Nông, lâm trường quốc doanh sẽ phải có bước đổi mới căn bản

ThienNhien.Net – Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh cho rằng cần phải tổng kết, đánh giá đúng hiện trạng và nguyên nhân tồn tại để đổi mới căn bản trong sắp xếp, phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

PV: Thời gian qua, vai trò của nông, lâm trường quốc doanh là rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên cũng bộc lộ những tồn tại cần khắc phục. Ông có thể nêu rõ về vấn đề này?

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ông Phạm Quốc Doanh: Trước hết phải khẳng định nông, lâm trường quốc doanh đã có đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trên nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Nhiều nông, lâm trường quốc doanh đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng; tạo điều kiện để hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản.

Đặc biệt, một số nông, lâm trường quốc doanh đã làm tốt vai trò trung tâm kinh tế – kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ, chế biến nông sản cho nông dân trong vùng; thực hiện sản xuất kinh doanh tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông, lâm sản đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo được một số mô hình mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều nông, lâm trường quốc doanh đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, hình thành các tụ điểm văn hóa, trung tâm kinh tế – xã hội, thị trấn, thị tứ trên địa bàn. Qua đó đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, góp phần tích cực và phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông, lâm trường quốc doanh phải có bước đổi mới căn bản, sớm khắc phục những tồn tại yếu kém trong gần 10 năm sắp xếp đổi mới vừa qua, để thực sự là loại hình tổ chức sản xuất có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

PV: Vậy theo ông, trọng tâm của việc sắp xếp đổi mới của các nông, lâm trường quốc doanh là gì?

Ông Phạm Quốc Doanh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong phát triển nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn tồn tại, thách thức, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế đang được tái cấu trúc lại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Để làm tốt việc này cần phải bám sát nội dung của Nghị quyết số 28 và các nghị định của Chính phủ để tiến hành tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được, những việc còn tồn tại, cũng như những vấn đề mới phát sinh. Trên cơ sở đó đề ra quan điểm phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc, khó khăn của nông, lâm trường quốc doanh hiện nay.

Một trong những nội dung trọng tâm của sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh cần phải tổng kết, đánh giá kỹ hơn là vấn đề đổi mới về đất đai. Đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp, do vậy trong quá trình tổng kết, chúng ta phải khảo sát, phân tích làm rõ hiện trạng quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh. Trên cơ sở đó tìm đúng nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc để có giải pháp phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Giải pháp này, cùng với những giải pháp đồng bộ khác sẽ tạo cơ sở để đổi mới căn bản việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, nhất là đối với lâm trường quốc doanh.

PV: Quý I/2013 Bộ Chính trị sẽ tổng kết Nghị quyết 28/NQ-TW về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Công tác chuẩn bị, triển khai tổng kết Nghị quyết này ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Doanh: Trong quá trình xây dựng đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã xác định việc sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh là vấn đề khó, có liên quan trực tiếp đến đất đai là lĩnh vực nhạy cảm. Do vậy cần được xem xét giải quyết đồng thời với chính sách pháp luật về đất đai.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chủ động báo cáo Bộ Chính trị xin tách việc sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh thành đề án riêng không trình tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (Khóa XI). Đồng thời đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và xây dựng đề án xắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh thời gian tới để trình Bộ Chính trị.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1587/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ngay sau khi có Quyết định thành lập, Phó Thủ tướng đã ký văn bản kèm theo Đề cương tổng kết gửi tất cả bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nông, lâm trường quốc doanh cùng với kế hoạch triển khai thực hiện.

Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28/NQ-TW cũng đã ký Quyết định thành lập tổ biên tập để xây dựng đề án và tổng kết. Các thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình sớm triển khai kế hoạch khảo sát đã được phê duyệt, chủ động nắm thông tin, số liệu qua các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tổng kết 10 của bộ, ngành mình phụ trách để gửi về Ban chỉ đạo tổng hợp. Ngay trung tuần tháng 12 này, sẽ có buổi hội thảo chuyên đề về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh và tổng kết việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cơ sở chế biến.

Tôi cho rằng, nếu tiến hành tổng kết, đánh giá sâu sắc những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của Nghị quyết số 28 – gồm cả kết quả đạt được; tồn tại, khó khăn, vướng mắc – từ đó xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, cũng như nghiên cứu sâu để rút ra bài học, đề xuất được phương hướng nhiệm vụ giải pháp khả thi, sát thực với cuộc sống thì việc đổi mới nông, lâm trường quốc doanh sẽ thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!