Cử tri Nghệ An “vạch tội” các nhà máy thủy điện

Tiếp xúc cử tri tại các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông của tỉnh Nghệ An vừa qua, các Đại biểu Quốc hội nhận được nhiều phản ánh gay gắt về những hệ lụy mà các nhà máy thủy điện gây nên.

Nhà cửa, tài sản của người dân gặp nhiều nguy cơ do ở quá gần thủy điện.

Tại Kỳ Sơn, Đại biểu Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường và Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã có buổi tiếp xúc cử tri của xã Na Ngoi.

Trong buổi làm việc, các cử tri đề nghị quan tâm đến tư liệu sản xuất. “Phần lớn diện tích là đất rừng phòng hộ, một nhát cuốc động đến là vi phạm pháp luật. Dân cư ngày càng đông đúc nhưng nhưng không có nương rẫy, không có kế sinh nhai, nhìn chung cuộc sống thường nhật của chúng tôi chưa được đảm bảo”, cử tri Vi Văn Đin nói.

Trong số các nội dung, được quan tâm nhất vẫn xoay quanh vấn nạn… thủy điện. Chỉ riêng trên địa bàn xã Na Ngoi án ngữ đến 2 nhà máy thủy điện là Ca Nan 1 và Ca Nan 2, từ khi các công trình này đi vào hoạt động đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, vô hình chung khiến sinh hoạt của người dân bản địa bị đảo lộn tứ tung.

Nhiều cử tri đồng loạt “vạch tội”: Hai thủy điện trên mọc lên đồng nghĩa với quỹ đất sản xuất bị mất, thủy điện là tác nhân gây tắc nghẽn dòng chảy, hình thành nên những dòng sông chết, hủy hoại trầm trọng môi trường sinh thái…

Tương tự, tại buổi tiếp xúc với cử tri xã Xá Lượng (Tương Dương) kế đó 1 ngày, tính chất căng thẳng liên quan đến thủy điện Nậm Nơn và Bản Ang tiếp tục được đẩy lên cao trào. Trăm người như một, khi nhắc đến 2 chữ “thủy điện” ai nấy đều bức xúc.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An – rất chia sẻ với tình cảnh của người dân.

Cử tri quả quyết, trước khi xây dựng thủy điện nhiều hộ dân đã được khảo sát và tiến hành kiểm đếm tài sản. Thực tế chỉ rõ khoảng cách giữa các nhà dân với công trình thủy điện quá gần, riêng trạm điện của thủy điện Nậm Nơn cách hộ gần nhất khoảng… 5m. Thực trạng trên đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn luôn thường trực, hiểm họa vì thế có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, nguy hiểm là vậy nhưng các hộ chỉ được đền bù phần đất bị ảnh hưởng chứ không được tạo điều kiện di dời đến điểm phù hợp.

Cũng theo cử tri xã Xá Lượng, quá trình thi công phía nhà thầu không tuân thủ như cam kết. Ban đầu đơn vị khăng khăng không thực hiện việc nổ mìn, thế nhưng khi triển khai thì tiếp diễn liên hồi, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tầng địa chất, từ đó dẫn đến sự hỏng hóc của hàng loạt nhà dân và các công trình phụ trợ. Mặc cho chủ đầu tư đã có động thái trích một phần kinh phí tiến hành bồi thường, thế nhưng số tiền chẳng thấm tháp vào đâu so với mức độ thiệt hại.

Nghiêm trọng hơn cả là sự cố xảy ra vào thời điểm cuối tháng 8/2018, thiên tai tràn về kết hợp với quá trình xả lũ “cật lực” của các nhà máy thủy điện đã càn quét kinh hoàng khắp miền Tây xứ Nghệ. Riêng tại Xá Lượng đã làm trôi và sạt lở hàng chục ngôi nhà, trong đó 14 hộ gia đình sống dọc khu vực thủy điện bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm đếm, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét nhưng ngót gần năm trời vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Thái độ dửng dưng thái quá của chủ đầu tư khiến người dân lo ngay ngáy, sự bất an ngày càng dâng cao khi mùa mưa bão đang đến gần.

Bà Nguyễn Thị Vinh, trú bản Cửa Rào 2 nói thẳng: “Trận lũ dữ cuốn trôi sạch bách chả sót lại gì. Suốt nhiều tháng trời mẹ con tôi phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, vất vưởng nay đây mai đó khổ sở không sao kể xiết. Sự thể ra sao bao nhiêu người chứng kiến, ấy vậy mà các đơn vị liên quan cò kè từng đồng. Cực chẳng đã gia đình phải dựng lán tạm bợ ngay bên dòng Nậm Nơn”.

Bà Nguyễn Thị Vinh phản ánh bất cập của thủy điện đến Đại biểu Quốc hội.

Việc này chưa qua sự cố khác đã vội ập đến. Tháng 5/2019 tiếp tục xảy ra sự việc đau lòng liên quan đến thủy điện Nậm Nơn, chính sự tắc trách trong quá trình vận hành (xả nước nhưng không có còi thông báo theo quy định) là nguyên nhân dẫn đến trường hợp đuối nước thương tâm của anh Vi Văn May (bản Xiêng Hương). Bước đầu phía thủy điện thống nhất bồi thường dân sự số tiền 135 triệu đồng, về sau lại cò cưa muốn giảm chi phí vì lý do “cả hai bên đều sai”. Bức xúc trước thái độ nửa nạc nửa mỡ của chủ đầu tư, người thân của anh Vi Văn May kịch liệt phản đối.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ với những mất mát về người và tài sản do thủy điện gây ra, đồng thời khẳng định sẽ góp tiếng nói đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bà con.

Trong Báo cáo đánh giá toàn diện tác động của các công trình thủy điện về quá trình điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án thủy điện thuộc diện không khả thi, hiệu quả thấp, chậm tiến độ hoặc chưa triển khai. Đến nay Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An đã loại bỏ tổng cộng 15 dự án thủy điện, 1 dự án khác đang xem xét loại bỏ.

“Nhà tôi nằm ngay dưới chân đập thủy điện Nậm Nơn, năm ngoái họ xả lũ làm sạt lở, trôi đi mất một phần diện tích. Cả năm qua chúng tôi sống trong thấp thỏm âu lo, ở chẳng được mà đi cũng chẳng xong.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi nhận được thông báo của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư huyện Tương Dương về phương án hỗ trợ di dời cho các hộ dân bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng bị ảnh hưởng do lũ lụt. Văn bản ghi “hỗ trợ vì thiên tai lũ lụt” là không đúng, thực chất nhà cửa, hệ thống công trình của chúng tôi bị hư hỏng là do nhà máy thủy điện Nậm Nơn gây ra, không thể đổ lỗi cho thiên tai như thế được”, ông Vi Xuân Hải, trú bản Xiêng Hương bày tỏ quan điểm.