ThienNhien.Net – Những trận động đất chưa có dấu hiệu dừng lại ở khu vực Sông Tranh 2, sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 hay đập chắn thủy điện Đakrông 3 vỡ tung sau 1 cơn mưa cũng như cách che giấu, ém nhẹm thông tin của những người liên quan đã khiến dư luận vô cùng bức xúc về ngành thủy điện Việt trong năm 2012.
Động đất liên tiếp ở khu vực Sông Tranh 2
Những trận động đất liên tiếp xảy ra tại Sông Tranh 2 với cường độ ngày càng mạnh và tần suất ngày càng dày đặc là tâm điểm của báo chí năm 2012.
Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), từ ngày 3/9 đến cuối năm 2012, hơn 75 trận động đất lớn nhỏ xảy ra tại huyện này, trong đó có 4 trận mạnh cường độ 4,2-4,7 độ richter.
Rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia…về nghiên cứu, xem xét tình hình nhưng vẫn không làm an lòng những người dân ở đây khi nhà cửa, tài sản của họ bị hư hại liên tiếp bởi động đất. Rất nhiều hộ dân đã phải “sống trong sợ hãi”, thậm chí là bỏ nhà cửa ra đi.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, động đất tại công trình đã được khẳng định là động đất kích thích, các kết quả giám định an toàn thủy điện Sông Tranh đều khẳng định tốt.
Xe ben húc …sập thủy điện
Sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 (thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) được cho là một chuyện hi hữu nhất từ trước đến nay khi nguyên nhân sập thủy điện dài 80m, cao 20m sụp đổ một đoạn 60m là do …1 chiếc xe ben.
Công trình này khởi công tháng 3/2009, dự kiến phát điện đầu năm 2013 với công suất 7,5MW, vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng.
Vào ngày 22/11, trong khi thi công chèn đá thân đập thì đột nhiên mảng tường bê tông phía thượng lưu con đập bị đổ sập. Sự cố xảy ra làm anh Nguyễn Viết Hùng (tài xế 28 tuổi, trú tại Quảng Nam) bị tử vong ngay sau đó.
Sau khi tai nạn, chủ đầu tư vẫn khẳng định “đập được thi công đảm bảo chất lượng và đúng thiết kế”, nhưng hơn 60m đập đã vỡ hoàn toàn là “do một chiếc xe ben khi chở đá đã va vào thân đập khiến đập vỡ dây chuyền”. Điều đáng nói hơn là sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư đã ém thông tin không hề báo cáo với cơ quan chức năng.
Sau sự cố vỡ đập, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện Nam Việt (đơn vị tư vấn) đã tổ chức khảo sát thực địa công trình và kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 là do thi công sai thiết kế.
Đập chắn thủy điện Đakrông 3 vỡ tung
Năm 2012, thủy điện Việt Nam còn phải chứng kiến một câu chuyện buồn khác là sự cố đập chắn thủy điện Đakrông 3 bị vỡ toang vào ngày 7/10.
Mặc dù vậy, chủ đầu tư của công trình vẫn cố tình dấu diếm, bưng bít dư luận. Bên cạnh đó, nhiều ngày sau khi xảy ra vụ việc, sự cố vẫn chưa được xử lý và người dân cũng không được đền bù bất cứ thiệt hại nào.
Được biết, công trình này do Công ty Tân Hoàn Cầu khởi công xây dựng vào tháng 8/2010 với tổng số vốn đầu tư hơn 210 tỉ đồng, hoàn thành tích nước ngày 18/9/2012 và đóng điện ngày 5/10/2012.
Tuy nhiên, chỉ sau một trận mưa vừa, đập dâng của công trình đã bị vỡ dài gần 30m, tạo thành luồng nước mạnh chảy về phía hạ lưu gây sạt lở một số hạng mục khác.
Ước tính thiệt hại lên tới 20 tỷ đồng. Điều đáng nói là lượng nước lớn đổ về do vỡ đập đã cuốn trôi hàng chục tấn sắn mới thu hoạch của các hộ dân ở 2 xã Tà Long và Đakrông, gây thiệt hại lớn cho bà con.
Khô héo vì thủy điện
Thuỷ điện vừa nổi trội những ưu thế nhưng cũng vừa kèm theo những khuyết tật “chết người”. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận thuỷ điện cũng phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái ở cả thượng lưu và hạ lưu của đập.
Cụ thể nhất là vấn đề thủy điện Sông Tranh 2, khi nước tràn qua thân đập, rò rỉ với lưu lượng lớn, sau đó liên tiếp xảy ra trên dưới 70 trận động đất, mạnh nhất đến 4,7 độ rích-te khiến cho người dân hoảng loạn.
Trong phóng sự ảnh ngày 1/5/2012, VietNamNet cũng đề cập đến vấn đề 5 dự án thủy điện đang được triển khai xây dựng tại các khu du lịch trọng điểm của Sa Pa (Sa Pa, Lào Cai) đã ảnh hưởng nặng nề tới cảnh quan, môi trường và đời sống người dân ở đây.
Đặc biệt là những danh thắng mà sông suối chảy qua như bản Hồ, bản Dền, bản Lao Chải, suối Mường Hoa, suối La Ve… làm suy giảm lợi nhuận du lịch.
Bài báo “Thủy điện Quảng Nam: Cắt bớt dung tích phòng lũ?” đăng trên VietNamNet ngày 3/10, cũng khiến dư luận lo ngại.
Theo đó, khi qui hoạch tổng thể dự án 10 thủy điện bậc thang đầu nguồn Vu Gia -Thu Bồn có tổng dung tích phòng lũ là 1,070 tỷ m3 nước.
Nhưng khi đầu tư xây dựng các công trình thủy điện này, dung tích phòng lũ các hồ chứa đều bị cắt xén nên các hồ chứa này không có chức năng phòng lũ. Đây là điều vô cùng nguy hiểm khi gặp những cực đoan của thời tiết thì việc xử lý tình huống khẩn cấp vô cùng khó khăn.
Tranh cãi về Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Một vấn đề cũng gây tốn giấy mực báo chí trong năm qua là dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Đây là 2 dự án do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước.
Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, lộ trình Thủy điện Đồng Nai 6 đưa vào vận hành năm 2015 và Thủy điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016.
Tuy nhiên, hai dự án này đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị do còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc đánh giá tác động môi trường. Giới khoa học cho rằng, về việc xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tác động tới môi trường lớn, ảnh hưởng sinh thái của vườn quốc gia Cát Tiên.
Về vấn đề này, vào sáng 8/11, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã tổ chức họp báo tại Hà Nội. Trước dư luận cũng các ý kiến về việc cân nhắc của các nhà khoa học trong thời gian qua, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, cho biết: “Nếu đúng dự án có vấn đề thì việc dừng là do Thủ tướng quyết. Nếu Thủ tướng bảo dừng, không chấp thuận thì chúng tôi sẽ dừng”.