Rừng ngập mặn bị “quây” trong sân golf Xuân Đám sẽ bị tác động tiêu cực

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng I, nếu rừng ngập mặn bị quây lại, không còn yếu tố tự nhiên thì chắc chắn có tác động tiêu cực…

Khu vực triển khai dự án sân golf quốc tế Xuân Đám ngày 28/12/2023. Ảnh: Đinh Mười.

Liên quan đến việc gần 10ha rừng ngập mặn ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng sẽ bị “ôm” trọn bởi dự án sân golf quốc tế Xuân Đám, tuy mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương nhưng khi được hỏi, nhiều chuyêngia về lĩnh vực lâm nghiệp đã bày tỏ lo ngại việc hệ sinh thái khu rừng sẽ bị tác động tiêu cực nếu phương án bảo vệ phù hợp.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Văn Triển – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng I cho biết: Trong môi trường rừng ngập mặn tự nhiên, hệ sinh thái đã bền vững, cây sinh trưởng do thủy triều lên xuống, trong trường hợp nếu yếu tố này bị can thiệp thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và có thể một số loài sẽ mất đi.

Về nguyên tắc trong hệ sinh thái, các loài sẽ sống cộng sinh với nhau, có liên quan mật thiết đến nhau, nếu một loài bị tác động hoặc mất đi thì đồng loạt các loài khác bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề hệ trọng, cần xem xét thật kĩ lưỡng trước khi có các hoạt động có thể tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Xuân Đám được dự báo sẽ bị tác động tiêu cực khi dự án triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

“Về mặt cảm quan, nếu rừng ngập mặn bị quây lại, không còn yếu tố tự nhiên thì đương nhiên là có tác động tiêu cực, còn ảnh hưởng đến mức độ nào, có tác động hay không thì cần có cơ quan khoa học giám định”, ông Triển chia sẻ.

Hải Phòng nằm ở vùng cửa sông ven biển phía Bắc, có quỹ đất bồi ven biển rộng lớn, luôn biến động do tương tác sông biển nên ở đây có vùng đất ngập triều và hệ thống quần đảo tạo ra những hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

Hiện nay, rừng ngập mặn tại Hải Phòng đang có nguy cơ bị giảm sút về diện tích cũng như về chất lượng rừng, chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng về phòng hộ rừng đối với môi trường sinh thái và xã hội.

Bên cạnh đó, sự gia tăng hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven biển, việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong rừng ngập mặn một cách thiếu kiểm soát đã và đang ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên sống ven biển.

Rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản, gắn bó mật thiết với sinh nhai của người dân. Ảnh: Huy Cầm.

Riêng tại quần đảo Cát Bà, cùng với rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn là một tài nguyên quý giá, được phân bố chủ yếu tại phía Tây Bắc đảo, với bãi sú vẹt tự nhiên lớn nhất Hải Phòng.

Các loài cây phổ biến nơi đây: đước xanh, vẹt,… Độ cao của thảm thực vật ngập mặn từ 2 – 3 m, mật độ lớn và sức sống tốt. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng không chỉ với sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta mà còn rất quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường.

Đây là môi trường sống cho các loại động thực vật, trong đó có những loài quý hiếm, giúp ngăn gió, sóng, bão ở các vùng cát ven bờ, vảo vệ sự đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu.

Việc quản lý bảo vệ và phát triển tốt rừng ngập mặn không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường, xã hội góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Đây là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Đinh Mười.

Vai trò quan trọng là vậy nhưng hiện nay, diện tích rừng ngập mặn ở Cát Bà đang tiếp tục bị suy giảm do nhiều lí do khác nhau. Người dân ở Cát Bà hiện tại vẫn sống bằng nghề chính là dịch vụ du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Những cánh rừng ngập mặn chính là môi trường sống cho các loại động thực vật, trong đó có những loài quý hiếm.

Do đó, nếu rừng ngập mặn không còn thì nguồn thức ăn cho thủy sản cũng hết, đồng nghĩa với các loài tôm cá suy giảm, sự đa dạng sinh học mất đi, người dân sẽ sẽ mất đi sinh kế. Đây không phải là chủ đề mới và không phải bây giờ các chuyên gia mới cảnh báo.

Dự án sân golf quốc tế Xuân Đám ở quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, hiện nay dù mới được đồng ý về mặt chủ trương nhưng tuy nhiên tại khu vực cánh đồng Tùng Ruộng, xã Xuân Đám đã bắt đầu dựng công trường, lán trại và có hoạt động của máy móc san, gạt.

Trong vòng 2 tháng gần đây, UBND huyện Cát Hải đã có ít nhất 8 văn bản chỉ đạo UBND xã Xuân Đám phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn T&D Group tuyên truyền vận động, thỏa thuận chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất để thực hiện dự án.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng – Trưởng phòng TNMT huyện Cát Hải, theo quy định chủ đầu tư phải trực tiếp gặp và thỏa thuận với người dân. Chính quyền chỉ hỗ trợ các thủ tục pháp lí có liên quan và tuyên truyền vận động.

Trên thực tế, các hộ dân cũng mong muốn làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa diễn ra và chính quyền địa phương vẫn đang phải căng mình đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền, vận động.