Tái cơ cấu nông trường: Bắt đầu từ mô hình và cơ chế quản lý

ThienNhien.Net – Sau quá trình sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát thực trạng sắp xếp đổi mới và phát triển ở một số nông, lâm trường quốc doanh trong phạm vi cả nước.

Chưa thực hiện theo cơ chế đồng bộ

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến nay, qua quá trình sắp xếp, từ 187 nông trường quốc doanh gồm 77 nông trường, 94 công ty nông nghiệp, một công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, 14 công ty cổ phần và một công ty liên doanh đã sắp xếp, chuyển đổi sang 109 công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên; một tổng công ty; hai công ty hoạt động theo mô hình công ty Trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên; giữ nguyên một công ty theo mô hình công ty liên doanh; 36 công ty cổ phần; giải thể 23 nông trường; chuyển đổi chín công ty dự kiến cổ phần hóa thành chi nhánh trực thuộc…

Ngoài việc thực hiện các hình thức trên, quá trình sắp xếp đã thực hiện một số hình thức chuyển đổi sở hữu (bán), bàn giao ba nông trường từ Ủy ban Nhân dân tỉnh cho Tập đoàn chuyển thành nông trường hạch toán phụ thuộc.

Đánh giá về quá trình sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa cho biết các nông trường quốc doanh là các doanh nghiệp đặc thù, có nhiều khó khăn so với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác như ít vốn, phần vốn nằm trong vườn cây và rừng chưa được xác định cụ thể, hoạt động có nhiều rủi ro do chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh; địa bàn hoạt động chủ yếu ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, giao thông, liên lạc, cơ sở hạ tầng thấp kém; phần lớn lao động không được đào tạo tay nghề, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế.

Công nhân Lâm trường Ba Tơ chăm sóc cây giống trong vườn ươm. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)
Công nhân Lâm trường Ba Tơ chăm sóc cây giống trong vườn ươm (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Bên cạnh đó, nhận thức về chủ trương sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh còn có nhiều ý kiến khác nhau, một bộ phận vì lợi ích cục bộ níu kéo để duy trì cơ chế cũ, không tích cực thực hiện chủ trương đổi mới, cán bộ quản lý còn mang nặng tư tưởng bao cấp, ỷ lại Nhà nước.

Quá trình sắp xếp, đổi mới chưa bám sát nội dung đề cương, chưa làm rõ và công khai hóa danh sách đối tượng nhận khoán, đối tượng đang sử dụng đất cũng như chưa phối hợp tổ chức rà soát, đo đạc, cắm mốc ranh giới, chưa thuê đất theo quy định còn để kéo dài tình trạng đất đai bị xâm chiếm…

Cũng theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường chưa được triển khai thực hiện theo cơ chế đồng bộ với các doanh nghiệp Nhà nước ở lĩnh vực khác theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà được triển khai thực hiện riêng theo Nghị quyết 28-NQ/TW.

Một số cơ chế, chính sách thể chế hóa nội dung Nghị quyết 28 chậm được bổ sung, đổi mới gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, mô hình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trong nông nghiệp chưa được nghiên cứu, xác định rõ và kịp thời. Việc chuyển đổi sở hữu mới làm thí điểm đối với một số ít cơ sở chế biến, dịch vụ trong nông, lâm trường nên chưa đủ căn cứ triển khai áp dụng ra diện rộng.

Đáng chú ý là việc thiếu cơ chế, chưa khuyến khích được các nông, lâm trường thực hiện đổi mới. Trong khi đó, nhiều quy định về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Quá trình sắp xếp, đổi mới tuy được thực hiện riêng nhưng thực tế sắp xếp lại bị chi phối quá nhiều bởi các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp khác nên cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, quy định ở mỗi địa phương cũng khác nhau nên đã ảnh hưởng đến kết quả của việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường.

Bắt đầu từ mô hình và cơ chế quản lý 

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tái cơ cấu các nông, lâm trường theo hướng đổi mới mô hình và cơ chế quản lý. Theo đó, cần phân loại mô hình tổ chức và xác định cơ chế hoạt động phù hợp theo từng loại mô hình.

Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh có vườn cây, đàn gia súc gắn với cơ sở chế biến đã thực hiện xây dựng phương án sử dụng đất và thuê đất. Các doanh nghiệp không nằm ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, an ninh quốc phòng chuẩn bị điều kiện để cổ phần hóa.

Các doanh nghiệp không cần thiết duy trì do vườn cây thuộc về người lao động, doanh nghiệp khoán trắng, hoạt động không hiệu quả thì thực hiện giải thể. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản thì cho phép phá sản.

Còn đối với các doanh nghiệp vừa làm kinh tế vừa thực hiện một số nhiệm vụ công ích xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn xung yếu cần thiết phải duy trì, sẽ củng cố hoặc thành lập mới do Nhà nước đầu tư 100% vốn theo mô hình công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên…

Để quá trình sắp xếp, đổi mới đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kiến nghị cần đẩy nhanh việc rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất trong các công ty nông nghiệp, chấm dứt tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo, đất sản xuất còn tranh chấp thì địa phương phải giải quyết dứt điểm, chuyển sang thực hiện thuê đất. Đồng thời xác định rõ các đối tượng thực tế đang sử dụng đất sản xuất, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất sản xuất theo phương án thực tế phù hợp với năng lực và nhu cầu sản xuất của đối tượng được giao đất.

Mặt khác, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao để ký hợp đồng thuê đất theo quy định.

Cũng theo kiến nghị của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, sau khi tiến hành rà soát đất đai, phải đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, khi thực hiện cổ phần hóa phải ưu tiên bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp và người cung cấp nguyên liệu nông, lâm sản. Đồng thời, tổ chức lại các doanh nghiệp nông nghiệp cùng chủ sở hữu trên địa bàn để tăng năng lực về tài chính, quy mô về vốn, lao động, nguồn lực của doanh nghiệp.

Về các giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh nhà nước cần có chủ trương đặc biệt khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao, hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang phát triển nông nghiệp.

Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất hoặc thuế thu nhập phải phù hợp với từng vùng, cũng như có cơ chế thông thoáng về tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, thay đổi về chế độ đãi ngộ đối với lực lượng lao động trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút được lực lượng lao động trẻ có trình độ, có năng lực vào làm việc tại các công ty nông nghiệp…