Triển vọng của các dự án khai thác khoáng sản từ đáy biển sâu

Đại dương không chỉ mang lại những giá trị tuyệt vời về cảnh quan và thủy sản mà còn là nguồn cung cấp khoáng sản khổng lồ. Ngay từ bây giờ, những dự án khai khoáng ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy biển đã được khởi động.

Những người tiên phong

De Beer, công ty kim cương lớn nhất thế giới có trụ sở tại Nam Phi là một trong những người đi tiên phong trong việc chuyển hướng từ khai thác các mỏ trên đất liền chuyển sang khai thác dưới đáy đại dương. Sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất của Đức, De Beers đang thực hiện một dự án trên vùng trầm tích xốp ngoài khơi Namibia. 

Đá ở độ sâu gần 2000 m được xắn nhỏ, nghiền vụn rồi bơm vào hệ thống sàng lọc trên tàu kỹ thuật. Hiệu quả thật đáng kinh ngạc: sản lượng kim cương do tốp công nhân viên 47 người của dự án khai thác được tương đương với  sản lượng của một khu mỏ sử dụng 3.300 nhân viên trên đất liền. Con tàu cùng toàn bộ máy móc thiết bị trị giá hơn 70 triệu đôla dự kiến sẽ hoàn đủ vốn chỉ trong 2 năm.

Cùng với De Beers, Nautilus, công ty liên doanh giữa Ôxtrâylia và Cannada cũng tỏ ra rất lạc quan với kế hoạch “đào mỏ” dưới đáy biển. Họ vừa nhận được giấy phép của chính quyền New Guinea và dự kiến sẽ bắt đầu khai thác xung quanh các ống khói đen ở giữa ngoài khơi hòn đảo này muộn nhất là vào giữa năm 2009. Những mũi khoan thăm dò cho thấy trữ lượng đồng ở đây có thể lên đến hơn 2 triệu tấn. Với giá đồng hiện nay là khoảng 8700 đôla một tấn và sẽ còn tiếp tục tăng, đó thật sự là một triển vọng cực kỳ hấp dẫn.

Ống khói đen:
Ống khói đen – nơi tràn ngập các dạng sống kỳ lạ- khá quen thuộc trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nhưng sự tồn tại của chúng ở Ấn Độ Dương thì mãi tới gần đây mới được biết đến “Những ống khói này có thể ví như những trạm năng lượng khổng lồ, đang khuấy tung lên một lượng nhiệt lớn và nước pha khói”, tiến sĩ Bramley Murton, trưởng nhóm nghiên cứu tàu thám hiểm RRS Charles Darwin cho biết.

Các núi lửa dưới nước và hoạt động thủy nhiệt đi kèm theo chúng thường xảy ra ở khu vực mở rộng của nền đáy biển, là nơi tiếp giáp của hai mảng thạch quyển. Dung nham từ dưới sâu phun lên qua chỗ tiếp giáp này, đẩy hai mảng về hai phía, đồng thời lấp chỗ trống giữa chúng. Nước khi thấm xuống đáy biển gặp phải dung nham nóng bỏng thì được đun sôi lên, rồi phun ra dưới dạng ống hoặc suối nước nóng, có nhiệt độ lên đến 400 độ C, mang theo các hạt khoáng giàu sắt khiến cho nó có màu thẫm. Ngay khi tiếp xúc với lớp nước lạnh bên trên, các hạt khoáng bị hóa rắn nhanh chóng và tỏa ra xung quanh chứ không dâng lên cao nữa.
VnExpress (Theo BBC)



Nước biển thẩm thấu qua các tầng đá xốp, gặp phải dòng nham thạch nóng bỏng của núi lửa ngầm, bị đun sôi lên đến hơn 400 độ C thì bị đẩy ngược trở lại, mang theo rất nhiều khoáng chất quý giá ở dạng hòa tan. Khi gặp lớp nước lạnh bên trên, các khoáng chất này kết tủa lại, tạo thành những cột nước tối sẫm, cao từ 2 đến 5m, rộng từ vài chục mét đến hàng kilomét, thoạt nhìn như một cột khói đen khổng lồ. Qua thời gian, khoáng chất lắng xuống, hình thành lớp sàng quặng. Đó chính là nơi người ta có thể thu gom hầu hết những nguyên liệu thô cần thiết cho các ngành công nghiệp như chì, kẽm, đồng, nicken, bạc, vàng và thậm chí cả kim cương.

Một điều đáng nói nữa là trong khi đá quặng ở các mỏ trên đất liền thường hiếm khi chứa quá 1% đồng thì các khối kết cuội hình thành từ cột khói đen thường chứa ít nhất 10% đồng, một tỉ lệ mà mọi chuyên gia khoáng sản đều phải mơ ước.

Vấn đề môi trường

Xung quanh vấn đề môi trường ở các khu khai khoáng dưới đáy biển hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau: 

Đại diện của các công ty khai thác như Nautilus cho rằng việc làm này ưu việt hơn hẳn việc khai thác mỏ trên đất liền. Triển khai một khu khai thác ngoài biển không phải giải tỏa dân cư cũng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Ô nhiễm axit cũng không xảy ra vì axit sẽ được trung hòa trong nước biển có tính kiềm. 

Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động môi trường không chia sẻ những quan điểm lạc quan này. Điều khiến họ quan tâm nhất chính là các đám mây bụi sinh ra từ việc thu gom kết cuội mangan ở đáy biển. Khi lớp trầm tích bị cào xới để dồn kết cuội về một điểm, một đám mây bụi khổng lồ sẽ hình thành và mở rộng ra theo hải lưu. Các công ty khai thác khẳng định công nghệ của họ đảm bảo vấn đề này không xảy ra. Nhưng các nhà hoạt động môi trường vẫn lo ngại vì một số hoạt động khảo sát những năm trước đã khiến hầu hết sinh vật tầng đáy quanh các cột khói đen mất nơi cư trú. Trong số này, có rất nhiều dạng sống kỳ lạ không hề có ở những vùng biển khác.