Viết tiếp câu chuyện “hậu thủy điện” – Kỳ 2

Kỳ 2:  Sống dưới miệng “thủy lôi”

ThienNhien.Net – Gần 1 năm trôi qua nhưng trong ký ức của người dân thôn 3, xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn chưa quên trận lũ lịch sử trên sông Trường vào đêm 14 và ngày 15-11-2013. Đối tượng “tiếp tay”, cộng hưởng để cơn cuồng nộ của thiên nhiên gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân không ai khác chính là việc xả lũ của thủy điện…

Ký ức kinh hoàng…

Đã gần 1 năm trôi qua, dấu tích của trận lũ lịch sử vẫn còn hiện hữu trên từng ngôi nhà, trong từng mảnh vườn và ngay chính trong tâm tưởng người dân thôn 3, xã Phước Hiệp. Nhìn những ngôi nhà đã và đang được sửa sang, xây dựng, ít ai hình dung nổi chuyện gì đã xảy ra trước đó. Đang dở tay dọn dẹp đống cát sỏi ngoài sân, thấy chúng tôi đến, anh Hồ Văn Cường (1975), trú thôn 3 đột nhiên dừng lại.

Khi được hỏi về trận lũ tháng 11 năm trước, anh nói: “Cũng may mà lũ đến ban ngày, dân chúng tôi còn chạy kịp, nếu vào ban đêm thì không biết chuyện gì xảy ra. Nhà cửa, đồ đạc chẳng nói làm gì, tính mạng con người e cũng khó thoát. Hàng chục nhà dân trong thôn nằm dưới hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4, khoảng cách từ bờ đập đến nhà chỉ vài trăm mét, lượng nước xả rất lớn do chênh lệch độ cao bờ đập hàng chục mét nên rất nguy hiểm”.

Hàng loạt nhà cửa tại thôn 3, như nhà của anh Phạm Đình Thiên (1982), vừa xây dựng từ đầu năm 2013 và mới hoàn thành được mấy tháng thì bị sạt lở, trôi mất; nhà chị Vũ Thị Bích Nhu bị dòng nước hung dữ cuốn bứt mất khoảng 5m tường móng sâu hoắm; nhà anh Nguyễn Văn Vinh và cả phương kế sinh nhai là chiếc máy bị nhấn chìm, mất hút; nhà anh Võ Ngọc Thảo không còn dấu tích…

Ông Nguyễn Công Cẩn, người dân thôn 3, xã Phước Hiệp: “Xây kè thế này, mỗi khi mùa mưa đến thì nỗi lo sạt lở của người dân vẫn còn thường trực” (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Công Cẩn, người dân thôn 3, xã Phước Hiệp:
“Xây kè thế này, mỗi khi mùa mưa đến thì nỗi lo sạt lở của người dân vẫn còn thường trực” (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Sau trận lũ kinh hoàng ấy, chính quyền H. Phước Sơn tổ chức đánh giá, tìm nguyên nhân. Kết quả sau đó được xác định là do từ tối 14 đến hết ngày 15-11-2013 trên địa bàn huyện liên tục có mưa, lượng nước chảy về thủy điện Đăk Mi 4 rất lớn. Để đảm bảo an toàn hồ, đập, BQL Dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu xã Phước Hiệp, cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu, nhất là ở xã Phước Hiệp. Tại địa phương này có khoảng 1.200m2 đất ở, 13 nhà của người dân thôn 3 ở ven sông Trường bị sạt lở, trong đó có 9 nhà bị sạt lở, hư hỏng nặng. Ngoài ra, nước lũ còn gây ngập úng cho 30 nhà và sạt lở đất nhà, đất vườn của 4 hộ dân thôn 4; cầu qua sông Trường và cầu tràn bê-tông thôn 10 (xã Phước Hiệp) cũng bị hư hỏng nặng…

Cùng với việc thăm hỏi, động viên người dân, chính quyền H. Phước Sơn đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với BQL Dự án thủy điện Đăk Mi 4  để tìm giải pháp tháo gỡ. Song, BQL dự án thủy điện Đăk Mi 4 vẫn cho rằng sự cố này là do thiên tai và có ý “chối bỏ” trách nhiệm. Tuy nhiên, sau đó BQL dự án thủy điện Đăk Mi 4 cũng đã tổ chức khảo sát và quyết định hỗ trợ thiệt hại cho người dân, với mức từ vài chục đến vài trăm triệu đồng khắc phục hậu quả.

Trên nền nhà cũ bị cuốn trôi, người dân thôn 3, xã Phước Hiệp đã bắt tay vào xây dựng, sửa chữa lại nhà để ở.(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Trên nền nhà cũ bị cuốn trôi, người dân thôn 3, xã Phước Hiệp đã bắt tay vào xây dựng,
sửa chữa lại nhà để ở.(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Khắc phục… nửa vời!

Ngày 25-12-2013, ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND H. Phước Sơn chủ trì cuộc họp bàn phương án giải quyết thiệt hại cho 13 hộ bị ảnh hưởng do mưa lũ vùng hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4 của xã Phước Hiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan H. Phước Sơn, Trưởng BQL dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, lãnh đạo xã Phước Hiệp và 13 hộ dân bị ảnh hưởng.

