“Quặng lậu” Chợ Đồn tái diễn

ThienNhien.Net – Ở các tỉnh miền núi phía bắc, khoáng sản chì, kẽm tập trung nhiều ở tỉnh Bắc Cạn và quặng chì, kẽm, sắt lại nằm chủ yếu ở huyện Chợ Đồn. Khi các cơ quan chức năng ra quân, hoạt động buôn bán, vận chuyển, khai thác quặng trái phép (người dân gọi là quặng lậu) tạm lắng. Nhưng thời gian gần đây đã tái diễn…

Diễn biến phức tạp

Bên cạnh hàng trăm mỏ, điểm mỏ đã được xác định, quặng chì, kẽm, sắt còn có ở nhiều nơi, dễ phát hiện trên địa bàn huyện. Nó lộ thiên, hoặc chỉ cần dùng cuốc, xẻng gạt lớp đất mỏng là nhìn thấy quặng trên nương rẫy, trong vườn rừng, ngay bên cạnh nhà ở.

Cứ khai thác quặng, nhặt nhạnh gom vào bao tải đi bán là kiếm được tiền. Giá quặng chì, kẽm tăng lên 4-5 nghìn đồng/kg. Chỉ cần đào một cục quặng bằng cái siêu là đã có 6-7kg mang bán, mỗi ngày làm vài cục như thế là đã có cả trăm nghìn đồng.

“Quặng tặc” khai thác trái phép 2.700 tấn quặng sắt tại xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Ảnh: Thế Bình/Nhân Dân)
“Quặng tặc” khai thác trái phép 2.700 tấn quặng sắt tại xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Ảnh: Thế Bình/Nhân Dân)

Trước tình trạng một số công nhân đi làm ca về thường “tiện thể” thả mấy cục quặng vào cốp xe máy mang đi bán, Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Bắc Cạn cấm công nhân đi làm bằng xe máy, đồng thời bố trí ô tô đưa, đón công nhân từ trụ sở công ty lên khai trường và đón công nhân về khi hết ca.

Bản Ruồn là địa bàn giáp ranh giữa Quảng Bạch và Đồng Lạc, có nhiều điểm quặng khai thác lậu, nhiều hang dưới lòng núi. Có thời điểm, quặng tặc bí mật hoạt động vào ban đêm. Thậm chí, chúng nổ mìn để khai thác và thường lợi dụng việc nổ mìn của mỏ sắt Pù Ổ gần đó để nổ mìn theo, rất khó nhận biết đâu là tiếng mìn khai thác của mỏ, đâu là của các lò khai thác trái phép.

Người dân địa phương cho biết, ở khu vực Khuổi Giang nằm trong rừng, lại giáp ranh hai xã Quảng Bạch và Đồng Lạc có tới bảy lò khai thác quặng chì, kẽm trái phép. Khó có thể xác định được số người khai thác quặng trái phép tại đây, vì ngoài những người đào bới trên bề mặt còn có những người ở dưới hầm lò khoét sâu vào lòng núi. So với tiền thu về từ việc làm nương, đi rừng, làm ruộng thì việc đi đào quặng có thu nhập cao hơn nhiều nên có thời điểm, người dân đổ xô đi đào quặng kiếm thêm thu nhập.

Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Quảng Bạch có bốn mỏ chì, kẽm thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Kim loại màu Bắc Cạn và Công ty TNHH Ngọc Linh bị khai thác trái phép.

Thời gian qua, huyện Chợ Đồn nhiều lần huy động công an xã, đội liên ngành của huyện và doanh nghiệp giải tỏa khai thác trái phép. Chỉ được một thời gian, đã tái diễn với phương thức khai thác thủ công, vận chuyển bằng vác bộ, sức ngựa, cử người theo dõi “động tĩnh” của cơ quan chức năng để kịp thời báo cho đồng bọn “chuồn” khỏi hiện trường. Khu vực Lũng Cuổi, thôn Cốc Tộc, xã Quảng Bạch cũng bị những người khai thác quặng “cày nát”, số quặng tại hiện trường thu giữ được lên đến hơn 11 nghìn tấn.

Hoạt động khai thác trái phép còn liều lĩnh đến mức, một số người dùng máy ủi, máy xúc san gạt diện tích rộng hàng nghìn m2 ở thôn Bó Lếch, xã Nghĩa Tá để khai thác quặng sắt. Người dân và chính quyền địa phương tưởng doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản, đến khi phát hiện, thì chúng đã khai thác 2.700 tấn quặng để trên hiện trường, còn vận chuyển đi bán bao nhiêu thì không ai biết.

