Khu tái định cư hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang vì những bất hợp lý

ThienNhien.Net – Một khu tái định cư với cơ sở hạ tầng khang trang đã bị bỏ hoang hơn 5 năm nay, gây lãng phí số tiền gần 30 tỉ đồng. Đó là dự án tái định cư thủy điện Sêrêpốk 3, do Ban Quản lý dự án thủy điện 5 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư xây dựng tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Để thực hiện dự án xây dựng thủy điện Sêrêpốk 3, năm 2006, Ban quản lý dự án thủy điện 5 (trụ sở đóng tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khởi công xây dựng dự án khu tái định cư tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) rộng hơn 5ha cho 68 hộ dân nằm trong lòng hồ ngập nước của thủy điện phải di dời. Ngoài việc cấp đất ở cho người dân thì chủ đầu tư còn bỏ ra gần 30 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như: Trường học, nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông, trạm y tế, nhà máy cấp nước sinh hoạt… Đến đầu năm 2009, khu tái định cư được hoàn thành và bàn giao lại cho UBND huyện Cư Jút quản lý, bố trí sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi được bàn giao thì toàn bộ công trình này đã bị bỏ hoang, chưa một lần được đưa vào sử dụng từ đó đến nay. Theo quan sát của chúng tôi, các hạng mục bên ngoài như tường rào, nhà máy nước, nhà văn hóa cộng đồng, khu nhà vệ sinh… bị cỏ mọc um tùm che khuất cả tầm nhìn và đang xuống cấp trầm trọng. Vào trong các công trình là cảnh gạch lát nền, ốp tường bị bong tróc phần lớn, cửa sắt, cửa kính bị đập bể, hệ thống nhà vệ sinh cũng bị hủy hoại gần hết. Đối diện đó là bảy căn nhà tái định cư của các hộ dân nhưng chỉ có hai hộ ở lại, còn các hộ khác luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”…

Theo ông Đinh Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pô thì sau khi dự án được bàn giao, chỉ có trường học vận động mãi mới được 20 cháu mẫu giáo vào học nhưng được một thời gian cũng phải đóng cửa, còn các công trình khác chưa một lần sử dụng. Nguyên nhân là lúc đầu có 68 hộ dân đăng ký tái định cư, trong đó chỉ có 7 hộ nhận nhà, còn 61 hộ nhận đất tự xây nhưng chỉ có 14 hộ chuyển vào ở nhà tái định cư được một thời gian thì đã có 7 hộ bỏ đi nơi khác sinh sống. “Dân không chịu ở vì khu tái định cư quá thấp trũng, mùa mưa là bị ngập úng lại không có đất sản xuất, mỗi hộ chỉ được cấp 400m2 đất ở nên họ bỏ đi nơi khác sinh sống gần hết” – ông Dũng cho biết thêm.

Hàng loạt công trình được xây dựng tại khu tái định cư bị bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí tiền của Nhà nước
030613_MT_Taidinhcu2

Hàng loạt công trình được xây dựng tại khu tái định cư bị bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí tiền của Nhà nước

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dương, Trưởng Phòng đền bù tái định cư Ban quản lý dự án thủy điện 5 cho biết, khi về tái định cư, người dân bị thu hồi đất sẽ được cấp 400m2 đất ở và có bốn mẫu nhà để lựa chọn. Trước khi thực hiện, đơn vị tư vấn đã lấy ý kiến, nguyện vọng của 68 hộ đủ điều kiện được tái định canh, định cư và có 14 hộ đăng ký. Các hộ dân còn lại chỉ nhận bồi thường công trình, nhà cửa bằng tiền và tự xây dựng nhà theo nhu cầu riêng. Tuy nhiên, sau đó chỉ có bảy hộ vào nhận nhà tái định cư.

Còn về tái định canh, UBND tỉnh Đắk Nông có chủ trương bố trí 300ha tại tiểu khu 841, xã Ea Pô làm đất tái định canh cho người dân bị thu hồi đất làm lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, theo phiếu đăng ký nguyện vọng thì tất cả hộ dân đều không nhận đất tái định canh với lý do tự mua hoặc đã có đất canh tác, chỉ nhận tiền bồi thường về đất, hoa màu, cây cối.

Lý giải về vấn đề trên, ông Hoàng Phú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút lại cho rằng, các công trình công cộng bỏ hoang là vì khi vừa xây dựng xong thì phần lớn người dân bỏ đi nơi khác mua đất, làm ăn. Trước khi có dự án thủy điện Sêrêpốk 3, UBND huyện đã nhiều lần tổ chức họp dân để lấy ý kiến và mong muốn người dân nhận đất canh tác để đảm bảo cuộc sống nhưng người dân không chấp thuận.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết những người bỏ đi nơi khác sinh sống là vì đất canh tác ở khu tái định cư quá xấu, đất định cư thì trũng nước, hễ cứ mưa xuống là lầy lội, úng ngập nên không thể trồng trọt được gì.

Rời khu tái định cư, chúng tôi không khỏi xót xa cho các hộ dân đang sinh sống ở đây hàng ngày phải đối mặt với sự nghèo đói, không công ăn việc làm…và còn càng xót xa hơn khi một số vốn đầu tư lớn tới hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đang bị lãng phí, nhiều công trình xây dựng xong rồi bỏ hoang không phát huy được hiệu quả.