“Rủ” người phá rừng đi… giữ rừng

Anh được sinh ra từ rừng già, lớn lên trong rừng già. Và rồi, tình yêu đối với rừng đã dẫn dắt anh đến với công việc giữ rừng. Tôi gọi anh là kẻ mê rừng…

Đường về quê mẹ

Khi tôi có ý định đến thăm khu bảo tồn rừng và sinh cảnh Chế Tạo, ông Vàng A Lử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Căng Chải (Yên Bái) có vẻ suy nghĩ. Ông bảo, cán bộ phụ trách Giàng A Dê cũng mới ở “trong ấy” ra và đường đi hiện giờ là rất khó. Thế rồi, ông vẫn chậc lưỡi bảo sáng hôm sau, Giàng A Dê sẽ dẫn tôi vào khu bảo tồn.

Đúng hẹn, Giàng A Dê quần áo tề chỉnh, phía sau xe có một túi to (mà sau này tôi mới biết đó là đồ sửa xe). Hạt trưởng Vàng A Lử sau khi nhìn trời, phán một câu: “Hai hôm trước trời mưa. Hôm nay trời cũng có thể mưa, không thể kẹp đôi”. Thế là ông Lử đưa tôi chìa khóa chiếc xe Win Trung Quốc của ông, rồi cười bảo: “Đành ai có thân người ấy lo vậy”.

Sau khi đổ đầy bình xăng cả hai chiếc xe, chúng tôi bắt đầu cho xe đi theo hướng chỉ dẫn: “Xã Chế Tạo 35km”. Giàng A Dê quay sang tôi, bảo: “Mới đi lần đầu, sẽ phải mất khoảng 4 tiếng”. Tôi cười, nghĩ 35 cây số đi chậm cũng chỉ mất khoảng 2 giờ. Thế nhưng, chỉ đi khỏi thị trấn được hơn một cây số, tôi đã phải nghĩ lại, bởi đường quá xấu, trơn và nhiều đèo dốc.

Giàng A Dê còn có tên là Long (tên do bạn học phổ thông đặt cho), người H’Mông, năm nay 35 tuổi. Long sinh ra trong một gia đình đông con tại bản Nả Háng – một bản vùng sâu vùng xa của xã vùng sâu khó khăn nhất của một huyện khó khăn nhất tỉnh Yên Bái.

Sau khi học hết phổ thông, A Dê trở về quê, xin vào lực lượng kiểm lâm, được phân công phụ trách địa bàn ở chính cái xã vùng sâu khó khăn nhất – nơi anh đã sinh ra. Trong suốt gần 20 năm qua, tháng nào Giàng A Dê cũng có nhiều ngày lặn lội trong rừng, nhưng không phải để săn thú, phá rừng như những người bản địa thường làm, mà là để vận động bà con giữ rừng.

Xe của chúng tôi leo lên các sườn dốc dựng đứng. Đường vào xã Chế Tạo, nền đường được chia thành hai loại rõ rệt. ở dưới chân núi là đất đỏ, sau trận mưa cả hai ba ngày mà bùn đất vẫn nhão nhoẹt, xe đi liên tục bị quay ngang và chết máy. Còn từ lưng núi đến đỉnh núi, độ dốc rất cao, nền là những mũi đá lởm chởm, sắc như dao. Nghe nói con đường cấp phối vào xã Chế Tạo này mới được làm cách đây ba năm. Thế nhưng, ngày nào, tháng nào cũng có máy ủi, máy xúc và công nhân đi sửa đường. Bởi núi liên tục bị sạt và đá từ trên các đỉnh núi thường xuyên rơi xuống gây tắc đường.

Khi xe đang leo lên đỉnh núi thì bỗng nhiên xe của Giàng A Dê kêu đánh dẹt. Chiếc lốp xe chùng xuống vì không còn một chút hơi. Dắt xe một đoạn đến chỗ đất bằng, Long mới lôi mớ đồ sửa xe ra. Chỉ tay vào đống đồ nghề, Long bảo: “Trừ việc phải bổ máy, chứ đống đồ này cho phép sửa bất kỳ một hỏng hóc nào”. Chỉ mất khoảng 15 phút, Long đã thay gọn một chiếc săm xe.

