Có hơn 40 người bị thương vong do mưa đá gây ra

ThienNhien.Net – Trong những ngày gần đây, mưa đá liên tiếp xuất hiện, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc gồm: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Tuyên Quang, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Theo thống kê của phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương, đến thời điểm này, mưa đá đã làm 1 người chết, 43 người bị thương, hàng chục nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại.

Tại Lào Cai, 5/9 huyện, thành phố bị mưa đá và lốc xoáy tàn phá dữ dội. Hàng nghìn hộ dân hiện đang trong cảnh “ màn trời chiếu đất”. Ước tổng thiệt hại đã lên đến con số hơn 270 tỷ đồng. Trong ngày 27/3 và 29/3, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa đá kèm theo lốc xoáy ở 4 huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bảo Yên đã làm một người chết tại huyện Bắc Hà và 37 người bị thương. Bên cạnh đó, có 7 nhà bị sập đổ, cháy do chập điện và nhà của 11.878 hộ bị hư hỏng, trong đó 10.111 hộ bị hư hỏng nặng.

Đợt lốc, mưa đá chiều và đêm 26/3, đã khiến tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại khá nặng, nhất là ở 27 xã thuộc các huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Quảng Uyên. Thiên tai đã làm 2 người bị thương, 1 con trâu bị chết , 1.162 nhà bị tốc mái, vỡ ngói; ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của 1.354 ha hoa màu, gần 300 ha thuốc lá.

Đá rơi trong trận mưa lúc 19h5 tốii 30/3 tại Hà Giang (Ảnh: VnExpress)
Đá rơi trong trận mưa lúc 19h5 tối 30/3 tại Hà Giang (Ảnh: VnExpress)

Trận mưa đá và gió lốc tại tỉnh Hà Giang xảy ra vào ngày 27/3, đã làm cho 4 người bị thương, trong đó có 2 em học sinh; 3 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn; hàng trăm ngôi nhà bị hỏng và tốc mái hoàn toàn; 3 điểm trường bị tốc mái và hư hỏng; hàng nghìn ha ngô, lúa bị hư hại, nhiều diện tích cây trồng vụ xuân bị mất trắng; 500 ha cây chè bị thiệt hại nặng; hàng chục nghìn cây sâm tam thất đang ươm, cây đào giống, hoa hồng bị hư hỏng… tổng giá trị thiệt hại trên 5 tỷ đồng.

Tại các huyện Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn và Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cũng đã xảy ra mưa đá với mật độ dày nhưng đường kính nhỏ hơn nên không gây thiệt hại nhiều. Huyện Na Rì là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất với 58 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Chợ Đồn có 20 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Ngân Sơn cũng có 8 ngôi nhà bị tốc mái và 30ha thuốc lá mới trồng tại xã Hương Nê bị thiệt hại nặng. Một số phân trường tiểu học, nhà trẻ cũng bị tốc mái, hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại do mưa đá và lốc xoáy gây ra ước khoảng 236 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng chống lụt bão và đê điều tỉnh Thái Nguyên, trận mưa đá xảy ra vào lúc 1giờ 30 ngày 29/3 đã khiến cho gần 1.200 ngôi nhà thuộc địa bàn hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ bị hư hỏng.

Rạng sáng 29/3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện gió to kèm theo mưa đá làm nhiều nhà dân bị hư hỏng. Chỉ tính riêng tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang mưa đá đã làm hơn 2.000 tấm lợp fibro ximăng của hơn 200 hộ dân bị vỡ, thủng; 13 bộ phát điện năng lượng mặt trời bị hỏng; hàng chục ha lúa, hoa màu bị dập nát, rất may không có người dân nào bị thương.

Chiều 30/3, trên địa bàn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xảy ra một trận mưa đá kéo dài khoảng 45 phút, trong đó có những cục đá to bằng quả trứng chim cút. Mưa đã gây hư hại một số nhà cửa, hoa màu, công trình công cộng. Riêng điện lưới bị mất trên diện rộng ở một số xã dọc Quốc lộ 7 và thị trấn Hòa Bình. Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, đã có 82 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ; rất may không gây thiệt hại về người.

Một trận mưa giông diễn ra diện rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La vào lúc 20 giờ đến 20 giờ 30 phút tối 30/3, trong đó một số địa phương trong tỉnh như ở thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn xuất hiện mưa đá rải rác, hạt to nhất bằng viên bi ve. Tuy nhiên, mưa đá không gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của dân, do mật độ có mưa đá thưa, lác đác, thời gian mưa kèm theo đá chỉ vài phút.

Tối 30/3, trên địa bàn 2 huyện miền núi cao Quan Sơn và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện trận mưa đá kèm theo giông lốc kéo dài trong khoảng từ 10-17 phút. Đây là trận mưa đá đầu tiên xuất hiện trong năm 2013 tại các địa phương này. Những viên đá lớn bằng ngón tay, ngón chân, có viên to bằng quả trứng gà, trứng vịt đã trút xuống khu vực thị trấn Quan Hóa và các xã phụ cận. Mưa đá kèm giông lốc giật mạnh khiến người dân hết sức lo ngại, nhất là trong thời điểm diện tích lúa và hoa màu đang trong thời kỳ phát triển.

