Bắc Giang: Gỡ vướng cho các lâm trường quốc doanh

ThienNhien.Net – Thực hiện Nghị quyết 28 NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị, đến nay tỉnh Bắc Giang đã sắp xếp, chuyển đổi 6 lâm trường quốc doanh trên địa bàn thành 5 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và 1 Ban quản lý rừng phòng hộ.

Sau khi sắp xếp, đổi mới, các công ty lâm nghiệp trên đã bước đầu hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nhưng vẫn đang còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Trong thực tế, hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn có vốn điều lệ thấp (phần lớn nguồn vốn sản xuất kinh doanh của các công ty không đảm bảo tối thiểu là 30 tỷ đồng theo quy định của Luật Doanh nghiệp).

Một số công ty TNHH MTV lâm nghiệp các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc giới và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Động, Mai Sơn và Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động đã thực hiện xong việc đo đạc nhưng vẫn chưa thực hiện được việc cắm mốc giới và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng mắc về lệ phí cấp giấy quá cao.

Hoạt động hái chè ở Hoàng Su Phì, Hà Giang (Ảnh: ThienNhien.Net)
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển các lâm trường quốc doanh trên địa bàn, từ nay đến năm 2015 tỉnh Bắc Giang chủ trương thực hiện cổ phần hóa tất cả các công ty TNHH MTV lâm nghiệp của tỉnh có đủ điều kiện.

Riêng năm 2013, tỉnh thực hiện thí điểm cổ phần hóa 1 công ty TNHH MTV lâm nghiệp có cơ sở chế biến, gắn với diện tích rừng trồng theo Kế hoạch số 658 ngày 16/4/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả 4 giải pháp về đất đai, quản lý sử dụng rừng, đầu tư, tín dụng và khoa học công nghệ để đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn; tăng cường rà soát, đo đạc, lập bản đồ, cắm mốc xác định ranh giới, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, thuê rừng đối với các công ty lâm nghiệp…

Cũng trong năm 2013, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về kinh phí và các vướng mắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 công ty đã thực hiện xong việc đo đạc đất đai là Công ty lâm nghiệp Sơn Động và Công ty lâm nghiệp Mai Sơn; đẩy nhanh việc đo đạc và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 công ty còn lại là Công ty lâm nghiệp Lục Ngạn, Công ty lâm nghiệp Lục Nam và Công ty lâm nghiệp Yên Thế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lâm nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến, nhất là đối với các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, các máy móc và thiết bị chế biến tiên tiến.

Đối với các công ty lâm nghiệp, sẽ tập trung huy động mọi nguồn vốn của các thành phần kinh tế để mở rộng sản xuất, gắn trồng rừng với chế biến, tiêu thụ lâm sản, giữ được vai trò trung tâm và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn.

Tính đến 30/6/2012, các công ty lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã trồng rừng mới được gần 400 ha, sản xuất trên 1,9 triệu cây giống lâm nghiệp, khai thác hơn 17.000 m3 gỗ, chế biến 3.500 m3 gỗ; doanh thu đạt trên 13,3 tỷ đồng (tăng 9,2 tỷ đồng so với trước khi sắp xếp); nộp ngân sách trên 760 triệu đồng (tăng 325 triệu đồng so với trước sắp xếp). Thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng (tăng gần 2,6 triệu đồng/người/tháng so với trước khi sắp xếp).

Nhìn chung, sau khi chuyển đổi, tình hình sản xuất kinh doanh của các lâm trường quốc doanh (công ty lâm nghiệp) của tỉnh Bắc Giang đã ổn định hơn. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp huyện Yên Thế đã phát triển sản xuất kinh doanh khá hiệu quả, nhiều người dân được bàn giao đất rừng và người lao động trực tiếp của công ty đã có thu nhập cao từ trồng rừng, trồng các loại cây lâm nghiệp.