Nỗi lo sợ dưới chân đập hồ Xạ Hương

NDĐT- Thông tin về sự cố rò rỉ nước ở đập Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) năm 2012 qua đi, nhưng những người dân ở vùng quê nghèo dưới chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vẫn kể lại cho nhau về điều đó. Họ quan tâm, không chỉ vì tính thời sự mà bởi vì họ biết rằng mình cũng đang phải sống trong nỗi ám ảnh ở dưới chân đập hồ chứa nước Xạ Hương (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).

Sống trong sợ hãi

Hoang mang, lo ngại – đó là những gì chúng tôi cảm nhận trên từng nét mặt người dân nơi miền rừng này.

Mới sáng ra, con đường bê tông dẫn lên đập Xạ Hương đã ùn ùn xe cộ, ông Băng Văn Chân trầm ngâm: “Chắc lại có chuyện rồi! Không biết người ngã xuống hồ hay đập có vấn đề gì !?”, “Chắc là đập có chuyện thôi, toàn xe con, không thấy xe cứu thương đâu cả” – ông Trần Văn Bảy nói.

Câu chuyện bên bàn trà của hai ông ở thôn khu 3 Xạ Hương, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) trở nên sôi nổi hơn và cũng bất an hơn khi những dòng xe ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Những ngày này, nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh Vĩnh Phúc lên kiểm tra thân đập Xạ Hương khiến cuộc sống bình yên của vùng quê nghèo trở nên nhốn nháo trong âu lo. Nỗi lo sợ hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân qua những đêm mất ngủ.

Chỉ tay về phía hồ chứa nước sau nhà, chị Nguyễn Thị Mừng nói: “Một quả bom nước khổng lồ treo trên đầu không biết khi nào ào xuống, mấy ngày qua mưa to gió lớn, cả nhà cứ lo sợ đập xảy ra chuyện”.

Năm 2008, khi miền bắc hứng chịu cơn mưa lịch sử, mặc dù đã xả tràn nhưng cũng chỉ còn 3cm là nước sẽ làm vỡ đập, tràn vào nhấn chìm thành phố Vĩnh Yên – nơi được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và nhiều vùng phụ cận khác. Vào lúc đó, các vùng ở khu vực hạ lưu bị ngập trắng nước, các con đường không có một phương tiện nào có thể qua lại được.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Băng Văn Chân cho biết: “Đứng ở dưới chân đập, khi nhìn lên, thấy con thuyền sắt dùng để chở cán bộ Cụm đầu mối đập Xạ Hương đi kiểm tra đã ở trên đỉnh đập, lúc đó tôi chỉ kịp hô mọi người cùng chạy, trèo rào vượt qua sân golf Tam Đảo để lánh nạn, toàn bộ lợn gà, ruộng đồng đều bị nước cuốn trôi”.

Năm 1994, đập Xạ Hương cũng đã xảy ra hiện tượng vỡ cánh tràn. Tuy kịp thời xử lý nhưng cũng để lại nhiều âu lo cho người dân.

Cuộc sống trong nỗi lo nơm nớp nên người dân không yên tâm sản xuất, đời sống hết sức khó khăn. Bà Trần Bốn, ở xã Minh Quang vừa đi thu hoạch ngô về, nói: “Người dân Quảng Nam ở vùng thủy điện lo sợ mỗi lần động đất thế nào, ở đây chúng tôi lo sợ như thế. Mỗi lần hai mỏ đá Tân Phát và Bảo Quân ở gần đập nước nổ mìn, cả nhà rung lên, mái tôn kêu rầm rầm, trẻ con khóc thét, kéo nhau chạy ra ngoài sân. Bà con ở đây ai cũng sợ, thấy nguy hiểm nhưng không biết làm sao. Chỉ mong đập an toàn và không khai thác đá nữa thôi!”.

Chỉ vào bức tường bị nứt dài do mỏ đá nổ mìn khi khai thác, anh Trần Văn Bảng (thôn khu 3 Xạ Hương) bức xúc nói: “Nổ uỳnh uỳnh suốt ngày, nhà bị nứt, không được đền bù, lại còn phải sống ở dưới bom nước, muốn xây nhà cũng chả dám nữa!”.