Mưa đá làm thiệt hại nhiều hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: TTXVN)
Mưa đá làm thiệt hại nhiều hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, với đường kính hạt mưa lớn nhất lên tới 10-14 cm thì trận mưa đá ở Lào Cai là lớn nhất từng ghi nhận. Nguyên nhân của trận mưa kỷ lục này là những ngày trước đó Lào Cai nắng nóng gay gắt, mặt đất bị hun nóng và khô. Rạng sáng 27/3, gió mùa đông bắc tràn xuống, gây ra sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh. Hơi nước bốc lên cao gặp khí lạnh đột ngột đã ngưng tụ thành hạt đá nhỏ. Nhiều hạt nhỏ đông kết, dính nhau tạo nên những hạt đá lớn. 

Hiện tượng thời tiết cực đoan này rất nguy hiểm, dù chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng mức độ thiệt hại khó có thể lường trước. Vào mùa xuân, thời điểm giao mùa giữa lạnh và nóng nên cũng là mùa của mưa đá và dông lốc. Mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhưng các tỉnh miền núi phía Bắc thì khả năng cao hơn, mức độ nghiêm trọng hơn.

Hiện chưa thể dự báo chính xác về các trận mưa đá mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo ở khu vực rộng. Người dân có thể nhận biết dấu hiệu mưa đá khi thấy dông mạnh vào ban ngày, mây đen kịt trên bầu trời, hoặc ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột.

Cơ quan khí tượng lưu ý, nếu thấy cảnh báo mưa đá và những dấu hiệu như trên, đặc biệt là vào ban đêm, người dân đang ở những ngôi nhà ngói, lợp tấm ximăng nên tìm chỗ có mái che kiên cố như nhà mái bằng, nhà tầng để tránh. Nếu ở vùng hoang vắng thì có thể chui xuống gầm giường, phủ chăn lên trên. Hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ còn kéo dài đến hết tháng 5.

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, mưa đá thường xuất hiện trong các trường hợp như có sự tương tác giữa không khí lạnh và nóng trong các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về nhanh, hoặc gió mùa Đông Bắc tràn về trong khi nền nhiệt độ cao ở mặt đệm (đối với khu vực phía Bắc). Trong những trận giông mạnh do bất ổn định khí quyển cao kết hợp với tương tác đất- biển, địa hình trung du, núi… cũng là những nguyên nhân gây ra mưa đá.

Theo thống kê sơ bộ, hàng năm ở Việt Nam thường xảy ra 15-25 trận mưa đá và thường gây thiệt hại lớn về tài sản, đôi khi gây thiệt hại về người. Điển hình là trận mưa đá kèm lốc xoáy đêm 25 rạng sáng 26/4/2005 tại 12 xã thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) với những cục đá dày và to, có đường kính lên tới 15-20cm gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Năm 2006, có 25 trận mưa đá trên phạm vi toàn quốc, nhưng riêng từ ngày 19 đến 21/11 đã có 13 trận mưa đá xảy ra liên tiếp ở 12 tỉnh thuộc Bắc Bộ như Phú Thọ (2 trận); Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương (1 trận).

Trước diễn biến thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện Hỏa tốc số 474/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá tại tỉnh Lào Cai. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các hộ gia đình ở Lào Cai có người bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa.

Để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo cứu chữa người bị thương, hỗ trợ cứu đói cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, thiếu đói, nhất là những gia đình thuộc đối tượng chính sách; huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thể tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất; tăng cường các biện pháp điều tiết nguồn hàng, quản lý giá cả thị trường, nhất là giá lương thực, thực phẩm, giá các vật tư, vật liệu thiết yếu cho sửa chữa nhà cửa, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai ép giá.

Theo Thanh Tuấn/TTXVN, 31/03/2013

Cao nguyên đá Đồng Văn lại hứng trận mưa đá lớnTrận mưa đá xảy ra trên diện rộng lại tiếp tục trút xuống huyện Mèo Vạc, Hà Giang, sáng 31/3 đã làm thiệt hại nhiều tài sản và hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Nguyễn Đình Hợp, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Giang: Do ảnh hưởng của không khí lạnh rãnh áp thấp nên Hà Giang lại tiếp tục hứng chịu trận mưa đá lớn.

Mưa đá kèm theo giông mạnh, lẫn với mưa rào, đường kính của hạt đá trung bình từ 2-2,5 cm, có viên lớn tới 6-7 cm. Mưa đá rải một lớp trắng xóa mặt đất, đường quốc lộ. Lượng mưa đo được là từ 40-45 mm.

