Di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm ở TP. HCM: Cần lộ trình hợp lý để chống tái ô nhiễm

ThienNhien.Net – Để cải thiện môi trường sống, TP Hồ Chí Minh đã chủ trương di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nội thành gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc thực hiện đang có nhiều vướng mắc, bất cập. Vấn đề lớn nhất là thiếu sự đồng bộ trong hạ tầng khu tiếp nhận các doanh nghiệp sản xuất ô nhiễm, khiến thành phố phải đối diện với thực trạng tái diễn ô nhiễm môi trường.

Tái ô nhiễm do thiếu đồng bộ

Từ năm 2002, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch di dời hơn 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp và vùng phụ cận. Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, thành phố vẫn chưa thể thống kê được kết quả cụ thể của đề án. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa di dời vẫn chiếm số lượng lớn. Một số doanh nghiệp đã di dời trước đây lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa điểm mới do di dời tự phát và vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu. Điển hình như 31 cơ sở giặt, nhuộm liên tục xả khí thải, nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm khu dân cư thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12; hay hơn 600 cơ sở sản xuất lớn nhỏ tại huyện Bình Chánh cũng gây ô nhiễm. Ngoài ra, thành phố còn 2/37 cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm môi trường chưa di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2003 là Nhà máy xi măng Hà Tiên và Xưởng đóng tàu Ba Son vì chưa tìm ra địa điểm phù hợp.

Một cơ sở ép gỗ gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Hồng Giang/ QĐND)
Một cơ sở ép gỗ gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Hồng Giang/ QĐND)

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó chủ tịch UBND quận 12 thì các cơ sở sản xuất này trước đây chuyển từ nội ô ra vùng ngoại thành, nhưng hiện nay đều thuộc diện phải di dời vào các cụm sản xuất tập trung vì phát sinh nhiều nước thải, khí thải gây ô nhiễm nặng, ví dụ như: Công ty Xuân Trường Xuân, Chi nhánh Công ty Trang Kiểm, cơ sở Lâm Xuân Thủy…

Ông Ngô Tấn Thanh, ngụ khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cho biết: Người dân trong khu phố nhiều lần gửi đơn khiếu nại các cơ sở sản xuất thải khói bụi ô nhiễm ra môi trường, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Các cơ sở này hiện nay vẫn vô tư thải khói và chất thải làm kênh Tham Lương ngày càng ô nhiễm nặng nề. Tương tự, ở các quận: 7, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú… cũng đang tồn tại rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành là đúng, tuy nhiên, cách thực hiện chưa đồng bộ đã khiến thực trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục tái diễn. Nhiều doanh nghiệp trong diện di dời khỏi nội thành tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn thành phố nhưng đa số bị từ chối với nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, mặt bằng sản xuất chỉ cần vài trăm mét vuông, hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, nên không thể di dời do không đủ vốn. Diện tích KCX-KCN cho thuê ít nhất là 5000m2, trong khi nhu cầu của các cơ sở này chỉ từ 200 đến 1000m2.

Ông Tạ Quốc Dân, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghiệp Lê Minh Xuân cho biết: “Khi TP Hồ Chí Minh quyết định di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành, rất nhiều chủ doanh nghiệp xin được vào KCN này, nhưng chúng tôi rất cân nhắc. Những doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ngành nghề phát sinh ô nhiễm như dệt, nhuộm… Việc di dời vào khu sản xuất tập trung trong khi chưa có sự đáp ứng kịp thời về hạ tầng, sẽ dễ tái diễn nạn ô nhiễm ở địa điểm mới”.

Ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Các chính sách hỗ trợ di dời trong thời gian qua chỉ đạt một phần rất nhỏ so với nhu cầu vốn, do việc di dời của các doanh nghiệp phải đầu tư và giải quyết lớn hơn nhiều. Công tác điều hành triển khai di dời của các quận, huyện chưa đồng đều. Một số quận, huyện còn xem nhẹ công tác di dời, nên chỉ giao khoán cho một phòng, ban của quận, huyện thực hiện.

Để việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm không gây ô nhiễm cho địa bàn khác, TP Hồ Chí Minh cần triển khai nhiều chương trình như tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tạo công nghệ sản xuất, hỗ trợ vốn để doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, phát triển phong trào vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh… Mặt khác, thành phố cần đáp ứng nhu cầu về hạ tầng tiếp nhận, tránh tình trạng di dời tự phát và có chính sách ưu đãi, lộ trình hợp lý cho các cơ sở thực hiện di dời. Trước mắt, chỉ mới có UBND quận 12 cam kết cuối năm 2014 sẽ di dời hết các cơ sở gây ô nhiễm.

Tại cuộc họp về việc di dời các cơ sở ra ngoại thành mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Thành phố ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng không thể cho phép các đơn vị này tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Sắp tới, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sẽ tập trung đưa vào các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện đến ngày 15-9 phải rà soát, lên danh sách các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường để di dời vào cụm công nghiệp tập trung.