Làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh thực thi FLEGT và REDD+

ThienNhien.Net – Đây là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Làng nghề gỗ Việt Nam hướng tới sử dụng gỗ theo mục tiêu quản lý rừng bền vững” do Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) phối hợp với Tổ chức Forest Trends Hoa Kỳ tổ chức vào sáng nay (30/10).

(Ảnh: Người Hà Nội)

Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá về tình hình sử dụng nguyên gỗ đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, góp phần tích cực thực hiện Chương trình FLEGT và REDD+ tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam có trên 300 làng nghề gỗ, chủ yếu tập trung ở Vùng Đồng bằng Sông Hồng, hàng năm sử dụng khoảng 350.000 – 400.000 m3 nguyên liệu gỗ đầu vào, từ nguồn nhập khẩu và khai thác trong nước. Số lượng làng nghề tăng khoảng 5% mỗi năm.

Các làng nghề gỗ hiện thu hút khoảng 300.000 lao động, với tổng doanh thu hàng năm đạt được từ các làng nghề khoảng 1,5 tỉ đô la. Các làng nghề hiện cung cấp trên 80% đồ gỗ nội thất và xây dựng cho thị trường nội địa.

Điều đáng nói là tại các địa phương, công tác quản lý làng nghề, đặc biệt là về vấn đề nguồn gốc gỗ đầu vào, mức độ tuân thủ các quy định về sử dụng lao động, an toàn lao động, môi trường còn bất cập. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ gia đình thuộc làng nghề đều chưa tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Việt Nam hiện đang tham gia Sáng kiến FLEGTREDD+ nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, góp phần quản lý rừng bền vững. Việc thực thi các sáng kiến này sẽ có tác động trực tiếp đến sự phát triển của các làng nghề gỗ trong tương lai.

Tuy nhiên, đến nay, các làng nghề gỗ vẫn chưa tiếp cận được thông tin có liên quan đến tiến trình thực hiện các sáng kiến nên chưa sẵn  sàng  cho  việc  thực  hiện FLEGT. Điều này đòi hỏi tiến trình thực thi FLEGT và REDD+ cần có sự tham vấn đầy đủ và kịp thời đối với các làng nghề về các nội dung và tiến trình thực hiện.