Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý rừng

ThienNhien.Net – Để có được kết quả tốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua, phải kể đến tính tiên phong của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa trong việc ứng dụng thiết bị, công nghệ định vị toàn cầu GPS vào quản lý rừng.

Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện phong trào thi đua “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến” vào theo dõi diễn biến rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), chi cục đã có 10 đơn vị triển khai thực hiện với 11 mô hình, sáng kiến ứng dụng thiết bị GPS vào gìn giữ “lá phổi của trái đất”.

 Cán bộ kiểm lâm huyện Quan Hóa kiểm tra thực tế và khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cháy rừng đưa vào thiết bị GPS (Ảnh: Xuân Duy/Quân đội nhân dân)
Cán bộ kiểm lâm huyện Quan Hóa kiểm tra thực tế và khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cháy rừng đưa vào thiết bị GPS (Ảnh: Xuân Duy/Quân đội Nhân dân)

Đưa rừng vào… máy tính

Tạm biệt những cánh rừng của huyện Như Thanh, Ngọc Lặc… theo lời giới thiệu của ông Lê Xuân Cải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi về thăm “những cánh rừng trên máy tính” của Thanh Hóa. Từ máy tính của Phòng Quản lý bảo vệ rừng, chúng tôi dễ dàng nhận ra từng bìa rừng xanh ngát và cả những khu rừng có nguy cơ cháy được biểu hiện rõ nét.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Cải cho biết: “Những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã bước đầu ứng dụng khoa học công nghệ chuyển bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp từ định dạng TAB của Mapinfovào GPS.

Nhờ có hệ thống này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã từng bước xác định chính xác vị trí và diện tích các khu rừng, khoảng đất trong công tác thiết kế trồng rừng. Qua đó, quá trình giám sát việc trồng rừng và nghiệm thu kết quả trồng rừng trở nên thuận tiện hơn, cung cấp kết quả chính xác khi có sự hỗ trợ của thiết bị GPS”.

Với phương châm “số hóa” những diện tích rừng của địa phương trong thời gian sớm nhất, từ năm 2010, chi cục đã chuyển được 27 bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng của 27 huyện, thị, thành phố vào GPS, phản ánh đúng hiện trạng tài nguyên rừng của từng địa phương, góp phần phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm tra rừng, thiết kế, nghiệm thu trồng rừng, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, công tác PCCCR trên thiết bị GPS.

Được biết, áp dụng GPS của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa không đơn thuần là quản lý diện tích rừng mà theo ông Cải, một nhiệm vụ nữa “được giao” cho GPS là xây dựng, số hóa và chuyển bản đồ khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn vào máy GPS. Khi các điểm nóng về cháy rừng được khoanh vùng, thiết bị GPS sẽ rà soát, định vị, xác định diện tích các khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn huyện để quản lý.

Khi sử dụng thiết bị GPS, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa còn áp dụng vào việc thiết kế, nghiệm thu, trồng rừng; giám sát, kiểm tra khai thác lâm sản; cập nhật diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, quản lý nương rẫy; công tác PCCCR diễn ra thuận tiện, dễ thực hiện, tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, hiệu quả, đồng bộ, chính xác cao.

Tính hiệu quả của thiết bị GPS đã được kiểm chứng khi so với cùng kỳ năm 2011, năm 2012, tình hình an ninh rừng trên địa bàn ổn định và phát triển bền vững; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được đẩy lùi, nguy cơ cháy rừng được kiểm soát.

“Việc ứng dụng thiết bị GPS phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, theo dõi diễn biến rừng, PCCCR đã đạt được hiệu quả rõ nét khi nó từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng của chúng tôi”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa Lê Thế Long nói.

Những cách làm thiết thực 

Từ phong trào “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến”, ở mỗi hạt kiểm lâm, mỗi địa phương của Thanh Hóa lại có cách hưởng ứng, ứng dụng riêng phù hợp với hiện trạng rừng của mình. Điển hình như Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh. Tại đây, các cán bộ đã có sáng kiến “xây dựng, số hoá và chuyển bản đồ khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn huyện vào máy GPS”.

Ông Lê Thanh Ngợi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết: “Từ khi đưa GPS vào hoạt động, việc quản lý, bảo vệ rừng của chúng tôi đã đỡ vất vả hơn. Toàn bộ diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng”.

Được biết, khi lắp đặt thiết bị GPS, Hạt Kiểm lâm của huyện Như Thanh đã rà soát, xây dựng được vùng trọng điểm cháy với diện tích 12.500ha tại 3 khu vực: Khu đền phủ Na-Am Tiên gồm các xã Mậu Lâm, Xuân Du, Phượng Nghi, Phú Nhuận; khu các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Thái; khu các xã Xuân Khang, Xuân Phúc, Phúc Đường, Hải Long.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng GPS vào hoạt động PCCCR còn giúp các kiểm lâm viên từng địa bàn trong huyện Như Thanh thực hiện tốt hơn công tác tham mưu cho địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là công tác PCCCR trên từng địa bàn trọng yếu.

Ở Như Thanh hôm nay, mỗi kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các nguy cơ cháy rừng đã đỡ vất vả hơn khi hệ thống GPS đã quản lý được các vùng trọng điểm cháy, đồng thời phát hiện các điểm cháy chính xác, giúp cho công tác chỉ huy, điều động lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn kịp thời, hiệu quả.

Ứng dụng GPS vào quản lý, bảo vệ rừng là chủ trương, cách làm đúng đắn của toàn ngành lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, với Thanh Hóa, việc sử dụng thiết bị gắn với đặc điểm riêng của từng địa phương, từng diện tích rừng đã giúp cho diện tích rừng hiện có của tỉnh nhà được bảo vệ an toàn trong những năm vừa qua.