Cần đánh giá lại hiệu quả các khu công nghiệp ở Quảng Ninh

ThienNhien.Net – Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp (KCN), dự kiến đảm nhận tỷ lệ 51% trong cơ cấu GDP cả tỉnh. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các mục tiêu đặt ra mới chỉ đạt 30% về giá trị kinh tế. Đó là chưa nói đến hiệu quả về giải quyết các vấn đề xã hội như công ăn việc làm, bảo vệ môi trường… đều chưa đạt mục đích như mong muốn.

San lấp mặt bằng KCN tại Quảng Ninh
San lấp mặt bằng KCN tại Quảng Ninh

Theo thống kê của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 KCN đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và tiến hành các thủ tục đầu tư gồm: Cảng biển Hải Hà, Hoành Bồ, Đông Mai (Đông Triều) và Phương Nam (Uông Bí); 4 KCN được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 gồm: Dịch vụ Đầm nhà Mạc, Quán Triều, Tiên Yên.

Ngoài ra, còn có 3 KCN đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án.

Tuy quỹ đất dành cho 11 KCN rộng hàng ngàn hécta nhưng đến thời điểm này mới chỉ thu hút được có 69 dự án với tổng vốn khá khiêm tốn, trong đó 23 dự án FDI có vốn đầu tư 48,5 triệu USD và 46 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 32,8 tỷ đồng.

Đáng nói là những dự án có giá trị đầu tư lớn cho đến giờ vẫn mới chỉ là vốn đăng ký, còn thực tế triển khai chưa thể nói trước, nếu không nói là vốn ảo. Khu vực này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, nhất là việc thu hút đầu tư đối với những dự án có quy mô lớn, tầm cỡ.

Ví dụ, KCN Cái Lân có quy mô lớn nhất với 305ha, dành để thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao, giá trị lớn, sạch về môi trường, nhưng từ năm 1997 đến nay vẫn chỉ Nhà máy sản xuất dầu thực vật Cái Lân là át chủ bài, với không ít lần gây ra mối hiềm nghi về sự cố ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Đặc biệt, tỷ lệ thu hút dự án vào các KCN cứ giảm dần theo thời gian. Tính trung bình, từ năm 2008 trở lại đây, chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch.

KCN Việt Hưng lớn thứ nhì với 301ha, gần cảng Cái Lân, cách thủ phủ Hạ Long 10 cây số nhưng cũng chỉ thu hút vài doanh nghiệp từ khi thành lập (2005) đến nay.

KCN Hải Yên ở TP Móng Cái cũng vậy, dù ở vị trí cực đẹp, đầu ra có cửa khẩu quốc tế đường bộ sang Trung Quốc, nhưng từ nhiều năm nay, trừ dự án bông vải sợi mới đăng ký đầu tư, còn lại chỉ là nơi tá túc của những doanh nghiệp nhỏ, hoạt động rất thiếu ổn định, chủ yếu khai thác giá trị thuê đất giá rẻ và mang tính tạm thời.

Nên chăng, cùng với việc mạnh tay thu hồi các dự án treo, cần tính đến việc thu hồi các KCN treo.