Rút ruột rừng Khánh Thượng – Kỳ 1

Náo loạn rừng xanh

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, nạn phá rừng ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tăng mạnh, trong đó “nóng” nhất là rừng đầu nguồn ở xã Khánh Thượng. Ở đây, gỗ được đốn hạ, vận chuyển ngang nhiên như chốn không người…

Lâm tặc “hai bánh”

Đàn bò lỉa gỗ từ Hòn Tía về bãi tập kết (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Đàn bò lỉa gỗ từ Hòn Tía về bãi tập kết (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Trời vừa sáng, xã miền núi Khánh Thượng như choàng tỉnh bởi tiếng động ầm ĩ từ những chiếc xe “độ” của lâm tặc. Khoác vội chiếc ba lô cũ lên vai, chúng tôi cùng 2 người dân bản địa leo lên những “con ngựa sắt” chuyên đi rừng bám theo. Sau vài phút vít ga, xóm Thác Hòm (thôn suối Cát, xã Khánh Thượng) đã lùi lại phía sau, trước mắt là con đường đầy dốc đá. Chiếc xe wave cũ không đèn, được quấn xích xung quanh lốp, lậc khậc số 1 rồi số 2 bò lên những con dốc dựng đứng. Từng tốp thanh niên nhanh chóng vượt chúng tôi, phóng xe trực chỉ vào rừng, để lại sau lưng làn khói bụi mịt mù. Ama Ngưng – người dẫn đường nói, việc khai thác rừng ở Khánh Thượng đã có từ lâu, nhưng mới chỉ bùng phát mạnh từ khoảng 1 năm nay khi Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa ủi đường để khai thác gỗ. Việc ủi đường vô tình giúp các lâm tặc chuyển gỗ dễ dàng hơn. Thấy việc làm gỗ “dễ ăn”, thanh niên trong làng, thợ rừng ở huyện Diên Khánh và cả những tay lâm tặc ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng kéo về đây.

Ban đầu, chúng tôi cứ ngỡ lâm tặc là những người đứng tuổi, có kinh nghiệm đi rừng. Nhưng ngược lại, đa số còn rất trẻ, trong đó có nhiều thanh niên đang ở độ tuổi 17 – 18. Người đi rừng khá đông, cả rừng xanh náo động bởi tiếng xe máy. Những chiếc xe máy “độ” trở thành phương tiện vận chuyển gỗ rất hiệu quả của lâm tặc. Chúng tôi được biết, ở xã Khánh Thượng có 2 tiệm chuyên làm xe “độ” cho dân khai thác gỗ và quặng. Xe chỉ còn trơ khung sắt được gắn thêm bộ giảm xóc, lốp xe buộc thêm dây xích để tăng độ bám, khung xe gá thêm sắt tăng độ chịu lực, chân chống và ống pô được đưa lên cao để tránh va quệt và vượt suối… A Roang – một thanh niên Raglai cho biết, chỉ cần 1 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe đi rừng. Xe của Roang mua lại của người khác với giá chỉ 800.000 đồng.

Một xe máy chở gỗ của lâm tặc (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Một xe máy chở gỗ của lâm tặc (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Chạm mặt

Sau chừng một giờ đánh vật với con đường núi, chúng tôi đến khu vực đầu nguồn suối Đa Rao (tiểu khu 154, xã Khánh Thượng), nơi lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép mạnh. Ngay bên bờ suối, một cây gỗ khá to đã bị đốn hạ, gỗ được cưa xẻ vuông vắn…; cạnh đó một cây khác cũng vừa bị đốn hạ, lâm tặc chỉ mới kịp cưa khúc. Bên suối có một căn lều làm nơi trú chân cho các lâm tặc. Những người này cho biết, họ từ Nghệ An vào đây làm gỗ cho ông Thắng.

Tiếp tục đi thêm khoảng hơn 20 phút đường rừng, chúng tôi đến điểm tập kết gỗ. Hàng chục khúc gỗ gõ, chò, dỗi… được lâm tặc chuyển về nằm ngổn ngang ngay bên cạnh đường đi. Người dẫn đường cho biết, đây là số gỗ được dùng bò kéo từ trong rừng ra. Lần theo vết kéo, chúng tôi đã đến được vùng khai thác ở Hòn Tía (đầu nguồn suối Đa Rao), đây cũng là nơi đang “nóng” với nạn khai thác quặng trái phép. Vượt qua bãi quặng thứ nhất, chúng tôi nhìn thấy nhiều cây gỗ bị đốn hạ còn khá mới, những cành lá của bụi cây bị phát vẫn còn xanh. Ở đây, lâm tặc không khai thác đại trà mà chỉ chọn những cây gỗ có giá trị như: gõ, sơn huyết, chò, dỗi… Người dẫn đường nói, đây mới chỉ là điểm nhỏ lẻ. Bây giờ, lâm tặc đã chuyển vào khu vực ở trong rừng sâu để khai thác. Đi thêm một đoạn nữa, nghe tiếng máy cưa gỗ rền vang, chúng tôi đề nghị người dẫn đường đưa vào tận nơi đang khai thác. Người này từ chối thẳng: “Tôi thường đi rừng, lỡ có chuyện gì tụi nó sẽ trả thù. Bọn chúng hung hãn lắm!”.

