Coi nhẹ vốn tự nhiên, trả giá bằng khủng hoảng

ThienNhien.Net – Các hệ sinh thái trên Trái đất, còn được biết với tên gọi vốn tự nhiên, là nền tảng giúp loài người xây dựng kinh tế, tạo ra lợi nhuận nuôi sống xã hội. Tuy nhiên, vì đặc thù riêng mà vốn tự nhiên không được tính đến trong các quyết sách tài chính, trong các bảng cân đối kế toán và trong các sản phẩm tài chính của các thể chế tài chính. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vốn tự nhiên bị khai thác ồ ạt, mất kiểm soát, gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Rủi ro khó tính hết

Có thể thấy là việc một nhà đầu tư ở Luân Đôn, Thượng Hải hay New York rót vốn phát triển dầu cọ tại Indonesia hay châu Phi sẽ làm thu hẹp diện tích rừng mưa tự nhiên tại đây.

Tuy nhiên, những tác động của hoạt động đầu tư này lên an ninh khí hậu, lương thực, năng lượng, nước và sinh kế người dân thường không được tính vào chi phí vốn, chi phí vốn vay, đánh giá xếp hạng tín dụng cho các sản phẩm thu nhập cố định, phân tích đầu tư hay các khoản phí bảo hiểm.

Đến tận bây giờ, đa số các thể chế tài chính vẫn không tin vốn tự nhiên đóng vai trò quan trọng đối với kết quả kinh doanh sau cùng của họ. Vì thế mà trong rất nhiều sản phẩm tài chính, người ta không hề đo lường nó để đưa vào rủi ro tín dụng trong khi thực tế, rủi ro khó có thể tính hết.

Mất rừng gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường và cuộc sống con người (Ảnh: WWF)

Điển hình như mất rừng không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp và thủy điện, tăng lượng phát thải khí nhà kính, làm mất môi trường sống của nhiều loài mà còn châm ngòi cho những xung đột cộng đồng.

Các nhà kinh tế học ước tính thiệt hại mỗi năm đối với vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái chỉ từ việc mất rừng lên tới 1,2 – 4,7 nghìn tỷ USD – con số không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, suy thoái vốn tự nhiên còn gây rủi ro cho chính bản thân các nhà đầu tư. Chẳng hạn, đầu tư thiếu trách nhiệm có thể làm tổn hại danh tiếng của nhà đầu tư, khiến họ gặp khó khăn trong việc thu hút vốn cho những dự án mới.

Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cùng với các doanh nghiệp họ đầu tư vào còn bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khi hoạt động của họ tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Riêng đối với các ngành phụ thuộc vào vốn tự nhiên thì sự suy giảm nguồn tài nguyên rõ ràng là một thách thức và thách thức ấy sẽ ngày càng lớn dần khi dân số thế giới tiếp tục tăng lên theo hàm mũ.

Và cứ đà này, dự đoán đến năm 2030, giá hàng hóa toàn cầu sẽ tăng đáng kể kéo theo vô số hệ lụy đè nặng lên chuỗi cung ứng cũng như các khoản đầu tư khác cho phúc lợi xã hội.

Một báo cáo năm 2011 của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young cho biết 29% tỷ lệ cảnh báo lợi nhuận từ các công ty FTSE (Financial Times Stock Exchange) bắt nguồn từ sự gia tăng chi phí nguyên liệu thô.

Còn với các thể chế tài chính lớn có hoạt động phức tạp hơn, mức độ bị ảnh hưởng bởi vốn tự nhiên thường không được hiểu đầy đủ, chính điều này đang tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động của họ.

Báo cáo gần đây từ Sáng kiến Tài chính (FI) và Các nguyên tắc Đầu tư có Trách nhiệm (PRI) thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) đã chỉ ra rằng ngoại tác môi trường có thể làm giảm tới 50% lợi nhuận của các công ty trong danh mục đầu tư vốn thông thường…

Giảm rủi ro, tăng cơ hội

Trước thực tế trên, việc nắm bắt được những rủi ro do suy thoái vốn tự nhiên có thể đem lại lợi thế thị trường và khả năng sinh thêm lợi nhuận cho các thể chế tài chính, trong khi vẫn duy trì được vốn tự nhiên.

Ra đời vào tháng 6/2012, Tuyên ngôn Vốn Tự nhiên được coi là một nỗ lực góp phần giảm thiểu rủi ro cho các thể chế tài chính, trong đó các bên tham gia cam kết sẽ lồng ghép yếu tố vốn tự nhiên vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính của mình.

Trước Tuyên ngôn Vốn Tự nhiên, các thể chế tài chính giải quyết các vấn đề về vốn tự nhiên thông qua Nguyên tắc Xích đạo – bộ tiêu chuẩn tự nguyện giúp họ nhận dạng những rủi ro xã hội và môi trường liên quan tới việc đầu tư vào các dự án lớn như đập thủy điện hay các mỏ – và các chính sách cụ thể đối với những lĩnh vực nhạy cảm về môi trường như khai thác mỏ, dầu khí, lâm nghiệp và hóa chất.

Tuy nhiên, những công cụ nói trên lại thiếu một phương pháp tiếp cận hệ thống để có thể hiểu cách một ngân hàng, một doanh nghiệp đầu tư hay một công ty bảo hiểm tác động và phụ thuộc vào vốn tự nhiên như thế nào.

Bản thân Tuyên ngôn Vốn Tự nhiên được cho là tiến bộ hơn khi phát triển các chuẩn đo lường và công cụ giúp các thể chế tài chính lồng ghép vốn tự nhiên vào một loạt sản phẩm tài chính, bao gồm tài chính doanh nghiệp, thu nhập cố định doanh nghiệp và thu nhập cố định cao nhất, vốn góp tư nhân và các sản phẩm bảo hiểm.

Cùng với việc nắm bắt và giảm thiểu rủi ro, các thể chế tài chính có thể tạo ra lợi nhuận lâu dài từ cổ phần của mình ở những công ty đã triển khai các giải pháp khai thác vốn tự nhiên một cách bền vững và có trách nhiệm. Các giải pháp này nếu được thực hiện thành công sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho các cổ đông mà còn thúc đẩy tính ổn định của các thị trường phụ thuộc vào vốn tự nhiên.

Công bằng mà nói, khi khối doanh nghiệp phát triển chương trình nghị sự về vốn tự nhiên thì việc lồng ghép vốn tự nhiên vào các tiêu chuẩn kế toán doanh nghiệp sẽ khiến các thể chế tài chính dễ dàng đưa ra những quyết định đầu tư hiệu quả hơn. Các khoản đầu tư vào công nghệ mới nhằm tăng năng suất và giảm tiêu hao cũng có thể sinh lợi nhuận.

Bên cạnh đó, thông qua việc đi đầu về các sản phẩm được chứng nhận bền vững, các thể chế tài chính hoàn toàn có thể cải thiện chỗ đứng của mình trên thị trường. Và trong tương lai, khi mà nhận thức của người tiêu dùng về khai thác, sử dụng bền vững vốn tự nhiên ngày càng tăng thì thị trường của các sản phẩm có chứng nhận sẽ càng có điều kiện phát triển.