Sống lang thang trong rừng phòng hộ – Kì 1

ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ Bạc Liêu có diện tích được quy hoạch chưa đến con số 5.000 ha nhưng đang phải cưu mang trên 2.000 con người sống cảnh lang thang, tạm bợ. Thực tế này kéo dài đã nhiều năm trước sự bất lực của các cấp chính quyền.

Kì 1: Sống, chết đều du mục với rừng

Võ VănTuấn, 29 tuổi ngụ ấp 12 xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình khi chào đời mở mắt ra đã thấy rừng và bãi bồi. 3 tuổi Tuấn nằm trên lưng mẹ đi dọc theo những cánh rừng bắt ốc, mò cua, cào nghêu.

Năm đứa em Tuấn cũng vậy, lớn lên như con sâu, cái kiến lăn lóc với đất, với rừng. Nhà nghèo, cục đất chọi chim cha mẹ em đã chọi đi mất rồi nên về đây dựng chòi ven đê biển phòng hộ, hàng ngày lặn ngụp ngoài bãi bồi ven biển mưu sinh.

Hôm nay, Tuấn về nhà sớm hơn mọi khi vì con bệnh, sau khi đã đi gần 60 cây số tìm được đúng ký rưỡi nghêu bán được 17.000 đồng. Tuấn chép miệng: “ Vậy là còn được hơn nhiều người rồi đó anh, cả hội em đi trên chục người, chỉ có em là nhiều nhất”.

Trong sáu anh em, chỉ có cái út có trình độ cao nhất nhà, học được tới lớp 5 rồi nghỉ. Các anh, chị của cô chỉ đọc được tên mình. “Nghèo quá mà anh, tiền đâu đi học. Lo ngày hai bữa cơm ở vùng đất này đã là quá khó rồi” – Tuấn cười.

Những chuyến lang thang rừng của Tuấn diễn ra hàng ngày và luôn bắt đầu từ 3 giờ sáng. Dụng cụ mang theo chỉ là cây cào nghêu, đó là một thanh gỗ có gắn hai thanh sắt ở đầu. Hết trong rừng lại ra tới bãi bồi, cứ đi miết cho tới chừng sóng nước chỉ còn mong manh vỗ thì về. Có hôm trúng lắm được tới 120.000 đồng, còn thất như hôm nay chỉ được 17.000 đồng.

Vợ chồng Tuấn đã có hai mặt con, đứa lớn 8 tuổi chưa vào lớp 1, đứa nhỏ 3 tuổi lẽo đẽo theo mẹ quẩn quanh trong nhà. Cũng có lúc bí quá vợ chồng phải vay tiền mua gạo ăn. 100.000 đồng mỗi ngày đóng lãi 1.000 đồng. Biết vậy mà không sao khác được.

Tuấn cũng tính đi lao động ở Bình Dương nhưng tính qua tính lại thấy bám biển vẫn còn khá hơn vì vợ con còn có cái ăn qua ngày. “Nói anh đừng cười, công việc của em mà lúc nào cái quần ướt hoài thì có cái ăn, còn khô cái quần là coi như đói” – Tuấn bảo.

Cũng như hoàn cảnh của Tuấn, nhiều gia đình ở Vĩnh Hậu A nói riêng và các xã ven biển của huyện Hòa Bình nói chung đã sống tạm bợ trong rừng qua ba, bốn thế hệ mà chính họ cũng chưa biết đến bao giờ mới thoát.

Đa phần họ có hoàn cảnh na ná như nhau, không đất đai, tài sản, nhà nghèo, đông con, lang bạt trong rừng kiếm ăn và đôi khi dựa vào những vay nợ nhỏ sống qua ngày.

Danh chính ngôn thuận mà nói, hàng ngàn con người ấy đang cư trú bất hợp pháp trên đất lâm phần. Bởi theo quy định, từ đê biển trở ra không được cất nhà ở, từ mé rừng sản xuất đến bãi bồi là rừng phòng hộ nên cấm mọi tác động đến cánh rừng này.

Trong khi những khu rừng sản xuất đều có chủ, những cư dân lang thang kia chỉ còn cách lén lút vào rừng phòng hộ và bãi bồi để săn bắt và hái lượm sống qua ngày.

Những tưởng sống đã khổ vậy đến lúc chết sẽ được rừng che chở, nhưng cái sự chết của những cư dân “nằm vùng” rừng phòng hộ mới lắm nhiêu khê.

Cách đây 3 năm ông Biểu ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình chết. Vợ ông, bà Lê Thị Vàng, định đưa ông đi chôn ông ở bìa rừng thì nào ngờ kiểm lâm không cho, nói rằng vì đây là đất lâm phần. Nếu đem chôn ông cập chân đê thì dính đất nuôi tôm của người khác. Thấy thương tình, UBND xã Vĩnh Hậu A chọn một chỗ ở nghĩa địa của xã cho bà chôn chồng mình.

Ấp 14 và nơi khác cũng xảy ra chuyện tương tự. Ông Trần Quang Phó, Trưởng ban nhân dân ấp 14 cho biết theo quy định xây dựng nông thôn mới, ấp phải có nghĩa địa nhân dân, nhưng vì ấp không có quỹ đất, dân nghèo không có đất ở nên chuyện hậu sự của họ cũng bế tắc.

Từ trước đến nay, bà con chôn người thân ở đâu ông cũng không biết nhưng đầu năm nay, ông đã xin phép UBND và liên hệ ấp Thống Nhất kế bên nhờ hỗ trợ. Bên ấy có cái nghĩa địa nhân dân, lại có cả nhà tang lễ. May mắn bên ấy nhiệt tình nhận lời giúp. Họ cho phép dân ấp 14 khi làm tang lễ được chọn đất miễn phí, không phải nộp 1 triệu đồng tiền phí mai táng như dân của họ.

Nguyên cả xóm cất nhà trên đất lâm phần
Nguyên cả xóm cất nhà trên đất lâm phần (Ảnh: Hoàng Huy)
Sau chuyến đi rừng kiếm đươc 30.000 đồng
Sau chuyến đi rừng kiếm đươc 30.000 đồng (Ảnh: Hoàng Huy)
Trẻ con lớn lên trong rừng phòng hộ đến tuổi đi học vẫn chưa biết đến ghế nhà trường
Trẻ con lớn lên trong rừng phòng hộ đến tuổi đi học vẫn chưa biết đến ghế nhà trường (Ảnh: Hoàng Huy)