Việc buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép cũng diễn biến rất phức tạp. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Mão bức xúc: “Trên địa bàn, có doanh nghiệp không có mỏ, khai thác mỏ sắt, nhưng vẫn có quặng chì, kẽm đem bán. Thực chất là hoạt động thu gom do khai thác trái phép ở địa phương. Việc thu gom này vừa mua được quặng với giá rẻ, vừa không mất vốn đầu tư, nhân công khai thác, lại vừa trốn được thuế. Đây là hành động tiếp tay cho khai thác trái phép và đều là quặng lậu hết. Chúng tôi bức xúc trước việc thu gom của doanh nghiệp lắm nhưng chưa có cách nào ngăn chặn”.

Mệt mỏi đuổi theo quặng lậu

Trước thực trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép bùng phát trên diện rộng, Tỉnh ủy Bắc Cạn ban hành Chỉ thị 08, lập ban chỉ đạo ngăn chặn.

Huyện Chợ Đồn thành lập tổ liên ngành, bao gồm hai cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, hai công an huyện, hai bộ đội, hai quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các xã. Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường kiêm tổ trưởng tổ liên ngành Triệu Thị Vui cho biết: “Hầu hết các vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, chúng tôi phát hiện, bắt giữ được là từ tin báo của quần chúng nhân dân. Chính quyền xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhưng đều nể nang, né tránh, làm ngơ trước quặng lậu diễn ra trên địa bàn mình quản lý”.

Việc khai thác quặng sắt trái phép diễn ra ở Lũng Cuổi trong thời gian dài, nhưng chính quyền xã Đồng Lạc làm ngơ, chỉ đến khi nhận được tin báo của quần chúng, tổ liên ngành thu giữ số lượng quặng lên đến hơn 11 nghìn tấn, bán đấu giá thu về cho ngân sách gần hai tỷ đồng. Ngay tại Khu vực Bó Liều, xã Đồng Lạc, tổ liên ngành phát hiện, thu giữ trong nhà dân gần sáu tấn quặng chì. Bà Vui tâm sự: “Quặng lậu là hoạt động ăn trộm nên thường diễn ra vào ban đêm, ngày nghỉ, nhận được tin báo của quần chúng ở đâu, lúc nào đang có quặng lậu là chúng tôi lên đường. Nhân dân báo là phải đi, nếu không sẽ mất niền tin. Không thể thống kê hết có bao nhiêu đêm các thành viên tổ liên ngành phải đi bộ theo đường mòn, cắt rừng, băng suối đến điểm khai thác quặng lậu, không bắt được người, chỉ thu giữ được quặng”.

Có nhiều vụ bốc xếp, vận chuyển ngay trên tỉnh lộ 254 vào ban đêm, khi “có động” thì quặng tặc đổ quặng trên ô tô xuống đường, bỏ chạy, tổ liên ngành đến không bắt được ai.

Để ngăn chặn quặng lậu, tổ thường xuyên phải gọi điện thoại tập hợp các thành viên đi ngăn chặn quặng lậu. Có nhiều lần, gọi đến vài chục cuộc điện thoại mà không có chế độ thanh toán, bà Vui tự bỏ tiền túi chi trả. Phương tiện không có, phải đi xe máy cá nhân. Với chế độ làm ngoài giờ ít ỏi, công an, bộ đội chỉ được 60 nghìn đồng/ngày, không đủ tiền xăng xe. Bà Vui trần tình: “Tổ liên ngành truy quét, giá quặng giảm nên độ này quặng lậu tạm thời lắng xuống, không có khai thác trái phép quy mô lớn, nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp. Là phụ nữ, năm nay tôi gần 53 tuổi rồi, hơn hai năm nữa là về hưu, nhiệm vụ thì phải làm, để làm gương cho các cháu trong phòng, nhưng cứ đuổi theo quặng lậu mãi thế này mệt mỏi lắm rồi”.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Mão cho biết: “Thường trực UBND chúng tôi cũng bức xúc lắm với tình trạng quặng lậu, nhưng đến nay chưa có cách gì để ngăn chặn hiệu quả, triệt để”.

Khi giá quặng tăng trở lại, quặng lậu sẽ bùng phát ở cả huyện. Với thực trạng hiện nay, tổ liên ngành kiêm nghiệm và thiếu đủ thứ, chính quyền xã không vào cuộc, rất khó ngăn chặn.

Quặng lậu diễn ra trên địa bàn, chính quyền xã không thể không biết. Bà Vui đề xuất: “Huyện ủy, UBND huyện thực hiện nghiêm việc quy định trách nhiệm người đứng đầu, nếu để xảy ra quặng lậu thì lãnh đạo xã phải bị kiểm điểm, nặng thì thuyên chuyển, kỷ luật, cách chức. Chỉ đạo Công an huyện vào cuộc triệt phá đường dây buôn lậu quặng. Các thành viên của tổ liên ngành chỉ làm mỗi nhiệm vụ ngăn chặn quặng lậu, giám sát việc thực hiện việc bảo vệ, quản lý khoáng sản của chính quyền xã thì quặng lậu sẽ bị triệt tiêu”.