Ngồi trước hiên nhà, ông Chân chia sẻ: “Lúc nào cũng phải chuẩn bị tư trang quần áo đầy đủ, lỡ có vấn đề gì cũng còn quần áo mà mặc cho ấm. Ở đây đã mấy chục năm, từ hồi xây dựng đập, nay xây xong rồi, tưới tiêu của nhiều vùng khô cằn đã được giải quyết, nhưng giờ chỉ cần một đêm, bao nhiêu sẽ trôi đi hết”.

Những người dân nơi đây bao năm qua, họ lo phát triển kinh tế gia đình chưa xong, nay lại phải lo thêm an toàn cho tính mạng của mình và người thân.

2843773129Cần ưu tiên vốn cho công trình

Hồ chứa nước Xạ Hương được khởi công xây dựng vào năm 1977, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1984, dung tích khoảng 15 triệu m3 nước, cao trình đỉnh đập là +94m, cao trình chân đập là +50m, chiều cao đập lớn nhất 41m; có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 1.980ha đất canh tác của các xã miền núi thuộc huyện Tam Đảo và Bình Xuyên. Hồ cũng được xếp vào danh sách các công trình quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Sau gần 30 năm sử dụng, thời gian gần đây, mái hạ lưu đã có hiện tượng thấm ở phạm vi cao trình +83.00 trở xuống. Đặc biệt, sau cơn bão số 5 năm 2012 khi mực nước đạt cao trình thiết kế +91.50, mái hạ lưu đập đất đã có hiện tượng thấm mạnh, ướt sũng mái đập và tạo dòng chảy trên rãnh thoát nước, thân đập có biểu hiện rạn nứt, rỗng bên trong. Đây là điều không cho phép trong quy định về an toàn đập, đặc biệt đối với đập đất như đập Xạ Hương. Bên cạnh đó, đập chưa xây dựng được hệ thống bảo đảm an toàn cho hồ khi gặp mưa lũ vượt lũ thiết kế hoặc lũ lịch sử.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Đăng Khánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo cho biết: Để giải quyết vấn đề, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách chống thấm thân đập nước, kinh phí hơn 37 tỷ đồng nhưng hiện nay tỉnh mới chỉ cấp được hai tỷ đồng.

“Trước mắt, Công ty đã xử lý bằng tấm lọc ngược, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp xử lý tạm thời, hiện tượng rò rỉ nước ngày càng nhiều khi thời điểm hồ tích nước, cũng là thời điểm mùa mưa bão sắp đến. Nếu không kịp thời xử lý, gây vỡ đập, một hồ nước cao 80m so với mặt nước biển đổ xuống, khi đó thiệt hại sẽ không tính nổi” – ông Khánh lo lắng.

Những lo ngại của người dân và đơn vị quản lý đang rất cấp bách, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giàng, Chủ tịch xã Minh Quang, nơi đập Xạ Hương nằm trên địa bàn, lại tỏ ra khá bình tĩnh và không nắm được tình hình.

060613_CMT_LovodapTại văn bản số 2796, ngày 4-5-2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu rõ dự án xử lý cấp bách chống thấm hồ Xạ Hương là dự án nguy hiểm cần thực hiện sửa chữa nâng cấp ngay. Dự án dự kiến được hỗ trợ 15 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (năm 2013 là 5 tỷ đồng; năm 2014 là 10 tỷ đồng).

Tuy nhiên, một chuyên gia có thâm niên trong ngành thủy lợi tỉnh, cho biết: Việc đầu tư xây dựng hiện nay đang có nhiều bất cập, mất nhiều thời gian, chính vì vậy, việc cần làm ngay là cho phép chủ đầu tư chỉ định lựa chọn nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, ứng trước vốn không tính lãi để triển khai thi công công trình bảo đảm hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2013.

Bên cạnh đó, về lâu dài cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước trên địa bàn một cách tổng thể, đề từ đó xác định thứ tự công trình, hạng mục công trình cần ưu tiên nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa.