Tây Nguyên rà soát rừng và thủy điện

ThienNhien.Net – Theo kết quả rà soát mới được công bố, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay, chỉ trong 9 tháng đầu năm, toàn vùng đã xảy ra trên 5.000 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng với tổng diện tích rừng bị chặt phá lên tới trên 415 ha.

Trong đó, riêng Đắk Lắk xảy ra 1.522 vụ vi phạm, 175 ha rừng bị chặt phá, tịch thu trên 2.864 m3 gỗ các loại. Nhiều khu rừng phòng hộ, đầu nguồn của các sông suối, công trình thuỷ điện đã bị tàn phá nghiêm trọng. Một số vùng đệm, vùng lõi của các khu bảo tồn, vườn quốc gia như: Yok Đôn, Ea Sô, Chư Yang Sin, Nam Nung (Đắk Lắk)… cũng bị lấn chiếm, tình trạng chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy vẫn xảy ra thường xuyên.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Nhà nước thành lập một bộ phận trực tiếp chỉ đạo bảo vệ rừng, nghiên cứu thành lập một số đơn vị đặc nhiệm chuyên xử lý các điểm nóng chặt phá rừng, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, Ban cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại diện tích đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên; Xem xét, chỉ đạo tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2013 (trừ các đơn vị có chứng chỉ rừng bền vững được quốc tế cấp); phê duyệt đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các công ty lâm nghiệp nhà nước, dự án tổng thể bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011- 2020 – Đại Đoàn Kết ngày 4/10/2012 cho hay.

Về vấn đề thủy điện, Ban cũng đã phối hợp với Bộ Công thương rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trỉnh thủy điện toàn khu vực. Quan điểm của Ban là kiên quyết loại bỏ những dự án thủy điện hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến rừng và sản xuất nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, khi chưa có ý kiến chính thức về thủy điện thì cũng nên tạm dừng các công trình thủy điện mới – VOV Online ngày 11/10/2012 đưa tin.

Nhà máy thủy điện Plei Krong (Ảnh: EVN)

Hiện Tây Nguyên đang có 287 dự án thủy điện với tổng công suất gần 7.000MW, trong đó 84 dự án đã được đưa vào sử dụng với công suất gần 5.000MW. Các dự án còn lại đang được xây dựng và lên kế hoạch đầu tư.

Theo Ban Chỉ đạo, việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên những năm qua đã và đang để lại nhiều hệ lụy và vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, tái định cư, tác động xấu đến môi trường. Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong đền bù, tái định cư ở những công trình thủy điện lớn như Plei Krong, An Khê-Kanak và Đồng Nai 3.