Quay trở lại điểm tập kết, nơi này có thêm một số khúc gỗ mới. Chúng tôi quyết định “mai phục” gần bãi gỗ. Khoảng 2 giờ chiều, cả cánh rừng ầm ầm tiếng động của đội quân lỉa gỗ kéo gỗ ra bãi. Dưới sự điều khiển của 5 lâm tặc, 7 con bò gồng mình kéo những khúc gỗ dài hơn 3m. Nghe tiếng họ trao đổi, chúng tôi nhận ra giọng người vùng Nghệ Tĩnh. Người dẫn đường cho biết, những người này không phải dân địa phương mà là dân làm gỗ ở Hà Tĩnh, Nghệ An… được ông Thắng (đầu nậu gỗ, quê gốc Hà Tĩnh) kêu vào làm. Sau khi tháo gỗ, các lâm tặc lùa bò về và nghỉ ngơi ở căn lều bên suối.

Thời điểm bò kéo gỗ từ rừng ra cũng là lúc đám lâm tặc vận chuyển gỗ bằng xe máy chuyển hàng. Giữa đường rừng quanh co, lâm tặc chở gỗ chạy như bay. Trên đường đi ra, chúng tôi bắt gặp 2 tay lâm tặc trẻ tuổi đang lúi húi sửa chiếc xe máy bị đứt xích. Lân la làm quen, họ cho biết là lính của ông Thắng, mới từ Nghệ An vào. Nhìn thấy một tay lâm tặc chở khúc gỗ hộp dài khoảng 3m, rộng khoảng 0,6m, chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Thế nhưng, gã thanh niên này cho rằng như thế vẫn chưa xi nhê, có người còn chở đến 0,4m3 gỗ.

Dấu tích một cây vừa bị lâm tặc đốn hạ (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Dấu tích một cây vừa bị lâm tặc đốn hạ (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Phá rừng có tổ chức

Trên đường về, tiếp cận ông Pi Năng N. hỏi mua gỗ. Ông N. ra giá: Nếu giao “hàng” ở Thác Hòm thì gỗ gõ giá 10 triệu đồng/m3, dỗi giá 7 triệu đồng/m3, chò 5 triệu đồng/m3… Khi chúng tôi đặt vấn đề mua gỗ tại thị trấn Khánh Vĩnh, ông N. từ chối. Theo ông N., muốn mua gỗ đưa về Khánh Vĩnh an toàn thì cứ tìm đến trùm gỗ lậu tên Thắng ở Trại Bò (xóm Thác Hòm), nhưng chắc chắn giá phải cao hơn nhiều. Khi được hỏi, ông Thắng có “mua đường” không, N. không nói mà chỉ cười một cách bí ẩn.

Theo điều tra của chúng tôi, hoạt động mạnh nhất tại rừng Khánh Thượng là quân của ông Thắng, ngoài ra còn có hàng trăm người đi lẻ về bán lại cho các đầu nậu. Tiếp xúc với một số lâm tặc, họ không ngần ngại cho biết đang đi gỗ cho ông Thắng. Ngoài dân địa phương, ông Thắng còn về quê đưa người vào khai thác gỗ. Lính làm thuê cho Thắng được chia theo nhóm (nhóm chuyên cưa xẻ, chuyên dùng bò để vận chuyển…). Các lâm tặc dùng điện thoại di động để liên lạc, nếu thấy “động”, gỗ sẽ nhanh chóng được tẩu tán. “Trước Tết, quân của ông Thắng có đến 40 – 50 người, nhưng từ Tết đến nay chỉ còn khoảng hơn 20 người” – một lâm tặc cho biết. Ngoài quân ông Thắng, trong rừng Khánh Thượng còn có hơn 20 tay chuyên cưa gỗ để bán lại cho những người vận chuyển gỗ lậu. Cứ mỗi thợ cưa có thể cung cấp gỗ cho 4 – 5 xe gắn máy vận chuyển. Tính ra số người dùng xe máy chở gỗ cũng lên đến hơn cả trăm người. Cứ mỗi tấc gỗ (0,1m3), họ trả cho thợ cưa 100.000 đồng, về bán lại cho các đầu nậu chuyên thu mua gỗ với giá khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng/tấc tùy loại.

Ngoài đường dây của ông Thắng, còn có một số đầu nậu có tên tuổi như: Diện, Dần…, chuyên mua gỗ lậu từ rừng Khánh Thượng rồi tổ chức vận chuyển về xuôi. Tuy đã bị bắt giữ, xử phạt nhiều lần, nhưng với các đầu nậu, điều đó chẳng hề hấn gì, bởi lợi nhuận từ buôn gỗ khai thác trái phép quá cao. Vì vậy, họ vẫn tiếp tục ứng tiền cho lâm tặc vào rừng đốn gỗ.

Bám theo các lâm tặc, chúng tôi cũng đã lần ra đường đi của gỗ lậu từ Khánh Thượng về xuôi.