Dân lãnh đủ vì nước thải công nghiệp

ThienNhien.Net – Tình trạng xả thẳng nước thải công nghiệp ra môi trường đang khiến người dân ở nhiều vùng đối mặt với tình trạng bệnh tật gia tăng, nông nghiệp giảm sút.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên & Môi trường về môi trường khu công nghiệp cho thấy, nước thải công nghiệp xả thẳng gia tăng trung bình lên tới 240.000 m3/ngày đêm. Khiếu nại, tố cáo về môi trường tăng lên từng ngày, đứng thứ hai chỉ sau đất đai.

Kỳ 1: Dân bỏ ruộng vì ô nhiễm

Nhiều năm nay một phần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) bị bỏ hoang do nước thải xả ra từ các nhà máy. Lúa trồng không trổ bông, gạo nấu lên sường sượng.

Phía sau một nhà máy nằm sát thôn Thượng, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Hoài)
Phía sau một nhà máy nằm sát thôn Thượng, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Hoài)

Cánh đồng thôn Thượng, xã Liêu Xá nhiều ha bị bỏ hoang từ sáu năm nay. “Trước kia, khi chưa có nhà máy, chúng tôi vẫn trồng lúa, hoa màu ở đây, nay thì không thể, vì ô nhiễm quá”, bà Nguyễn Thị Đức, thôn Thượng (Liêu Xá) chỉ vào cánh đồng bèo tây mọc dày, cỏ mọc um tùm, nói. “Mỗi lần đi làm đồng về là chân dính đầy váng dầu nhớt, ngứa và bẩn lắm”, bà Hoa, cũng người thôn Thượng nói thêm.

Theo bà Hoa, từ khi một số nhà máy về hoạt động trên địa bàn xã, nước ở các dòng kênh trở nên đen đặc, nông dân lội ruộng đều bị viêm da. Lúa cấy, không cần bón phân đạm vẫn xanh, nhưng không trổ bông. Cũng có trường hợp trổ bông, nhưng gạo sau khi thu hoạch, nấu thành cơm không thể chín. “Vài vụ thu hoạch lúa như thế nên giờ chúng tôi bỏ hẳn”, bà Hoa cho hay.

Cách đó vài trăm mét, dòng kênh Trần Thành Ngọ, cấp nước tưới cho cây trồng một số xã của huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), cũng ngả màu đen. “Nhiều năm nay, kênh Trần Thành Ngọ luôn có màu đen”, ông Lê Văn Lành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên cho hay.

Theo ông Lê Đình Khương, ở xã Di Sử, Mỹ Hào, trước đây dòng kênh Trần Thành Ngọ nước xanh trong, trẻ còn xuống tắm. Sau khi có KCN Dệt may Phố Nối, nước kênh mới đen đặc như thế “Ba năm trước, tôi nuôi cá ở gần đây, lấy nước từ kênh Trần Thành Ngọ, nước chảy đến đâu, cá chết đến đó. Rau muống không cần trồng cũng tự mọc nhưng ăn vào là đau bụng ngay” – ông Khương nói.

Tại thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), nhiều hộ gia đình có ruộng liền kề các nhà máy ở KCN Quang Minh cũng bỏ ruộng vì ô nhiễm. Cô Lê Thị Hảo, nhà có ruộng sát Công ty kem Phương Linh (thuộc KCN Quang Minh) chỉ vào dòng kênh phía trước Công ty kem Phương Linh, chảy qua cánh đồng nói: “Trước kia, chưa có nhà máy này chúng tôi vẫn cấy trồng, nay thì bỏ, vì mỗi lần cấy lúa non bị chết nhiều quá. Nhiều hôm chân tay bị sứt, lội ruộng là về sưng vù lên, vài tuần mới khỏi. Hôm nay trời mưa chứ mấy hôm trước nước kênh đen đặc, bốc mùi kinh lắm”.

Bắt gặp xả thẳng nước thải 

Các xã Liêu Xá (Yên Mỹ), xã Di Sử (Mỹ Hào) đều nằm bao quanh khu công nghiệp Phố Nối B. Theo ông Lưu Đình Thời, Chủ tịch UBND xã Liêu Xá, các nhà máy bắt đầu xây dựng trên địa bàn xã từ năm 2003. Đến nay, có khoảng hai mươi nhà máy đang hoạt động, một số nhà máy thuộc Khu công nghiệp (KCN) Phố Nối B.

Ông Thời cho hay, từ ngày các nhà máy về, tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng do rác thải, nước thải sinh hoạt và nước thải nhà máy. Số người mắc bệnh cũng tăng lên.

Người dân nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp cải thiện môi trường. “Chúng tôi từng mời hai doanh nghiệp trên địa bàn xã đến làm việc vì gây ô nhiễm môi trường. Một doanh nghiệp sau đó phải đền bù thiệt hại cho các hộ dân hơn 30.000 đồng/sào ruộng”, ông Thời nói.

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng ban quản lý (BQL) các KCN tỉnh Hưng Yên cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có ba khu công nghiệp đang hoạt động gồm khu công nghiệp Phố Nối A, Phố Nối B (gồm KCN dệt may Phố Nối và KCN Thăng Long 2), KCN Minh Đức với gần 200 nhà máy.

Ba KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các nhà máy trong KCN đã được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải này. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đấu nối, phần lớn là các doanh nghiệp được cấp phép đầu tư trước khi thành lập KCN. Với các doanh nghiệp này, theo ông Sơn, BQL gặp khó trong quản lý xả thải.

Theo quan sát của phóng viên, phía sau Nhà máy Lâm Việt An đóng cạnh thôn Thượng là dòng kênh đầy váng dầu mỡ. Một ô xả nhỏ đổ trực tiếp ra cánh đồng ở phía sau nhà máy. Đem bức ảnh phóng viên chụp ô xả này cho ông Sơn, ông thừa nhận như thế này thì đúng là xả thẳng.

Lãnh đạo xã Lưu Đình Thời cũng cho biết: “Có lần chúng tôi bắt được doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường nhưng họ lập luận đó là do họ rửa đầu máy, chúng tôi không có chức năng xử phạt nên chỉ lập biên bản”.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền, nhiều lần họp bàn cách giải quyết, nhưng rồi đâu lại vào đấy”, ông Nguyên, người dân thôn Thượng, xã Liêu Xá cho hay. BQL các KCN Hưng Yên cũng cho biết, nhiều lần BQL nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường.

Khiếu nại, tố cáo về môi trường chỉ sau đất đai 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), số vụ khiếu nại tố cáo về môi trường gia tăng mạnh, đứng thứ hai trong các vấn đề khiếu nại tố cáo của ngành tài nguyên – môi trường, chỉ sau đất đai.

“Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong số 11 câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang thì có bốn câu liên quan đến môi trường, là vấn đề có nhiều câu hỏi chất vấn nhất”, ông Tùng nói.