Mô hình mới giúp tăng sản lượng sắn tới 400%

ThienNhien.Net – Mô hình canh tác thân thiện với môi trường Save & Grow mà Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) đề xuất được kỳ vọng có thể giúp tăng sản lượng sắn lên tới 400% và đưa loại cây lương thực của người nghèo thành một giống cây trồng của thế kỷ XXI.

Theo công bố mới đây của FAO, sản lượng sắn toàn cầu đã tăng 60% kể từ năm 2000 và đang có xu hướng tăng nhanh hơn trong thập kỷ này khi các nhà hoạch định chính sách thừa nhận tiềm năng to lớn của nó.

Tuy nhiên, việc sử dụng cách tiếp cận phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào giống như hóa chất của thập kỷ Cách mạng Xanh bây giờ đã không còn phù hợp bởi một mặt, nó làm tăng sản lượng sắn, song mặt khác lại làm suy giảm vốn tự nhiên và gây phát thải khí nhà kính.

Cũng đóng vai trò thúc đẩy sản lượng nhưng mô hình Save & Grow không dựa nhiều vào hóa chất mà tập trung vào cải thiện chất lượng đất.

Save & Grow hạn chế tối đa các tập quán canh tác truyền thống làm xáo trộn thành phần của đất như cày, bừa và chú trọng duy trì một lớp phủ thực vật để bảo vệ đất.

Thêm nữa, thay vì độc canh, Save & Grow khuyến khích trồng hỗn giao và luân canh cây trồng, đồng thời dùng các giống cây trồng miễn dịch với sâu bệnh kết hợp đưa loài thiên địch để hạn chế số lượng loài gây hại thay vì sử dụng thuốc trừ sâu như thường làm.

Sắn là một trong năm loại cây lương thực chính và hiện đang được trồng ở hơn 100 quốc gia trên thế giới (Ảnh: George Osodi/Getty Images)

Sau một thời gian thử nghiệm, mô hình canh tác này đã đem lại những kết quả đáng ngạc nhiên. Nhờ áp dụng thử nghiệm mô hình mới, sản lượng sắn của nông dân Việt Nam đã tăng từ 8,5 tấn lên tới 36 tấn (tăng trên 400%). Còn ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sản lượng sắn tăng ở mức 250%…

Và tương lai, cứ với đà tăng trưởng như vậy, Save & Grow được kỳ vọng có thể giúp các nước đang phát triển tránh những rủi ro của hoạt động canh tác thiếu bền vững, cùng lúc khai thác được tiềm năng to lớn của cây sắn trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và góp phần phát triển kinh tế đất nước.