Thủy điện gần xong, phận người vẫn long đong

ThienNhien.Net – Dự kiến hoàn thành vào quý 2/2011, dù gặp nhiều trục trặc nhưng dự án thuỷ điện Đồng Nai 2 chắc chắn sẽ hoàn thành vào đầu năm sau. Trong khi công trình đang được hoàn tất những hạng mục cuối cùng, những câu chuyện đi theo nó vẫn chưa được giải quyết ổn thoả.

Anh Dương Văn Sản bên căn nhà đổ nát vì sạt lở đất. Anh không biết ai để tìm câu trả lời và chẳng biết số phận mình sẽ đi về đâu! (Ảnh: Phương Uyên)
Anh Dương Văn Sản bên căn nhà đổ nát vì sạt lở đất. Anh không biết ai để tìm câu trả lời và chẳng biết số phận mình sẽ đi về đâu! (Ảnh: Phương Uyên)

Những thiệt hại chưa thể lý giải

Sáng ngày 9.12, để di chuyển quãng đường 5 cây số từ trụ sở chính quyền xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đến thôn Gia Bắc 2, nơi xảy ra tình trạng trượt lở đất sau khi tích nước hồ thuỷ điện Đồng Nai 2, chúng tôi bỏ ra hơn nửa tiếng đồng hồ, vừa đi xe, vừa đi bộ.

Ông Lê Xuân Quang, bí thư chi bộ thôn, dắt chúng tôi vào một căn nhà bỏ hoang, nứt nẻ, xiêu vẹo nằm bên đường rồi nói: “Chỉ vài ngày sau mưa, căn nhà đã ra như thế này. May mà nó trượt đến bờ suối rồi dừng lại. Đến mùa mưa sang năm, tôi bảo đảm toàn bộ ngôi nhà sẽ bay xuống suối”.

Xa hơn một chút, trên một ngọn đồi, ngôi nhà của anh Dương Văn Sản, 40 tuổi, bị thiệt hại nặng nhất. Nhà còn mới tinh, vừa hoàn thiện phần cơ bản hồi cuối tháng 8, nhưng vụ trượt lở đất đêm 9.10 khiến công trình bị giằng xé, chuẩn bị đổ nhào. Nhưng không chỉ toàn bộ công trình xây dựng (nhà cửa, hồ chứa nước, sân vườn) trị giá gần 300 triệu đồng trượt theo đất lở, số phận của anh cũng đang trượt theo vì trong đó có 100 triệu đồng mượn ngân hàng, giờ không biết xoay xở thế nào. “Chính quyền hỗ trợ 30 triệu đồng để di dời, nhưng tôi mới nhận được 10 triệu đồng. Chính quyền cũng cho miếng đất 6 x 50m ngoài khu tái định cư, nhưng tiền đâu mà làm nhà”, anh chua chát nói.

Từ nhà anh Sản, vòng sang con đường đi lên đồi, khu vườn của chị Tú Anh, 40 tuổi, bị thiên nhiên tàn phá nặng nề không kém. Vừa len lỏi qua những lùm cây, chị vừa chỉ cho tôi vết đất nứt rộng và sâu, không khác gì vệt máy cày khổng lồ tàn phá tất cả những gì trên đường đi. Những hàng càphê thẳng tắp giờ đây lớp bật gốc, lớp dồn cục, chết chỏng chơ. Lùm khế trên đồi cao bị xén một nửa, di dời đi xa 30m. Hồ nước rộng một sào nằm trên cao, dùng dẫn nước xuống dưới để tưới càphê giờ cũng bị xô đi xa hàng chục mét, bẹp dúm, gần như không thể nhận diện. Chưa hết, hàng chuối phía xa làm ranh giới giữa vườn nhà chị và nhà hàng xóm cũng bị xoá mất, không còn biết đất nào là của ai.

“Chị nghĩ hiện tượng này do đâu?”, tôi hỏi. Chị trả lời: “Thật tình tôi cũng không biết. Mọi năm cũng mưa to, mà có bị bao giờ đâu”. Từ trên đồi, phóng tầm mắt xa 300m là hồ nước phẳng lặng, xanh trong của thuỷ điện Đồng Nai 2. Chị Tú Anh buông lời: “Có thuỷ điện, nước lên đẹp quá, nhưng giờ đây tôi lại không còn gì cả. Ở không được, đi không xong, mảnh vườn này giờ biết bán cho ai”.

Theo thống kê, xã Tân Nghĩa có khoảng 74ha cây trồng (chủ yếu là càphê) bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, mười hộ có nhà bị nứt lún (có bảy căn sụp đổ hoặc có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào). Một đại diện chính quyền xã Tân Nghĩa, khẩn khoản: “Giới chuyên môn cần nhanh chóng có kết luận, xem có mối liên quan gì đến công trình thuỷ điện hay không, không thể để dân hoang mang kéo dài”.

Đánh giá tác động môi trường: chính xác thế nào?

Làm việc với sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng ngày 11.12, ông Huỳnh Thiên Tính, trưởng phòng khoáng sản, nói: “Thời điểm lở đất xảy ra sau những trận mưa lớn. Khu vực này lại nằm trên vùng đất bazan chưa phân hoá hoàn toàn, kết cấu đất yếu, dễ xói lở. Mưa nhiều, đất trên cao đùn xuống, tạo ra các hiện tượng thiên nhiên như trong thực tế”. Đó là một cách lý giải, nhưng sự thật có lẽ phải chờ kết luận cuối cùng của hai đoàn khoa học, một của viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và một của đoàn khoa học Nhật Bản, đã lần lượt đến đây tìm hiểu.

Có mặt trong chuyến đi thực tế, TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng viện Sinh thái học miền Nam, nhận xét: “Hiện tượng sạt lở đất, thiệt hại hoa màu và nhà cửa của người dân, theo tôi có liên quan đến việc xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 2. Bởi khu vực này được canh tác, trồng trọt nhiều năm, nên kết cấu đất đã ổn định. Nhưng để xác định chắc chắn cần phải đo đạc địa chất, điều này rất tốn kém”.

Làm việc với ông Đặng Công Chuẩn, tổng giám đốc công ty cổ phần Trung Nam, nhà đầu tư thuỷ điện Đồng Nai 2, ông cho biết khi chưa có thuỷ điện, trên địa bàn huyện Di Linh cũng xảy ra sạt lở đất, vì thế không liên quan đến chuyện tích nước thuỷ điện. Ông dẫn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án, cho thấy không thể có hậu quả gì nghiêm trọng do thuỷ điện gây ra. Thế nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề ĐTM ghi nhận trong vùng còn những loài quý hiếm như bò tót, liệu công ty có phương án nào để bảo vệ những loài này khi xây dựng thuỷ điện hay không, ông Chuẩn lại ngạc nhiên và khẳng định chắc chắn không hề có bò tót hay bất kỳ động vật quý hiếm nào trong vùng!

Từng tham gia đánh giá nhiều báo cáo ĐTM, TS Vũ Ngọc Long băn khoăn: “Ở nước ta có hiện tượng sao chép báo cáo ĐTM này sang báo cáo ĐTM khác dễ dàng, mọi thứ giống hệt nhau. Ở Nhật Bản người ta có những cơ quan độc lập làm ĐTM với tiếng nói phản biện rất mạnh, vì thế thông tin có độ chính xác cao. Làm như nước ta không ổn chút nào vì người ta luôn bao biện cho nhau. Báo cáo ĐTM nào cũng đưa ra một bức tranh rất hoàn hảo về môi trường, với những giải pháp đặt ra, hầu như môi trường chẳng hề bị tác động đáng kể. Nhưng giải pháp có khả thi hay không lại là chuyện khác”.

Những số phận chờ tiền đền bù

Thật ra công trình thuỷ điện Đồng Nai 2 đã lùm xùm trước đó vì chuyện nhà đầu tư chưa đền bù đủ cho dân nhưng đã bắt dân di dời. Ngày 17.9.2013 công ty Trung Nam có văn bản xin UBND huyện cho tích nước hồ vào ngày 21.9.2013. Tuy nhiên, thông tin này lại đến chính quyền xã hai ngày sau, như thế người dân chỉ có hai ngày để đối phó. Kết quả là hàng trăm hộ dân của huyện Di Linh và Lâm Hà đành “bỏ của chạy lấy người”, hàng trăm hecta càphê, tài sản và nhà cửa bị nhấn chìm trong phút chốc vì nước lên quá nhanh. “Người dân bất ngờ một phần vì thông báo phát đi quá gấp, một phần vì họ vẫn nghĩ do chưa nhận đủ tiền đền bù, nên không có chuyện ra đi”, đại diện xã Tân Nghĩa, giải thích.

“Vì sao chậm chi trả tiền đền bù, giải toả cho người dân mặc dù công trình triển khai rất lâu?”, tôi đặt câu hỏi với ông Đặng Công Chuẩn, ông trình bày: “Công trình thực hiện từ năm 2007, nhưng tháng 8.2009 Chính phủ ban hành nghị định 69, quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, nên tổng mức đền bù tăng gấp đôi, từ 253 tỉ lên đến 490 tỉ đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án cũng thay đổi từ 1.700 tỉ lên hơn 3.000 tỉ đồng”.

Công ty bị ảnh hưởng tài chính là có thật, nhưng không thể để người dân bị thiệt hại vì chuyện làm ăn của mình. Thật vô lý khi công ty đã nhiều lần thất hứa với dân và người dân lại cứ chắc chắn có được tiền, tính đến chuyện làm ăn của riêng họ. Bức xúc trước sự chậm trễ của công ty Trung Nam, cuối tháng 11 qua, UBND huyện Di Linh đã làm việc với công ty và đề nghị phải trả dứt điểm 38,5 tỉ đồng nợ của 88 hộ dân, hạn chót ngày 25.1.2014 để người dân vui vẻ ăn tết Nguyên đán. “Không biết lần này họ còn thất hứa nữa hay không?”, một thành viên của UBND huyện Di Linh, nói.

Thuỷ điện góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện quốc gia là điều không ai tranh cãi, nhưng thuỷ điện cũng kéo theo nhiều hệ luỵ cần được giải quyết thoả đáng. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ thu lời, nhưng đừng để người dân thiệt hại. Công trình thuỷ điện nào cũng đẹp đẽ, nhưng đừng để ảnh hưởng môi trường.