, hiệu quả cao hơn nhưng không được…

051113_ongDuongTienDung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng (ảnh) cho rằng đã đến lúc xóa cơ chế lỗi thời để kích rừng sinh lợi. ông Dũng nói:

+ Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã thấy đất rừng U Minh Hạ thực sự chưa phát huy hết tiềm năng sinh lợi. Nó không chỉ là chưa phát huy tiềm năng đất mà là một sự lãng phí lớn. UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau khẩn trương kiểm tra thực trạng lãng phí này, giải tỏa ngay những gì đang kìm hãm…

– Quá trình đi tìm hiểu viết loạt bài này, chúng tôi chưa được ai cung cấp một con số chính xác về số đất rừng đang trong tình trạng kém hiệu quả, lý do gì vậy, thưa ông? 

+ Trong một quá trình dài mấy mươi năm từ sau giải phóng đến nay, Chính phủ và địa phương luôn quan tâm đến việc phát triển rừng, phát huy tiềm năng sinh lợi của đất rừng. Nhưng trong cái vòng luẩn quẩn trúng mùa – mất giá của cả ngành nông nghiệp Việt Nam, không chỉ chúng tôi mà các địa phương có rừng khác trong cả nước cùng bị lúng túng trong việc làm gì để đẩy hiệu quả kinh tế rừng lên cao hơn. Nói chúng tôi thiếu quan tâm đến kinh tế rừng là chưa đúng.

Một trong nhiều hộ dân ở rừng tràm nhận khoán 50-60 ha rừng gần 20 năm vẫn nghèo khó (Ảnh: TV/Pháp luật TP. HCM)
Một trong nhiều hộ dân ở rừng tràm nhận khoán 50-60 ha rừng gần 20 năm vẫn nghèo khó (Ảnh: TV/Pháp luật TP. HCM)

– Thưa ông, tại U Minh Hạ vẫn còn các cơ chế rất lạ lùng: Cấm nông dân dùng cơ giới để đào liếp trồng rừng mà chỉ được đào bằng tay; khống chế việc khai thác sản phẩm lâm nghiệp do dân làm ra?

+ Đó là điều vô lý! Chúng tôi vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT phải rà soát để giải tỏa. Quan điểm của tôi là giải tỏa cơ chế lạc hậu, lỗi thời tức là giải quyết được căn bản bài toán phát huy tiềm năng đất rừng U Minh Hạ. Còn việc nó tồn tại đến hôm nay là cũng có nguyên nhân: Trước, thị trường lâm sản ở Cà Mau bấp bênh, khai thác nhiều quá thì giá lâm sản sẽ giảm do cung vượt cầu. Còn việc cấm cơ giới là vì những khu vực đó sắp có quy hoạch mới. Tỉnh sợ nông dân đầu tư lớn, khi triển khai quy hoạch mới thì ngân sách khó đảm bảo bồi thường cho dân. Tất nhiên bây giờ thì thời thế đã khác rồi, những cơ chế đó chắc chắn sẽ được giải tỏa sớm. Ngay sau khi Sở NN&PTNT và thanh tra tỉnh có kết luận kiểm tra, thanh tra cụ thể.

– Thưa ông, ông có nghĩ còn những nguyên nhân khác. Chẳng hạn một nhóm người cố tình giữ lại những cơ chế lỗi thời nhằm trục lợi cá nhân? Nhiều người dân đã nói với chúng tôi như vậy? 

+ Tất nhiên là không thể loại trừ khả năng đó. Nhưng tôi cam đoan nếu phát hiện, với đủ bằng chứng, chúng tôi quyết không bao che.

Xin cảm ơn ông!

Từ gần 10 năm qua, sau khi có Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Cà Mau nhiều lần quy hoạch ba loại rừng. Trong đó, rừng sản xuất được quy hoạch tách bạch với rừng phòng hộ, xung yếu. Quy hoạch gần nhất là năm 2009, với khu rừng sản xuất được quy hoạch khoảng 108.000 ha, thuộc hai khu vực rừng tràm U Minh Hạ (các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời) và rừng đước Năm Căn (thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi). Riêng khu vực rừng tràm, diện tích rừng sản xuất khoảng 25.000 ha, nằm tách biệt với khu rừng tràm bảo tồn của Vườn quốc gia U Minh Hạ, nay là khu sinh quyển thế giới. Cũng trong năm 2009, Bộ NN&PTNT cho phép Cà Mau được trồng thêm một loại cây mới trên khu rừng sản xuất là cây keo lai. Chức năng của rừng sản xuất chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường…