Những tồn tại trong quản lý đất đai, xây dựng ở Phú Quốc – Bài 1: Chậm từ A đến Z

Sau “cơn sốt đất” bùng phát dữ dội tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đã lộ rõ nhiều yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, dân cư, đô thị, môi trường, rừng của địa phương này. Nhiều đoàn thanh, kiểm tra từ tỉnh đến T.Ư đã đến Phú Quốc thực thi công vụ, và mọi nghi ngại đang hướng về Phú Quốc.

Dự án đầu tư lên đến hàng trăm, nhưng số đông dự án chậm triển khai, do nhà đầu tư chậm thực hiện các thủ tục. Chính quyền địa phương chậm phê duyệt phương án bồi thường, chậm giải phóng mặt bằng, chậm xây dựng các khu tái định cư và chậm thu hồi các dự án chậm tiến độ.

Một góc Phú Quốc.

Chỉ 36/279 dự án hoạt động

Số dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư vào Phú Quốc lên đến ba con số, và còn rất nhiều dự án nhà đầu tư đang xếp hàng chờ xin chủ trương, nhưng dự án đi vào hoạt động ít, trong khi danh sách những dự án triển khai chậm chạp tiếp tục tăng lên, và từ đầu năm đến nay, không có dự án mới nào khởi công xây dựng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đến thời điểm hiện tại huyện đảo Phú Quốc đã thu hút được 279 dự án đầu tư, với diện tích 10.754ha. Trong số này có 249 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT), quyết định đầu tư, với tổng diện tích hơn 9 nghìn ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 270.488 tỷ đồng, còn 30 dự án đang hoàn thiện thủ tục.

Nhiều là vậy, nhưng Phú Quốc chỉ mới có 36 dự án đi vào hoạt động, chiếm chưa đến 13% trong tổng số các dự án đầu tư và khoảng 14,5% trên các dự án đã được cấp phép đầu tư.

Về diện tích sử dụng đất, số dự án đi vào hoạt động là 1.182ha, chiếm khoảng 11% trong tổng số các dự án đầu tư và 13% trên số các dự án đã được cấp phép đầu tư. Số vốn đầu tư cho các dự án đã đi vào hoạt động là 14.758 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,5% trên tổng vốn đăng ký của các dự án đã có chứng nhận đầu tư.

Phú Quốc có 35 dự án đang triển khai xây dựng, với diện tích 3.203ha, tổng vốn đầu tư khoảng 95.731 tỷ đồng.

Ngoài ra, Phú Quốc có khoảng 60 dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai nhưng chưa khởi công xây dựng. Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho rằng, nguyên nhân chậm là do một số dự án khu vực Bãi Trường đến nay vẫn chưa điều chỉnh xong hành lang bờ biển theo Thông báo số 262, ngày 18-5-2015 của UBND tỉnh Kiên Giang.

Một công trình trái phép đang xây dựng.

Các dự án này mặc dù nhà đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không thể nhận đất sạch để triển khai đầu tư do tình trạng di dời chậm, việc lấn chiếm và tái lấn chiếm vẫn diễn ra. Vì vậy, các nhà đầu tư đã có đơn xin điều chỉnh lại quy hoạch theo kế hoạch kinh doanh mới. Ngoài ra, còn có nguyên nhân về hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, nhà đầu tư hạn chế về tài chính nên chưa quyết tâm triển khai và đã xảy ra tình trạng mua bán dự án thông qua hình thức chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần.

Có đến 34 dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhà đầu tư đã ký hợp đồng lập phương án bồi thường nhưng chưa được phê duyệt. Do các dự án này chưa bố trí được khu tái định cư để sắp xếp bố trí các hộ dân có đất nằm trong vùng dự án; bên cạnh đó, việc ban hành giá đất bồi thường cũng còn quá chậm!

Phú Quốc còn có 148 dự án chưa thực hiện xong các thủ tục đầu tư; trong đó, có 25 dự án cho thuê môi trường rừng và hợp tác với Vườn Quốc gia Phú Quốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm, nhưng đáng quan tâm là việc các nhà đầu tư đã có sự dịch chuyển chủ sở hữu bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần, vốn khi dự án mới có được chủ trương đầu tư.

Ông Nguyễn Thống Nhất, Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc nhìn nhận, các dự án trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc triển khai chậm ngoài nguyên nhân do chủ đầu tư, còn có lỗi của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc chưa thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc chủ đầu tư và không cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, chậm còn do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong phần việc rất quan trọng là giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư.

