Ô nhiễm ở Long An, TP. HCM hứng chịu?

ThienNhien.Net – Đó là thực trạng ở vùng giáp ranh giữa TP.HCM và Long An, khi nước thải từ các KCN của tỉnh Long An làm ô nhiễm nguồn nước tưới nông nghiệp của các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi (TP.HCM)

Dòng kênh “đủ màu”

Thầy Cai – An Hạ (còn gọi là kênh Ranh vì giáp ranh Tp.HCM và Long An) trước đây rất sạch nhưng vài năm trở lại bị ô nhiễm khá nặng. Ở địa phận cống AH14 trên địa phận huyện Củ Chi, dòng nước có màu nâu đen, nổi váng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hàng cây tràm vốn trước kia tươi tốt nay ngả màu xanh tái. Đi tiếp theo dòng kênh sẽ gặp hiện tượng khá đặc biệt là nước kênh đổi màu theo từng đoạn, có đoạn màu xanh đen hơi đậm, đoạn đen kịt, đoạn đỏ sậm, có đoạn sủi bọt trắng như sữa, mặt kênh đầy cỏ và lục bình.

Theo ông Nguyễn Trung Tâm, phó giám đốc Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn – Bình Chánh thì chính cỏ và lục bình dày đặc đã cản trở quá trình tiêu thoát nước nên dòng nước trong kênh không lưu thông thuận lợi được.

Anh Phạm Văn Tuấn (ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết vào mùa khô là nước kênh Ranh liên tục đổi màu vì ô nhiễm. Có thời điểm, vài ngày nước lại ngả màu đen, cá chết nổi khắp mặt kênh. Nguồn nước ngầm cũng ô nhiễm khiến người dân ở đây không dám dùng nước giếng khoan để ăn mà chỉ để tắm giặt.

Nước nhiễm bẩn ở đoạn cống AH14 trên địa phận huyện Củ Chi, TP. HCM
Nước nhiễm bẩn ở đoạn cống AH14 trên địa phận huyện Củ Chi, TP. HCM

Kết quả quan trắc của TNHH MTV Quản lý, Khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM về diễn biến chất lượng nước kênh Ranh cũng cho thấy trong năm 2012 chất lượng nước mặt suy giảm nghiêm trọng, trong đó các chỉ số như COD, BOD5, Fe vượt chuẩn hàng chục lần, có những chỉ số vượt chuẩn tới trên 200 lần, trong khi hàm lượng oxy hoà tan DO thấp hơn quy chuẩn. Dòng kênh này được TP.HCM coi là một trong những điểm ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong chương trình giám sát đặc biệt của thành phố.

Nước đã xử lý vẫn ô nhiễm?

Ông Nguyễn Trung Tâm cho biết kênh Ranh là nơi tiếp nhận nước thải của của Khu dân cư và cụm công nghiệp Nhị Xuân thuộc địa bàn TP.HCM và một số KCN trên địa bàn huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Vài năm gần đây, các KCN thuộc địa bàn Long An, nhất là KCN Xuyên Á, Hạnh Phúc, Hoàng Gia đang trở thành tác nhân chính gây ô nhiễm dòng kênh.

Ngược dòng kênh, chúng tôi đến cống xả từ nhà máy nước thải tập trung của KCN Xuyên Á. Dù đã qua được xử lý ở nhưng dòng nước chảy ra vẫn có màu đỏ đục và nồng mùi hóa chất nhuộm dệt.

Theo ông Tâm, chỉ khi nhà máy xử lý nước thải của KCN không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng việc xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn nên mới có hiện tượng ô nhiễm nặng các tuyến kênh chung quanh. Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn – Bình Chánh đã lấy mẫu nước ở đây và ở cống xả ra kênh Ranh của nhà máy nước thải KCN Hạnh Phúc đi xét nghiệm, kết quả các mẫu đều không đạt chuẩn. Cán bộ Xí nghiệp không ít lần ghi nhận hình ảnh dòng nước ô nhiễm từ họng cống của nhà máy xử lý nước thải tại 2 KCN đổ ra kênh Ranh.

Nguồn nước ô nhiễm trở thành đe dọa đến hệ thống thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh – vốn đang phục vụ tưới tiêu cho hơn 9.000 ha hoa màu, cây trồng của thành phố. Theo ước tính của Công ty Thủy lợi TPHCM, riêng ở các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi đã có hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp phải bỏ hoang vì nguồn nước tưới ô nhiễm. Hàng ngàn ha cây công nghiệp của Công ty cây trồng thành phố cũng bị ảnh hưởng.

Để ngăn nguồn nước ô nhiễm xâm hại đến việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản của nông dân, Xí nghiệp đã tăng cường quản lý hệ thống thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh bằng cách vận hành linh hoạt việc đóng, mở cống điều tiết để chặn nước bẩn từ kênh chính vào hoặc đẩy nước bẩn từ trong hệ thống thủy lợi ra.

“Tháng nhiều là xấp xỉ mười lần, mỗi lần kéo dài 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, nhu cầu nước tưới tiêu cho bà con khá bức xúc, hệ thống thủy lợi ở đây còn phục vụ cho cả công tác phòng chống cháy rừng, do đó, chúng tôi không thể nào chặn nước mãi khi xảy ra ô nhiễm, nên nhiều khi chúng tôi không thể mà phải chấp nhận sống ô nhiễm. Nguy hiểm hơn, kênh Ranh là đầu nguồn nên ở đây ô nhiễm thì sông Sài Gòn cũng ô nhiễm theo”, ông Tâm than thở.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi, do phải canh theo mức độ ô nhiễm để đóng mở các van xả nhằm giảm đến mức thấp nhất nguồn nước ô nhiễm tràn vào khu vực canh tác của người dân nên hệ thống vận hành các trạm thủy lợi của công ty bị đảo lộn.

Công ty đã gửi văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng về chất lượng nước kênh Ranh nhưng cho đến nay để có nước tưới cho hệ thống thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh thì biện pháp duy nhất vẫn là tăng cường sử dụng nước từ kênh Đông về pha loãng ô nhiễm.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước liên tỉnh giữa Long An và TP.HCM không phải mới ngày một ngày hai mà đã tồn tại qua nhiều năm. Vì sao nơi kêu cứ kêu, các cơ quan quản lý cứ kiểm tra rồi xử phạt nhưng ô nhiễm vẫn xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn?