Quản lý, bảo vệ rừng ‘nhàn tênh’ nhờ ứng dụng công nghệ

Nhờ được trang bị các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, giám sát, bảo vệ rừng của Bình Định ngày càng hiệu quả và giảm được sức người.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, những năm qua, ngành chức năng ở địa phương này đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bước đầu cho thấy nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh này hiện có hơn 214.000ha, giảm hơn 900ha so với năm 2019; diện tích rừng trồng hiện có gần 127.000ha, tăng hơn 6.000ha và rừng trồng mới chưa thành rừng có gần 40.000ha.

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp Bình Định phấn đấu bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 56,8%. Để đạt được mục tiêu này, ngoài hoạt động chuyên môn, Chi cục Kiểm lâm Bình Định còn nỗ lực tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm huyện Phù Mỹ (Bình Định) kiểm tra rừng từ đài quan sát. Ảnh: CCKLBĐ.

Đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã áp dụng các ứng dụng chuyên ngành như FRMS, phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android với các tính năng đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa áp dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp. Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System-GIS), Vtools for MapInfo và máy định vị GPS được sử dụng trong cập nhật diễn biến rừng…

Những thiết bị nói trên đã giúp phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, kịp thời cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; kịp thời phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Nhờ cảnh báo sớm các bất thường như phá rừng, cháy rừng nên đã hạn chế được tình trạng mất rừng. Ví như vào năm 2021, nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã phát đi cảnh báo sớm nên giảm được 3 vụ cháy rừng so với năm 2020, giảm 10 vụ so với năm 2019; trong đó, diện tích cháy rừng keo giảm từ 150ha trong năm 2019 xuống còn 29ha trong năm 2021.

Tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Công ty là đơn vị được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý hơn 8.455ha rừng và đất rừng. Cuối năm 2020, Công ty đã được Tổ chức GFA (Cộng hòa Liên bang Đức) cấp chứng chỉ rừng FSC cho hơn 4.183ha.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước – Quy Nhơn sử dụng ứng dụng FRMS để cập nhật diễn biến rừng. Ảnh: CCKLBĐ.

Bảo vệ rừng, nhất là những diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC là trọng trách của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, thế nhưng nhiệm vụ này đã nhẹ nhàng hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, chỉ cần sau gần nửa giờ tuần tra và kiểm tra rừng, kết hợp thông tin thực địa và chỉ số được báo từ ứng dụng trên điện thoại thông minh, cán bộ kỹ thuật của Công ty đã có thể khoanh vùng một số điểm có dấu hiệu lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá rừng trái phép.

“Nhờ số hóa bản đồ, ứng dụng hệ thống định vị GPS và các phần mềm như MapInfo, FME Desktop, Global Mapper, chúng tôi nhanh chóng xác định các diễn biến bất thường của rừng, cũng như vị trí và đánh giá mức độ thiệt hại. Nhờ vậy, Công ty tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức mà công tác bảo vệ rừng kịp thời và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chia sẻ.

Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước – Quy Nhơn, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn đã tạo thuận lợi lớn cho hoạt động của đơn vị. Ông Trí minh chứng: Trong năm 2021, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước – Quy Nhơn đã kịp thời cập nhật diễn biến của 2.172ha rừng có thay đổi trên địa bàn đơn vị quản lý. Cùng với đó, nhờ hệ thống cảnh báo cháy, đơn vị cũng đã cảnh báo sớm 77 điểm cháy, nhờ đó hạn chế được thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Lực lượng kiểm lâm Bình Định kiểm tra, rà soát rừng trên địa bàn trước mùa nắng nóng. Ảnh: CCKLBĐ.

“Điểm tối ưu của các ứng dụng này là góp phần giúp lực lượng kiểm lâm địa bàn nắm bắt kịp thời các thay đổi bất thường của diện tích rừng do đơn vị quản lý để có giải pháp chủ động trong bảo vệ rừng.

Nếu trước đây, việc phát hiện một đám cháy chỉ dựa vào dấu hiệu nhận biết là khói, hoặc từ các đợt tuần tra, kiểm tra rừng thì nay việc cảnh báo và phát hiện cháy dựa trên ứng dụng qua ảnh vệ tinh. Ứng dụng này cho phép thu thập dữ liệu chính xác tới từng lô, từng khoảnh rừng”, ông Trí chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hiện các hạt kiểm lâm trên địa bàn đều được chuyển giao các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác bảo vệ rừng. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

“Giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho quản lý rừng, theo dõi tình hình diễn biến rừng để công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đề xuất của Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ làm việc với Sở Tài chính bố trí kinh phí để thuê, mua ảnh vệ tinh giám sát tình hình diễn biến rừng; đầu tư thêm phần mềm kết nối dữ liệu từ quan trắc, khí tượng thủy văn trong dự báo và cảnh báo cháy rừng”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.