Tài nguyên, khoáng sản ở Tây Nguyên: Mạnh ai nấy đào

ThienNhien.Net – Hiện tại, tình trạng khai thác khoáng sản như vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng… gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có các biện pháp ngăn chặn triệt để.

Khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum (Ảnh: )
Khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum (Ảnh: Đức Trung/Sài Gòn Giải Phóng)

Khai thác tràn lan

Những ngày qua, khu vực thượng nguồn suối Ia Kul và thượng nguồn suối Ia Bal, xã Cư Klông, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) “nóng” lên bởi hàng trăm người dân ở khắp nơi kéo đến khai thác đá quý saphia và thạch anh tinh thể. Có thời điểm, số người tham gia khai thác trái phép tại đây lên tới hơn 300 người. Các thung lũng, khe suối, bãi bồi là nơi lựa chọn đào đãi đá quý của dân khai thác tự do, trái phép.

Tại các địa điểm khai thác, nhóm người trên đã dựng lên nhiều lán trại và đưa máy móc, dụng cụ phục vụ việc khai thác đá quý saphia và thạch anh. Riêng tại khu vực suối Ia Bal, diện tích khai thác trái phép ước tính ban đầu khoảng trên 1ha. Do bị đào bới khoét sâu nên sườn đồi bị sạt lở nham nhở, đất đá rơi xuống dòng suối ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất sản xuất của người dân và nguồn nước. Vị trí này nằm trong diện tích đất quản lý và sử dụng của Hợp tác xã Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Trường Sơn, đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất tại tiểu khu 300, thuộc địa bàn xã Cư Klông (huyện Krông Năng) để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu.

Mí Hlao, một người dân sống gần khu vực suối Ia Bal ngao ngán: “Cách đây khá lâu, một số người dân vô tình đào được những viên đá nhỏ có màu sáng đẹp. Sau khi thử thì biết đó là đá quý saphia. Cũng từ đó, dòng người từ khắp nơi kéo về đây tranh nhau khai thác. Ngay cả người dân địa phương cũng bỏ nương, rẫy ra suối đào đãi đá, nhiều người đi làm thuê lấy tiền công. Không biết ở đây thật sự có mỏ đá quý như người ta đồn thổi hay không, nhưng bà con mình thì đã bị ảnh hưởng nhiều. Khổ nhất là dòng suối bao lâu nay dùng để tắm giặt, nấu nướng đã trở trên đục ngầu, lởm chởm đá sỏi. Không riêng gì suối Ia Bal, ngay cả suối Ia Kul cũng bị đào bới nham nhở, dọc hai bên suối đầy rẫy những hố sâu”.

Theo thống kê, toàn huyện Krông Ana có 70 cơ sở đang khai thác đất sét, trong đó 2/70 cơ sở có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Các cơ sở còn lại tự thỏa thuận hợp đồng với các hộ dân có đất ruộng để khai thác lấy sét, mà không thông qua chính quyền địa phương. Việc khai thác đất sét của các đơn vị này diễn ra tràn lan, không theo quy hoạch, mua bán chuyển nhượng đất đai để khai thác đất sét bất hợp pháp, không thực hiện việc cải tạo đồng ruộng để trả lại diện tích canh tác nông nghiệp cho người dân… Hay việc khai thác cát của một số cơ sở trên sông Krông Ana và sông Krông Nô (huyện Krông Ana) cũng không tuân thủ quy định tại giấy phép khai thác và đề án được phê duyệt, đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng diện tích đất nông nghiệp. Điển hình như tại khu vực trạm bơm 3, xã Hòa Bình (huyện Krông Ana), đoạn sông được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép khai thác cho Hợp tác xã Đoàn Kết, bị sạt lở vào bờ từ 30-50m.

Ở Gia Lai và Kon Tum, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như vàng sa khoáng, cát, đá chẻ… diễn ra từ nhiều năm qua nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Trong đó, công tác thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm vẫn chưa nghiêm, chưa kịp thời, để kéo dài dẫn đến nhiều phát sinh phức tạp; công tác quản lý và trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản vẫn còn bị buông lỏng… Tại tỉnh Kon Tum, một số điểm vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật như Đăk Pét, Đăk Long, Đăk Blô, Đăk Nhoong (huyện biên giới Đăk Glei); sông Pô Kô, thung lũng Đăk Hniêng (huyện biên giới Ngọc Hồi); xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy); xã Hơ Moong, Ya Tăng, Mô Rai (huyện biên giới Sa Thầy); sông Đăk Bla (TP Kon Tum)…

Với cách khai thác cát vô tội vạ, sông suối, vườn tược ở xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai bị biến dạng (Ảnh: )
Với cách khai thác cát vô tội vạ, sông suối, vườn tược ở xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai bị biến dạng (Ảnh: Đức Trung/Sài Gòn Giải Phóng)

Bất cập trong quản lý

Ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Krông Năng nói riêng chưa được đầu tư thăm dò chi tiết nên việc khoanh định diện tích phân bố, đánh giá trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế tại khu vực khai thác đá quý saphia và thạch anh ở xã Cư Klông cho thấy, việc phát hiện và khai thác được xuất phát từ người dân khai thác khoáng sản tự do. Nhằm đảm bảo an ninh khu vực, môi trường sinh thái và tránh thất thoát tài nguyên quý hiếm, chúng tôi đã ra quân truy quét, bố trí các trạm tuần tra giao thông trên các tuyến đường và khu vực khai thác khoáng sản trái phép, bố trí lực lượng ăn ở thực địa nhằm kiểm tra, truy đuổi và xử lý người dân từ các nơi đổ về đây thành lập băng nhóm để tham gia khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, do khu vực khai thác khoáng sản trái phép nằm trong rừng, địa hình hiểm trở, đường giao thông đi lại lầy lội và dốc cao nên rất khó khăn cho công tác truy quét. Vì vậy, các nỗ lực ban đầu của chúng tôi chỉ mới tiến hành giải tỏa được vị trí khai thác ở suối Ia Bal và hạn chế được người dân từ các nơi đổ về để khai thác khoáng sản trái phép, chứ chưa giải tỏa được triệt để tận gốc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum do chưa được các cấp có thẩm quyền quan tâm đúng mức. Tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật vẫn xảy ra ở một số địa phương do việc kiểm tra chưa thường xuyên, chưa phát hiện được những trường hợp vi phạm, hoặc khi phát hiện không xử lý triệt để.

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ký quyết định phê duyệt, bổ sung điều chỉnh quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 cho 20 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để đưa việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn vào đúng quy hoạch và hạn chế tối đa tình trạng khai thác trái pháp luật như hiện nay.