Quảng Nam: Sớm tháo gỡ vướng mắc trong cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp

Quảng Nam có hơn 700.000ha diện tích đất lâm nghiệp (chiếm 69,9% diện tích tự nhiên). Tuy nhiên, diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ còn rất lớn đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về đất sản xuất, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.

Cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ rừng. (Ảnh: P.V)

Có sổ đỏ nhưng không thể phát cho dân

Theo tìm hiểu, một số địa phương tại tỉnh Quảng Nam còn nhiều sổ đỏ đã ký từ những năm 2008 – 2011 nhưng chưa thể cấp cho người dân. Nguyên nhân được xác định là do hồ sơ địa chính và bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 đất lâm nghiệp là dạng bản đồ địa chính tỷ lệ nhỏ, có sai số lớn do phương pháp thực hiện đo vẽ chi tiết bằng thiết bị GPS cầm tay.

Đặc biệt, kể từ đó đến nay đã có nhiều biến động về hiện trạng các loại đất nhưng không được các địa phương chỉnh lý do nguồn kinh phí để thực hiện công tác kiểm tra, đo đạc chỉnh lý chưa được quan tâm bố trí nên khi rà soát lại có sự sai sót về tên chủ sử dụng, vị trí và ranh giới sử dụng đất.

Theo số liệu tổng hợp từ UBND huyện Nam Trà My, diện tích đất lâm nghiệp (theo quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh Quảng Nam) của huyện này là hơn 62.500 hecta. Trong đó, đất rừng đặc dụng là hơn 14.900ha, đất rừng phòng hộ là hơn 29.500 hecta, đất rừng sản xuất là hơn 18.100ha.

Từ năm 2007 đến năm 2009, theo bản đồ vệ tinh quy hoạch 1/10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao, huyện Nam Trà My đã triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã trên địa bàn và lập hồ sơ địa chính, giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) lâm nghiệp cho 586 hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp chưa được cấp sổ đỏ còn rất lớn, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về đất sản xuất, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo số liệu của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Nam – Chi nhánh huyện Nam Trà My, diện tích đất rừng sản xuất đã được đo đạc, cấp sổ đỏ là hơn 1.700 ha với 762 thửa. Phần diện tích đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm cần phải lập hồ sơ địa chính và cấp sổ đỏ là hơn 14.100 ha . Tổng số nhu cầu cấp sổ đỏ lần đầu là khoảng 10.615 giấy, tổng số sổ đỏ cấp đổi là 731 giấy.

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Tính đến năm 2016, huyện Nam Trà My có 6.484 hộ/28.070 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 93.7% dân số toàn huyện. Trong những năm gần đây, địa phương đã phát triển được cây sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, chỉ những xã giáp ranh ở khu vực núi cao thì loại cây dược liệu này mới đem lại giá trị kinh tế. Ở những khu vực thấp hơn, người dân vẫn phải sống nhờ rừng.

Hiện nay, hiện trạng sử dụng đất của người dân đã có biến động lớn so với bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 đã được lập và quy hoạch 3 loại rừng theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh, trong đó, diện tích đất rừng sản xuất tại huyện Nam Trà My được điều chỉnh từ 11.864,8 ha tăng lên 18.104,4 ha.

Do đó, để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân cần phải đo đạc chỉnh lý bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu và tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính đất lâm nghiệp.

Tại huyện Bắc Trà My cũng rơi vào trường hợp tương tự khi các đối tượng được áp dụng theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Đến thời điểm hiện tại, sau khi chồng lớp bản đồ bóc tách thì huyện Bắc Trà My có diện tích là 5.541,05 ha trên địa bàn 8 xã.

Tuy vậy, diện tích đất lâm nghiệp ở huyện Bắc Trà My có một phần diện tích thuộc Nghị định 75 được phê duyệt trong năm 2018 đã chuyển sang thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực thủy điện Sông Tranh 3 tại Quyết định số 336/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về Phê duyệt Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực thủy điện Sông Tranh 3.

Theo đó, có hơn 6.000 ha rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Bắc Trà My đưa vào thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau khi bóc tách diện tích điều chỉnh 3 loại rừng và Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” thì diện tích thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực thủy điện Sông Tranh 3 năm 2019 là hơn 4.700 ha trên địa bàn 8 xã, thị trấn.

Đất lâm nghiệp là công cụ sản xuất quan trọng nhất đối với người dân miền núi, đặc biệt là với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. (Ảnh: P.V)

Cần sớm bố trí nguồn vốn để đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính

Tại huyện Nam Trà My, tính đến năm 2011, tổng hồ sơ được lập 10/10 xã trên địa bàn huyện Nam Trà My là 1.695 hồ sơ, nhưng số sổ đỏ đã cấp cho người dân mới chỉ 731. Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, việc chậm đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí, cần ít nhất 8 tỷ đồng để thực hiện.

Hay tại huyện vùng cao Đông Giang, từ năm 2017 đến nay chỉ có 3 xã, thị trấn được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp, các xã còn lại hầu như “treo sổ đỏ”. Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – Đinh Văn Hươm cho rằng, sở dĩ các xã còn lại chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí ít nhất 17 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, tại 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, ngoài khó khăn do thiếu kinh phí cho việc đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính thì tính pháp lý khi đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp còn gặp trở ngại lớn là ranh giới giữa thực tế quản lý và trong hồ sơ không thống nhất, đặc biệt là quy hoạch 3 loại rừng.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam được Bộ Tài nguyên Môi trường chuyển giao một dự án phiên bản đồ vệ tinh 1/10.000. Trên cơ sở bản đồ vệ tinh đó, toàn tỉnh Quảng Nam lập thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là khu vực miền núi.

Tuy nhiên, sau khi mọi thủ tục hoàn thành và đem sổ đỏ phát cho người dân thì xảy ra trường hợp không phù hợp với thực tế đất đai mà người dân đang sử dụng. Do vậy, nhiều địa phương đã ban hành sổ đỏ nhưng không phát cho người dân được. Toàn bộ số sổ đỏ này đang được các địa phương cất giữ.

Năm 2016, qua các đợt kiểm kê rừng đã càng làm rõ thêm sự sai sót. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện tổng hợp lại nhu cầu cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và lên kế hoạch thực hiện hằng năm gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT).

Theo Sở TNMT Quảng Nam thì hiện nay, các địa phương đã tổng hợp xong số liệu và gửi về Sở. Đồng thời, phía Sở TNMT cũng làm việc với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư để chuẩn bị báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam.

Để giải quyết các vướng mắc và tháo gỡ khó khăn về kinh phí thực hiện, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ dùng nguồn kinh phí 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn tỉnh để chuyển về cho các địa phương thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý. Trong đó sẽ ưu tiên ở các khu vực: Rừng sản xuất của người dân nhưng ở giáp với các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Nhà nước để phân định rạch ròi đất được cấp sổ đỏ của người dân với đất được cấp sổ đỏ của Nhà nước; Những khu vực có liên kết trồng cây cao su giữa doanh nghiệp với người dân góp đất để trồng cây cao su.

Đất lâm nghiệp là công cụ sản xuất quan trọng nhất đối với người dân miền núi, đặc biệt là với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Nhằm đảm bảo cho người dân có đất sản xuất, đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển rừng, tỉnh Quảng Nam cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để từ đó người dân có thể yên tâm phát triển kinh tế cũng như chăm sóc và bảo vệ rừng.