Sông Sài Gòn – Đồng Nai đang “chết”! – Bài 1

Bài 1: Ai là thủ phạm?

ThienNhien.Net – Hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai là nguồn cung cấp nước chính và đảm bảo cho khoảng 20 triệu người. Với vai trò quan trọng như vậy nhưng thay vì được bảo vệ thì ngược lại, mỗi ngày hệ thống sông này đang phải tiếp nhận hàng trăm tấn chất thải ô nhiễm.

Ô nhiễm vì chất thải

Chiếc ghe đưa chúng tôi đi khảo sát chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai bắt đầu từ Rạch Tra ngược dòng về phía thượng nguồn. Tại đoạn từ khu vực xã Thới An, huyện Hóc Môn, khu vực cầu Bình Lợi (phía quận Thủ Đức) và đoạn qua kênh Tham Lương (quận 12, TPHCM), nước ở khu vực này luôn có mùi hôi khó chịu nhất. Ở khu vực này có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề nhạy cảm với môi trường như dệt nhuộm, may mặc, thực phẩm và hóa mỹ phẩm.

Sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm đáng báo động (Ảnh: ThienNhien.Net)
Sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm đáng báo động (Ảnh: ThienNhien.Net)

Theo cán bộ quan trắc Chi cục Bảo vệ môi trường, hầu hết các chất thải, nước thải của các doanh nghiệp đều thải thẳng ra kênh rồi chảy ra sông Sài Gòn. Tương tự, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, khu vực Lái Thiêu, tình trạng nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm nặng vì phải tiếp nhận nước thải từ hoạt động của một số nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch và các quán nhậu ven sông. Hầu như các điểm sản xuất kinh doanh này đều xả tất cả những gì dư thừa ra sông Sài Gòn.

Không dừng lại đó, chiếc ghe tiếp tục đưa chúng tôi ngược dòng về khu vực thượng nguồn. Càng đi, những dòng nước với màu đen và trắng đục càng xuất hiện nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Hai, chủ chiếc ghe cho biết, cứ mỗi lần họ xả thải như thế, những người nuôi cá bè lãnh hậu quả trước tiên vì qua một đêm đến sáng, toàn bộ cá trong bè đều chết trắng. Bản thân người dân cho rằng không cần phải đo đạc hay quan trắc, nhắm mắt cũng có thể khẳng định là do doanh nghiệp xả thải gây chết cá. Thế nhưng, các cơ quan chức năng lại cần phải có căn cứ về nồng độ chất thải mới có thể xử lý doanh nghiệp. Chỉ có điều, đợi đến khi các cơ quan chức năng đến lấy mẫu đo đạc thì chất thải gây hại đã xuôi dòng xuống hạ lưu, thậm chí là ra biển rồi.

Ông Trần Văn Sữa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay đã có hơn 10 lần các bè cá nuôi trên sông bị chết. Nguyên nhân cũng được người dân xác định là do nước thải bẩn của nhiều nhà máy nằm dọc sông Đồng Nai. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không có căn cứ để xử phạt doanh nghiệp xả thải, người dân cũng không đủ chứng cứ để kiện doanh nghiệp gây hại môi trường. Những người nuôi cá bè trên sông Đồng Nai cuối cùng không thể trụ lại. Phần lớn họ phải bỏ nghề, tha phương kiếm sống ở những nơi khác.

Cạn kiệt vì thủy điện

Sông Đồng Nai không những bị đầu độc bởi chất thải mà đang còn bị tận diệt bởi hàng loạt nhà máy thủy điện xây dựng dọc theo sông. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, cho biết tính đến thời điểm hiện nay, dọc hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai có đến 23 công trình thủy điện! Sự hình thành quá nhiều thủy điện theo hình thức bậc thang nhưng lại mạnh ai nấy làm đã phá vỡ trạng thái liên kết của con sông. Chưa kể, nạn chặt phá rừng để lấy đất xây đập thủy điện đã khiến toàn bộ hệ sinh thái, sinh cảnh khu vực thượng lưu và trung lưu của hệ thống sông bị phá vỡ.

Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, chỉ tính riêng trên nhánh sông chính Đồng Nai đã có đến 7 đập thủy điện đã, đang và sẽ hoạt động; trên sông Bé có 6 đập thủy điện; tại nhánh sông La Ngà cũng có đến 5 thủy điện. Thực trạng này đã làm cơ cấu dòng chảy tự nhiên của sông từ thượng nguồn xuống hạ nguồn bị thay đổi. Điển hình nhất là hiện tượng lũ tăng hơn vào mùa mưa và mùa khô nước cũng cạn kiệt hơn. Năm 2010, để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ngừng xây dựng 20 thủy điện dọc sông Đồng Nai. Nguyên nhân cũng được nêu rõ, việc xây dựng đập ngăn thủy điện kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng chất lượng, số lượng nguồn nước sông Đồng Nai. Cộng với hiện tượng thủy triều liên tục dâng cao sẽ khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng.