Khi các dòng sông nhẹ nhõm

ThienNhien.Net – 38 dự án thủy điện đã được Bộ Công thương đề xuất dừng triển khai sau khi rà soát lại hơn 1.200 dự án thủy điện tại Việt Nam. Các dự án được đề xuất loại bỏ nhìn chung có công suất nhỏ, chưa chặt chẽ trong việc phê duyệt cấp phép và chưa đánh giá đầy đủ về các tác động của chúng đến môi trường và người dân.

Theo ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng VECC, tác động tiêu cực của các dự án thủy điện là không thể tránh khỏi, đặc biệt nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập quy hoạch cho đến khi đưa nhà máy vào vận hành.

Để tạo ra trung bình 1 MW điện ở Việt Nam, cần phải tái định cư cho khoảng 3,3 hộ dân đối với các dự án thủy điện lớn và vừa và 0,16 hộ dân đối với các dự án nhỏ. Đặc biệt, các dự án thủy điện thường chiếm một tỉ lệ không nhỏ diện tích đất mà chủ yếu là đất rừng, lên đến gần 10 ha/MW. Điều này đồng nghĩa với việc rừng sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.

Thậm chí, khi nhà máy đã hoạt động, việc điều hành giữa phát điện và chống lũ chưa tốt cũng đã gây thiệt hại lớn cho vùng hạ du sông, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nguyên.

Việc quy hoạch các dự án thủy điện cũng có vấn đề. Vì thế, mới có tình trạng tại một số nơi ở Tây Nguyên và miền Trung, mạng lưới dự án thủy điện được quy hoạch dày đặc. Cá biệt, tỉnh Kon Tum có 48 dự án, còn ở Gia Lai, con số này lên tới gần 100. Công tác kiểm tra, kiểm định độ an toàn của các công trình thủy điện cũng có vấn đề. Có địa phương địa chất phức tạp như Bắc Trà My (Quảng Nam) nhưng vẫn được cho phép xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Giờ công trình này giống như quả bom treo lơ lửng trên đầu người dân địa phương mỗi khi có động đất.

Một công trình thủy điện đang xây dựng (Ảnh: eptc.vn)
Một công trình thủy điện đang xây dựng (Ảnh: eptc.vn)

Một nguyên nhân của tình trạng trên, theo Koos Neefjes, chuyên viên tư vấn về thay đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP), là “tiến trình đánh giá tác động môi trường vẫn chưa hoàn chỉnh tại Việt Nam”. Do đó, việc đề xuất bỏ 338 dự án không đạt tiêu chuẩn là hợp lý.

Nếu loại bỏ các dự án này, Việt Nam sẽ còn lại 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW. Việc bỏ 338 dự án nhỏ chỉ làm mất đi công suất 1.088,9 MW nhưng đặt trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng, đó là vấn đề cần suy nghĩ.

Tiến sĩ Đoàn Văn Bình, Viện Khoa học Năng lượng, cho biết Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai gần. Lý do là tiêu thụ điện năng đã tăng cao – 14%/năm. Trong khi đó, các nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu như thủy điện đã đạt giới hạn khai khác. Sản lượng mỏ dầu có dấu hiệu đi xuống. Khai khác than cũng bị hạn chế do cơ sở hạ tầng yếu kém và công nghệ lạc hậu.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trụ, thủy điện tích năng có thể là giải pháp bổ sung hiệu quả. Ưu điểm của nó so với thủy điện thông thường ở chỗ chỉ cần xây 2 hồ chứa nước ở độ cao khác nhau và chênh vài trăm mét. Vào lúc thấp điểm, điện năng dư thừa được sử dụng để bơm nước lên hồ trên cao và khi cao điểm, nước từ hồ trên sẽ cho chảy xuống hồ dưới để phát điện. Do đó, chúng có diện tích nhỏ và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, theo ông, cũng nên có chính sách khuyến khích nhằm tăng công suất các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, đồng thời đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.