 
Núi rừng hoang sơ Mù Cang Chải.

“Rủ” người phá rừng đi… giữ rừng

Sau gần 4 giờ leo núi rồi lại xuống núi, cuối cùng thì tôi cũng đã nhìn thấy được trụ sở UBND xã. Đúng lúc ấy, một cơn mưa đột ngột đổ xuống làm cho chiếc xe cứ đổ liên hồi. Chỉ còn một đoạn gần 2 cây số mà chúng tôi phải đi mất đúng nửa giờ đồng hồ. Đường đi thì khó vậy, thế nhưng tháng nào Giàng A Dê cùng có vài ba chuyến đi xã, đi bản. Mùa mưa, không đi được xe thì phải đi bộ.

Theo ông Vàng A Lử, từ khi thành lập khu bảo tồn rừng và sinh cảnh tại xã Chế Tạo, trách nhiệm của cán bộ phụ trách càng nặng nề. Cả khu bảo tồn rộng đến 28.000ha, toàn rừng già, lại chỉ có duy nhất một cán bộ kiểm lâm. Giàng A Dê đã đề xuất được thành lập các nhóm người bản địa làm công tác giữ rừng. Đề xuất này đã được chấp thuận.

Tuy nhiên kinh phí cho nhóm bảo vệ thì vô cùng hạn chế, nếu ai không có tình yêu với rừng, đau trước nỗi đau rừng bị “xẻ thịt” thì không thể nào đảm trách nổi. Giàng A Dê đã đi đến từng nhà những người thợ săn kỳ cựu nhất, có uy tín nhất trong các thôn bản để vận động tham gia nhóm giữ rừng.

Nhiều người ban đầu còn nghĩ rằng đây là một chuyện không tưởng. Thế nhưng hạt trưởng Vàng A Lử lại rất đồng tình, vì hơn ai hết, ông hiểu rằng, lôi kéo được những người như thế, công việc sẽ tiến triển rất tốt đẹp. Cũng chẳng biết vì uy tín hay vì tình yêu rừng của Long mà những người một thời từng quanh năm suốt tháng đem cưa và súng đi phá rừng như Sùng Bua Sào, Sùng Vảng Phà đã được cảm hóa.

Hiện nay, quân số của hai nhóm bảo vệ rừng lên đến 10 người. Mỗi tháng, nhóm bảo vệ lại cơm nắm cơm đụn đi rừng 15, 16 ngày (bằng số ngày đi rừng trung bình trong tháng của một thợ săn chuyên nghiệp). Giàng A Dê cũng thường xuyên có mặt trong những chuyến đi để ghi chép, đánh giá mức độ ảnh hưởng của con người đến khu bảo tồn.

Những ghi chép ấy sau đó sẽ được gửi lên Tổ chức FFI – Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế. Nhớ lại thời kỳ đầu thành lập khu bảo tồn rừng và sinh cảnh Chế Tạo, Giàng A Dê khi ấy không tưởng tượng được khu rừng quê mình lại có giá trị và thu hút được sự quan tâm của quốc tế đến thế.

Những chuyên gia nước ngoài đầu tiên thuộc Tổ chức FFI được anh dẫn đường, nhiều ngày ăn, ngủ trong rừng khảo sát và đặt bẫy ảnh để có thể đưa ra một kết luận chính xác về sự tồn tại của các loài thú và các loài linh trưởng còn sinh sống trong rừng. Thời gian làm việc với những chuyên gia nước ngoài giúp anh học hỏi được nhiều điều và tình yêu của anh với rừng cũng ngày càng được nhân lên. Mỗi lần trở về những cánh rừng làm nhiệm vụ, anh lại thấy mình đang làm một công việc cao cả và đầy ý nghĩa trên chính mảnh đất quê mẹ .