Mưa đá kéo dài từ 15-20 phút trên diện rộng tại huyện Mèo Vạc. 3 xã là Lũng Pù, Pải Lủng và thị trấn Mèo Vạc là những địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Do bị bất ngờ, nhiều hộ dân không kịp phòng tránh nên mưa đá đã làm gần 100 ngôi nhà bị tốc mái, trên 700 ha ngô và rau màu bị thiệt hại không có khả năng phục hồi, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng.

Ngay sau khi mưa đá xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc đã khẩn trương chỉ đạo công tác ứng phó, cứu hộ cứu hạn và thống kê thiệt hại. Với tinh thần giúp dân sớm ổn định cuộc sống, các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã giúp các hộ gia đình bà con dân tộc thiểu số bị thiệt hại lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, Hà Giang đã hứng chịu 3 trận mưa đá (cụ thể vào các ngày 13/3; 27/3 và 31/3) xảy ra tại các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 3 trận mưa đá xảy ra trên diện rộng kèm theo giông mạnh, gió lốc đã làm cho 4 người bị thương; 3 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn; hàng trăm ngôi nhà bị hỏng và tốc mái hoàn thoàn; nhiều điểm trường, lớp học, nhà bán trú bị tốc mái và hư hỏng; hàng nghìn ha ngô, lúa, hoa màu bị hư hại… với tổng thiệt hại lên tới trên 6 tỷ đồng.

Theo Minh Tâm/TTXVN, 31/03/2013

Miền Bắc có nguy cơ hứng chịu mưa đá diện rộngTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, cùng với dông lốc, các tỉnh ở miền Bắc có thể sẽ tiếp tục phải hứng chịu những trận mưa đá trên diện rộng.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ chiều 29/3, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng khí tượng hạn vừa-hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết: “Mưa đá là hiện tượng thường xuyên diễn ra vào thời điểm giao mùa và đúng quy luật. Vì vậy, trong những ngày tới, mưa đá rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra ở bất cứ đâu trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả Hà Nội.”

Cũng theo ông Hòa thì mưa đá là hiện tượng bình thường và hầu như năm nào mưa đá cũng xảy ra ở các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên… với cường độ khác nhau.

Tuy nhiên theo ông Hòa, những trận mưa vừa xảy ra ở Lào Cai dị thường ở chỗ là những viên đá có đường kính lớn, được xác định là chưa từng có từ trước tới nay.

Theo lý giải của ông Hòa, mưa đá xảy ra là do sự bất ổn định trong không khí giữa hai luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Cụ thể, trong khoảng 4-5 ngày trước khi xuất hiện mưa đá thường có nắng nóng khá gay gắt, khiến mặt đất bị hun nóng. Tuy nhiên, sau đó do có sự xuất hiện của gió mùa Đông Bắc tràn xuống, gây nên sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh.

“Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất. Bởi vậy, kích thước của những hạt mưa đá trong các trận mưa vừa qua thể hiện sự chênh lệch quá lớn trong không khí,” ông Hòa cho biết thêm.

Khoảng 23 giờ đêm 26/3, sau cơn gió lốc mạnh, một trận mưa đá kích cỡ lớn, dày đặc đổ xuống khắp các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai), trong khoảng 15 phút. Trận mưa đá kéo dài đã phá hỏng nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân. Trận mưa đá này tuy không có thiệt hại lớn về người, nhưng hiện tượng thời tiết này cũng khiến người dân địa phương lo ngại.

Tiếp đến, rạng sáng ngày 29/3, lại thêm một trận mưa đá dữ dội đổ xuống ba xã Lương Sơn, Xuân Thượng, Long Phúc và thị trấn Phố Ràng của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm hư hỏng gần 12.000 mái nhà; hàng trăm hécta hoa màu, cây ăn quả bị hỏng. Ước tổng thiệt hại lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Tại tỉnh Hà Giang, mưa đá đã xảy ra trên diện rộng tại Hà Giang ngày 27/3 làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu vụ xuân. Đây là trận mưa đá thứ hai, sau trận mưa đá dày đặc xảy ra vào ngày 13/3, gây thiệt hại lớn về hoa màu của xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Tại Thái Nguyên cũng xảy ra trận mưa đá vào lúc 1 giờ 30 ngày 29/3, khiến cho gần 1.200 ngôi nhà thuộc địa bàn hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ bị hư hỏng.

Sáng cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng xuất hiện gió to kèm theo mưa đá, khiến nhiều nhà dân và nhiều diện tích lúa, hoa màu bị hư hỏng nặng.

Trước hiện tương dị thường mà các trận mưa đá ập đến, ông Hòa khẳng định mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm. Hiện tượng này chỉ giảm dần khi mùa mưa đến, tức đến hết tháng 5.

“Để tránh thiệt hại về người và của cải, người dân tại các tỉnh ở miền Bắc, đặc biệt là khu vực Tây Bắc cần theo dõi các bản tin thời sự và nhận biết được mưa đá dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời. Vào ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột…,” ông Hòa khuyến nghị.

Theo Hùng Võ/VietnamPlus, 30/03/2013