Kiến nghị thu hồi tám dự án

Việc các dự án đã và đang triển khai, nhưng chính quyền địa phương chậm lên phương án, kế hoạch tái định cư, hoặc đã có nhưng tiến độ của các dự án này chậm chạp không bảo đảm là một trong những thiếu sót cố hữu ở Phú Quốc. Cùng sự không thỏa mãn về khung giá đền bù giải tỏa, vấn đề tái định cư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện thời gian qua khi Phú Quốc triển khai thực hiện các dự án.

Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang cho phép đơn vị nghiên cứu điều chỉnh vị trí một số khu vực đất do nhà nước quản lý để xây dựng các khu tái định cư; đồng thời, thống nhất phương án phụ là kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai xây dựng các khu tái định cư nếu nguồn vốn của nhà nước không bảo đảm.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng mới đây, ông Nguyễn Thống Nhất đề xuất, đối với những dự án đã có phương án giải phóng mặt bằng, và những dự án nhà nước đã giao một phần đất cho nhà đầu tư, chính quyền địa phương phải hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Đối với những dự án vi phạm tiến độ, phải lập biên bản xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, phải kiên quyết thu hồi các dự án không bảo đảm về tiến độ nhưng nhà đầu tư không chấp hành các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, đơn vị này đã có danh sách tám dự án “quá” chậm tiến độ và sẽ sớm hoàn thiện báo cáo chi tiết đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thu hồi.

Tám dự án gồm: Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch giải trí phức hợp của Công ty TNHH Du lịch Địa ốc Phú Lạc Phú Quốc, quy mô gần 119,5ha tại xã Cửa Cạn, cấp chủ trương đầu tư tháng 10-2006; Dự án Khu du lịch sinh thái Nhà vườn Rạch Vẹm của Công ty CP Thương mại-Du lịch & Xây dựng T.T.C, quy mô 55ha, đầu tư khu tái định cư 39,2ha, đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 9-2014; Dự án Khu du lịch sinh thái Nhà Vườn Rạch Vẹm của Công ty TNHH Ngọc Hải, quy mô 54,2ha, đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 9-2014; Dự án khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Cửa Cạn của Công ty CP Thiết kế Xây lắp Viễn Đông, quy mô 60,69ha, đã cấp chủ trương đầu tư tháng 2-2010; Dự án khu dân cư, tái định cư và nhà ở xã hội ở xã Cửa Cạn của Công ty CP tập đoàn LTQ, quy mô 37ha, cấp chủ trương đầu tư tháng 10-2015; Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch của Công ty TNHH Kỳ Nghỉ tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh; Dư án khu nghỉ dưỡng Sasco – Bà Kèo của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất và Dự án của Công ty TNHH Minh Thành Khang.

Còn 1.639 hộ chưa nhận bồi thường

Một khu dân cư tự phát.

Theo UBND huyện Phú Quốc, tổng số các dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bố trí tái định cư là 115 dự án. Tổng cộng có 9.770 hộ nằm trong phương án, với số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 6.021,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 8.131 hộ đồng ý nhận bồi thường, hỗ trợ, bằng số tiền hơn 5.310,7 tỷ đồng và còn đến 1.636 hộ chưa chịu nhận bồi thường, hỗ trợ với số tiền hơn 672,6 tỷ đồng.

Mặc dù có đến 9.770 hộ bị ảnh hưởng từ các dự án, nhưng Phú Quốc chỉ mới hoàn thành có ba khu tái định cư và chỉ mới bố trí được 1.580 nền nhà. Tại khu tái định cư Bắc sân bay, quy mô 10,2ha, đã hoàn thành năm 2011, bố trí 410 nền. Khu tái định cư Gành Dầu, quy mô 10,6ha, sử dụng năm 2016, bố trí được 125/312 nền. Và tại khu tái định cư Suối Lớn, quy mô 73,6ha, nhưng có 1,6ha không thể giải phóng mặt bằng. Dự án này bắt đầu bố trí tái định cư từ năm 2011, đã bố trí được 1.045 nền.

Phú Quốc cũng đang triển khai ba khu tái định cư khác, là: Khu tái định cư Bãi Thơm 19,8ha; khu tái định cư Hàm Ninh 13,1ha và khu tái định cư Suối Lớn mở rộng khoảng 43ha. Nếu như ba khu tái định cư này hoàn thành sẽ bố trí được khoảng 2.500 nền, tuy nhiên các dự án này vẫn nằm trên giấy và tiến độ rất chậm, nhưng nếu thực hiện đúng kế hoạch cũng phải đến năm 2022 mới hoàn thành hết.