Nghĩ môi trường trước khi ăn

ThienNhien.Net – Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực, trong khi trên toàn cầu cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hiện trên thế giới vẫn có hơn 20 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày, chủ yếu ở các nước nghèo châu Phi.

Từ sự mất cân bằng quá lớn trong lối sống và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó tới môi trường, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết Ngày Môi trường Thế giới (WED) năm nay sẽ chú trọng các biện pháp giảm lãng phí lương thực, theo đó UNEP lên kế hoạch tổ chức một loạt sự kiện toàn cầu để nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Sự kiện trọng tâm của loạt sự kiện nói trên là chiến dịch “Nghĩ – Ăn – Tiết kiệm – Thu nhỏ dấu chân sinh thái của bạn”.

moi truong1

Lãng phí thực phẩm diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày ở nhiều gia đình. Cụ thể, nấu cơm, thức ăn nhiều không dùng hết phải đổ bỏ. Nhiều gia đình không có thời gian đi chợ mua thực phẩm hàng ngày nên chọn giải pháp mua dự trữ, nhiều khi sử dụng chưa hết thì bị hư hỏng hoặc quá hạn phải vứt bỏ.

Chủ đề năm nay nhắc nhở chúng ta hãy hành động từ chính gia đình mình, sau đó là đến sự cộng hưởng từ cộng đồng, sự cần phải giảm lãng phí lương thực, tiết kiệm tài chính, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất lương thực và từ đó thúc đẩy quy trình sản xuất trở nên hiệu quả hơn.

Bởi, trên thực tế, để sản xuất lương thực, chúng ta phải sử dụng diện tích đất lưu trú, tiêu tốn lượng nước ngọt. Đó là còn chưa nói đến nạn chặt phá rừng để lấy đất trồng trọt, các nhà máy sản xuất, chế biến xả khí thải và nhiều chất có hại đến môi trường. Chất thải thực phẩm cũng góp phần đáng kể phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu.

Số liệu do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc công bố gần đây cho thấy khoảng 1/3 lượng lương thực sản xuất ra trên toàn cầu – có giá trị khoảng 1 nghìn tỷ USD – đã bị mất hoặc lãng phí trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Xét quy mô toàn cầu, một nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra rằng, số lượng thực phẩm bị lãng phí ở các nước công nghiệp phát triển một năm (222 triệu tấn) tương đương với toàn bộ sản lượng lương thực làm ra ở tiểu vùng sa mạc Sahara, châu Phi – ước tính 230 triệu tấn.

Trong các khu vực trên thế giới, ngay cả những người dân Đông Nam Á thuộc dạng tiết kiệm đồ ăn nhất cũng vứt bỏ 125 kg thực phẩm/người/năm, chưa bằng 1/2 so với người dân Bắc Mỹ.

Chua chát hơn, chính ở những nước nghèo nhất, đói nhất, mức độ lãng phí thực phẩm lại rất cao. Ghana – một quốc gia châu Phi, đã phải vứt bỏ 50% lượng ngô sản xuất được vì không bảo quản nổi.

Có người sẽ đổ lỗi cho chính phủ, những nhà chức trách song thực ra, nguyên nhân cơ bản lại nằm ở chính ý thức và tâm lý người dân. Ở Anh, hơn 30% rau quả không được thu hoạch và tiêu thụ vì lý do trông rất… xấu xí.

Một khảo sát tại Mỹ cho thấy, 93% dân số nước này thừa nhận đã từng mua thực phẩm về rồi không bao giờ dùng đến. Năm 2004, có từ 14-15% số thức ăn ở nước này được mua về mà chưa bao giờ mở ra, ngó ngàng tới dù chất lượng vẫn còn tốt.

Choáng váng hơn, một quốc gia phải nhập khẩu tới 60% lương thực từ nước ngoài và có 750.000 người thiếu đói như Nhật Bản cũng lãng phí nhiều thức ăn. Chỉ tính riêng thủ đô Tokyo đã lãng phí 6.000 tấn thức ăn/ngày, lượng thực phẩm đủ cung cấp cho 4,5 triệu người ăn trong thời gian tương ứng.

Chưa hết, khi vứt đi một loại thực phẩm, cũng có nghĩa bạn đã lãng phí tất cả năng lượng và công sức tạo ra chúng. Việc sản xuất lương thực toàn cầu cần tới 25% diện tích đất, tiêu tốn 70% nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Qua đó “góp phần” đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Gần gũi hơn, lãng phí thức ăn gây tốn kém tài nguyên ghê gớm. Đổ đi 1 lít sữa đồng nghĩa bạn đổ đi 1000 lít nước làm ra nó. Vứt đi một chiếc bánh kẹp hamburger là bạn vứt hết 16.000 lít nước và thức ăn cho một con bò. Tất cả năng lượng để sản xuất ra đồ ăn cho bạn vứt sẽ chuyển hóa thành carbonic, gây nên hiệu ứng nhà kính.

Theo UNEP, hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới đã sẵn sàng tham gia WED – ngày hội hành động tích cực vì môi trường lớn nhất và được kỷ niệm trên quy mô rộng nhất toàn cầu. Trong đó, chiến dịch “Nghĩ – Ăn – Tiết kiệm – Thu nhỏ dấu chân sinh thái của bạn” đã được khởi động tại Geneva, Thụy Sĩ, kêu gọi người tiêu dùng và các nhà bán lẻ thực hiện các biện pháp đổi mới nhằm giảm mạnh lượng lương thực lãng phí ở tất cả các mức độ.

Riêng tại Kenia, hơn 2.000 tình nguyện viên sẽ tới các siêu thị, nhà hàng và khách sạn, mang theo thông điệp kêu gọi giảm lãng phí lương thực nhằm tác động đáng kể tới tình trạng đói ăn tại nhiều nơi trên thế giới.

Hôm nay, Việt Nam tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tại Thừa Thiên Huế. Thời quan qua, nhiều địa phương của Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động môi trường thiết thực, ý nghĩa nhằm cổ động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.