Nghịch lý ở U Minh Hạ – Bài 2

Bài 2: “Trói” nông dân bằng cơ chế “xin-cho”

ThienNhien.Net – Nông dân nóng ruột muốn khai thác rừng tràm quá tuổi hoặc cải tạo trồng keo lai nhưng bị trói chặt với cơ chế “xin-cho”.

Trên số trước chúng tôi đề cập chuyện người dân U Minh Hạ là chủ của nhiều hecta rừng tràm nhưng nhiều người trong số họ là những hộ “nghèo có sổ”. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người dân không được khai thác rừng trồng vì cơ chế “xin-cho” đang buộc chặt họ…

Khai thác theo chỉ tiêu

Nhiều người cam chịu việc trồng tràm nhưng không được các lâm ngư trường cho khai thác nhưng cũng có người manh nha khiếu nại việc bất hợp lý này.

Ông Hồ Phát Triển có 28 ha đất rừng sản xuất ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Suốt bảy năm qua, ông làm đơn xin khai thác cánh rừng tràm đã quá già của mình và năm nào cũng bị lâm ngư trường (nay là Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) không cho với lý do hết chỉ tiêu, chờ năm sau. Ông nói như thét với chúng tôi: “Tôi thề là năm sau không được khai thác tôi sẽ kiện Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ. Những việc làm vô lý của họ đã khiến tôi mất hơn nửa tỉ đồng trong bảy năm qua”.

Ông Trần Trung Quốc ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh bất lực nhìn khu rừng tràm 18 năm tuổi của mình không được khai thác (Ảnh: TV/Pháp luật Tp.HCM)
Ông Trần Trung Quốc ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh bất lực nhìn khu rừng tràm 18 năm tuổi của mình không được khai thác (Ảnh: TV/Pháp luật TP. HCM)

Từ năm 2005, Chính phủ đã quy hoạch lại ba loại rừng, gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Với rừng sản xuất, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đa dạng các hình thức như giao khoán, cấp cho dân, hợp tác đầu tư với dân, với doanh nghiệp… Thế nhưng đã gần chục năm trôi đi, Cà Mau vẫn tồn tại hàng ngàn hecta rừng sản xuất không sinh lợi. Ông Triển nói tiếp: “Khi cây tràm đang hút hàng, giá cao, chúng tôi xin khai thác thì không cho. Đến khi cây bị tụt giá thì cho khai thác với quy định thời gian khai thác hai tháng, ba tháng, năm tháng tùy theo diện tích lớn nhỏ. Những quy định đó khiến chúng tôi thiệt hại và cứ mặc nhiên tồn tại”.

Còn ông Đỗ Quang Thanh ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời chua xót: “Tôi có hợp đồng rõ ràng với Lâm ngư trường Trần Văn Thời là trồng rừng tràm thâm canh 21 năm ba chu kỳ, tức bảy năm mỗi chu kỳ. Nhưng nay rừng tràm của tôi đã chín tuổi mà Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ vẫn chưa cho khai thác dù tôi đã làm đơn liên tục ba năm qua. Khi chúng tôi sai hợp đồng bị phạt hành chính, bị hăm cắt hợp đồng nhưng công ty sai, chẳng ai nói lời xin lỗi chứ nói gì đến việc chịu trách nhiệm. Tôi thấy vô lý khi rừng sản xuất mà lại khống chế việc mua bán của người dân. Nó đã làm nghèo chúng tôi biết bao năm qua”.

Phần lớn dân cư dưới tán rừng tràm cam phận đợi chờ. Ông Năm Ổi ở Nguyễn Phích than: “Thấy người ta rầm rộ trồng keo làm giàu, nóng ruột quá nhưng Nhà nước cứ kêu chờ, không cho ai làm gì cả. Chúng tôi đã chờ mỏi mòn bao nhiêu năm nay”.