Sau khi nghe ý kiến của 13 hộ dân bị ảnh hưởng, ý kiến tham gia của các bên liên quan, Chủ tịch UBND H. Phước Sơn kết luận với nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là: “Thống nhất chọn phương án xây dựng kè bê-tông cốt thép kiên cố khu vực bị ảnh hưởng cho 13 hộ dân xã Phước Hiệp; BQL dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế lập dự án và xây dựng kè hoàn thành trước ngày 30-6-2014; khẩn trương khắc phục thiệt hại cầu qua sông Trường đi thôn 4, thôn 7 và cầu tràn bê- tông thôn 10 xã Phước Hiệp”…

Sau khi có kết luận của Chủ tịch UBND H. Phước Sơn, chính quyền địa phương, đặc biệt là 13 hộ dân thôn 3, xã Phước Hiệp tạm yên tâm, bởi viễn cảnh xây dựng kè bê-tông cốt thép bền vững sẽ hiển hiện ngay trước mắt, giúp họ “quên” đi nỗi ám ảnh bị sạt lở, mất nhà cửa mỗi khi mùa mưa về. Ấy vậy nhưng, chưa kịp mừng thì một vài nỗi lo khác lại xuất hiện. Đó là việc BQL dự án thủy điện Đăk Mi 4 chưa làm hết trách nhiệm của mình khi đến nay đã vượt thời gian gần 3 tháng, cận kề mùa mưa nhưng chiếc “kè bê-tông cốt thép” vẫn chỉ nằm trên giấy. Thay vào đó, họ chở đá hộc về và đổ xuống sông, tạo thành một cái kè sơ sài, không kết dính.

“Làm kè kiểu này, khi mùa mưa đến nước dâng cao và chảy xiết thì tất cả lại đổ sông đổ biển”, một người dân thôn 3 nói. Nguy hiểm hơn, trẻ em, người lớn khi đi qua đây nếu không cẩn thận có thể bị những viên đá trôi xuống đè lên người hoặc rơi xuống dòng nước dữ. “Cách đây mấy hôm, con trai tôi là cháu Nguyễn Văn Tài (12 tuổi) đang đứng chơi gần bờ sông thì bất ngờ đá lăn kéo theo cháu xuống sông, cũng may lúc ấy tôi đang làm mộc gần đó chạy đến cứu vớt, không thì… Trước đó khoảng 1 tháng, một cháu trai tên Bình ở trong thôn cũng bị đá lăn xuống đè lên bụng, rất may cháu được người thân kịp thời chạy xuống gỡ đá ra và thoát chết”, anh Nguyễn Văn Vinh bàng hoàng kể lại.

 Việc xây dựng kè kiểu “nửa vời” gây rất nhiều nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em nhỏ trong thôn khi vui chơi tại đây. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Việc xây dựng kè kiểu “nửa vời” gây rất nhiều nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em nhỏ trong thôn khi vui chơi tại đây. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

“Đã gần 1 năm rồi nhưng cuộc sống của người dân chúng tôi vẫn chưa ổn định. Nhà cửa xây dựng dang dở, công trình vệ sinh không có vì không biết đến bao giờ thì kè mới xây dựng xong. Cuộc sống vẫn cứ trong vòng luẩn quẩn, đặc biệt là khi mùa mưa lũ đã cận kề thì nỗi lo sạt lở nhà cửa còn thường trực”, ông Nguyễn Công Cẩn, người dân thôn 3 lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Xinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho rằng những phản ánh của người dân là có cơ sở. “Ngoài việc xây dựng kè không đúng tinh thần kết luận tại cuộc họp ngày 25-12-2013, thì hiện nay, việc khắc phục thiệt hại cầu qua sông Trường đi thôn 4, thôn 7 và cầu tràn bê-tông thôn 10 xã Phước Hiệp phía BQL dự án thủy điện Đăk Mi 4 vẫn chưa có động tĩnh gì. Nếu giả sử bây giờ họ có tiếp tục làm thì cũng không còn kịp nữa”…, bà Xinh cho biết. Và theo như lời bà Xinh, thì “mùa mưa lũ năm nay có lẽ người dân và cán bộ địa phương lại thêm một lần mất ăn mất ngủ vì phải canh chừng thủy điện xả lũ để còn kịp… chạy!”.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng hệ thống thủy điện bậc thang Đăk Mi đã tạo ra nghịch lý đó là chặn nước ở dòng sông lớn là Đăk My và đổi dòng nước về sông nhỏ là sông Trường. Mùa hè, vùng hạ lưu sông Vu Gia thường xuyên khô cạn, mùa mưa thì dòng sông Trường đổ ra sông Thu Bồn như một biển nước, gây ngập lụt tại các xã Phước Hòa, Phước Hiệp (Phước Sơn). Không những thế, việc không tuân theo quy luật tự nhiên đã, đang và sẽ xảy ra những hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Phước Sơn, mà hậu quả của đợt lũ từ đêm 14 đến hết ngày 15-11-2013 là một minh chứng rõ nét nhất.