Nỗi lòng người dân vùng tâm chấn

ThienNhien.Net – Anh bạn tôi từ trong miền đất mũi Cà Mau vừa gọi điện ra hỏi thăm. Tôi trả lời đang ở vùng tâm chấn. Thế là chẳng kịp hỏi han gì về sức khỏe, công việc, anh liền thao thao bất tuyệt về cái chuyện động đất như thể chính anh là người ở đây vậy. Nói xong, anh kết luôn một câu: “Thôi thì bán quách nhà cửa đi xuống vùng khác mà làm ăn cho an toàn”. Nhưng như thế cũng đâu có dễ…

Đã từ nhiều tháng nay, người dân Bắc Trà My luôn sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm. Nỗi lo ấy ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ, từng nếp sinh hoạt, từng hơi thở nhọc nhằn của mỗi người dân.

Bát cơm bao ngày trồng cấy vừa bưng lên đã nghe thấy đùng đùng ở phía thượng nguồn. Mỗi lần như vậy, cả nhà lại ù té chạy. Họ đứng nhìn trời, nhìn đất, nhìn xung quanh, rồi lại ngơ ngác nhìn nhau. Rồi lại tụ một chỗ để hỏi xem có ai bị chi không? Có nhà nào bị nứt thêm không? Có con bò, con heo nào sợ quá chạy tuột vào rừng không? Cứ thế rồi chẳng ai dám vào nhà nữa. Mâm cơm nguội ngắt cũng chẳng dám ngồi ăn. Thôi thì đành vừa bưng cơm vừa lo chạy vậy. Lỡ có chết thì cũng làm con ma no!

Cứ như vậy. Cứ sau mỗi trận nổ đùng đùng dưới lòng đất hoặc trong lòng núi ở phía thượng nguồn, người ta lại nhìn vào chum lúa, nhìn vào con trâu, con heo trong chuồng mà lo. Lỡ đất sập, mình còn chạy kịp chứ heo, lúa, trâu, bò biết đường mô mà chạy. Mình chạy được rồi thì lấy cái chi để ăn, lấy đất đâu để trồng lúa?

Đứng trên cây cầu vắt ngang qua hai xã Trà Tân, Trà Đốc, nơi dòng chảy của con sông Tranh bị chặn lại bởi con đập lừng lững chỉ cách đó vài mấy chục dặm, không ít người chột dạ, lỡ con đập chẳng may vỡ thật thì ngay cả cây cầu bê tông cốt thép dài gần 200m này chắc cũng bị cuốn phăng chứ nói chi đến nhà cửa, ruộng vườn, gia súc và hàng ngàn hộ dân phía dưới hạ lưu.

Cái chột dạ ấy bỗng làm người ta sợ. Thế là người người treo biển bán nhà, bán vườn, bán đất với hy vọng gỡ gạc lại chút ít để có tiền phòng thân, nhỡ đất có sập, đập có vỡ thật thì cũng chẳng còn gì để tiếc, tiền lận vào lưng rồi có chạy cũng sẵn đó mà chi dùng. Tính là vậy, nhưng bán hoài nào có ai mua. Kể cũng tội, chẳng lẽ lại mang cái nỗi lo âu hằng ngày hằng đêm của mình đi bán cho người khác. Mà ai lại dại đến nỗi tự chuốc cái phiền não vào mình cơ chứ. Thế là nhà cửa, ruộng vườn và cả người cứ ở yên đó mà chịu trận trong thấp thỏm.

Người Cor, người Ca Dong từ bao đời nay đã gắn bó ở đây, họ vốn chỉ biết đến gió mưa, sấm chớp chứ nào biết tới cái chuyện đất nổ đùng đùng như những tháng ngày qua. Họ vốn sùng bái tự nhiên với sức mạnh vô biên và thế là nỗi sợ hãi từ cái sự nổ bất thường ấy cứ thế lan dần, ám ảnh trong từng câu nói, câu chào để rồi mỗi lần gặp nhau, họ lại hỏi han bằng tiếng Cor, tiếng Ca Dong và cả tiếng Kinh rằng nhà anh có bị nứt không, lúa còn đủ để ăn để chạy đất nổ không, đã làm lán chưa hay ở nhà xây, nhà xây dễ sập làm chết người lắm… Và trong những câu chuyện bên lề mỗi tối của người dân nơi đây không còn là chuyện làm rẫy, phát cây hay chuyện học hành của con cái họ nữa mà thay vào đó là chuyện tính xem đêm nay, đêm mai, và nhiều ngày đêm sau nữa sẽ chạy động đất làm sao.

Sợ động đất, nhiều phụ huynh không cho con em mình đi học nữa. Thầy cô giáo đến năn nỉ, vận động, phụ huynh thật thà: “Nhà sập, con tui chết cô giáo có đền được mô. Cho nó về nhà lỡ có chuyện chi tui còn bế nó chạy được. Ở đây cô giáo có tới mấy chục đứa, biết bồng đứa mô mà chạy!”.

Mặc dù người dân đã ít nhiều được tập huấn để ứng phó với động đất, nhưng một cô giáo dạy mầm non ở xã Trà Đốc cười như mếu nói với chúng tôi: “Trường thì nứt lung tung hết rồi. Đi tập huấn, được hướng dẫn mỗi khi có động đất thì phải chui xuống gầm bàn để tránh bê tông đè chết người nhưng bàn của học sinh mẫu giáo nhỏ như ri, em chui xuống làm răng được mà chui!”.

Chuyện của người dân là thế, còn chuyện của các nhà khoa học thì sao. Được biết, sau hàng chục vụ động đất ầm ầm, nhiều đoàn khảo sát đã vào Bắc Trà My kiểm tra thực tế, kết luận cuối cùng khẳng định, động đất tại Sông Tranh chỉ là động đất kích thích, rằng đập vẫn an toàn, vẫn chịu được động đất trong mức cho phép… Nhưng bấy nhiêu đó sao đủ để dân tin bởi chính họ chứ không phải ai khác vẫn phải hàng ngày, hàng giờ sống chung với quả bom nước nguy hiểm và những trận động đất bất thình lình không thể cảnh báo.

Những hộ dân sống dưới chân đập với nỗi lo thấp thỏm
Nhiều nhà bị bỏ hoang vì động đất