Ráo riết mua đất để trồng keo lai

Trong khi người dân ngồi nhìn những cánh rừng tràm già cỗi, nhiều người ở nơi khác về U Minh Hạ sang đất để trồng keo lai. Người ta tính ra mỗi hecta đất rừng U Minh Hạ, sau năm năm trồng keo lai sẽ cho thu hoạch không dưới 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, một nông dân có khu rừng sản xuất 60 ha ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), kể: “Đầu năm 2012, có hai ông nọ hỏi mua toàn bộ khu đất rừng của tôi với giá 2,5 tỉ đồng, trong khi đất của tôi chỉ đáng giá sáu, bảy trăm triệu đồng là cùng. Lúc đó tôi nghĩ hai ông này bị điên nhưng khi tìm hiểu thì họ không điên tí nào. Họ đi mua đất để trồng keo lai và nhiều công ty ở TP.HCM, Bình Dương về đây sang, thuê đất để trồng loài cây này”.

Trước đây, chủ trương đưa keo lai thay cho cây tràm bản địa trên khu vực rừng sản xuất đã bị thất bại vì không được dư luận ủng hộ. Sau đó, một cán bộ âm thầm trồng keo lai trên 5 ha của mình. Sau năm năm (2010) diện tích keo lai của vị cán bộ ấy đã cho thu hoạch trên 1 tỉ đồng. Từ việc này, đầu tháng 10-2013, khi thông tin trồng keo lai rầm rộ ở U Minh Hạ thì 14 vị nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã vào rừng và những vị này đã bị thuyết phục với việc trồng keo lai, nhắc nhở: “Hãy kéo tất cả nông dân vào cuộc, hỗ trợ và giúp họ cùng phát triển cây keo lai”.

Vì chuyện trồng keo lai này mà giá đất ở U Minh Hạ từ 30-40 triệu đồng/ha nay lên gần 100 triệu đồng/ha.

Trong khi người dân nóng ruột muốn khai thác rừng tràm để chuyển trồng keo lai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì các lâm trường, công ty lâm nghiệp không cho khai thác. Vô hình trung biến những cánh rừng tràm có giá thành củi!

Thưa ông, vì sao người dân phải chịu sự ràng buộc khai thác? Nó vướng cơ chế nào. Nó có ý nghĩa gì? 

+ Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau: Lâu nay việc khai thác rừng trồng thực hiện theo kế hoạch từng năm do các lâm ngư trường xây dựng trình Sở NN&PTNT phê duyệt. Việc này là để đạt được hiệu quả khai thác rừng cao nhất. Bởi đặc điểm của thị trường cây tràm bản địa là phụ thuộc vào việc xây dựng, nếu ta khai thác hơn 1.200 ha thì cung vượt cầu, cây tràm sẽ mất giá.

Người dân phản ánh việc khống chế khai thác đã gây thiệt hại lớn cho họ. Ông nghĩ sao? 

+ Do người dân thiếu thông tin, không nắm bắt được thị trường nên nghĩ vậy.

Tức là tiếp tục duy trì việc khống chế khai thác rừng trong thời gian tới?

+ Chúng tôi sẽ mở rộng hơn về diện tích khai thác trong thời gian tới. Do hiện các nhà máy chế biến gỗ đã mọc lên, nhu cầu nguyên liệu gỗ đang tăng cao.

Việc hạn chế khai thác là hạn chế quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của bà con…

+ Rừng là lĩnh vực đặc thù, người dân không đủ thông tin nên nghĩ mình thiệt thòi. Nếu không khai thác theo kế hoạch thì người dân sẽ thiệt hại lớn hơn.

Còn với cánh rừng nghèo kiệt, không được khai thác, không sinh lợi suốt 20 năm qua, ông nghĩ thế nào?

+ Chúng tôi đang triển khai dự án bố trí, sắp xếp lại dân cư rừng tràm. Dự án theo hướng tách ruộng ra khỏi rừng, giúp họ ổn định cuộc sống và sản xuất hiệu quả hơn nhưng chưa biết khi nào xong vì phụ thuộc vào nguồn vốn. Quy mô của dự án trên 1.500 tỉ đồng.

Keo lai trồng với mật độ 3.300 cây/ha sau năm năm người dân sẽ lãi 120 triệu đồng/ha trở lên, cao gấp ba lần cây tràm bản địa. Hiện đã có khoảng 4.000 ha đất rừng U Minh Hạ được trồng keo lai.

Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau