Ô nhiễm nặng ở làng nghề chế biến tinh bột sắn

ThienNhien.Net – Nghề chế biến tinh bột sắn (mì) ở thôn Phú Hưng (xã Bình Tân, H. Tây Sơn, Bình Định) đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, nhưng hệ lụy ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do nghề gây ra cũng rất đáng ngại. Thực trạng này khiến chính quyền địa phương và ngành chức năng phải “đau đầu” tìm biện pháp giải quyết.

Ô nhiễm tăng theo công suất

Khoảng 3-4 năm gần đây, nhiều gia đình ở thôn Phú Hưng đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống sản xuất, chế biến tinh bột sắn với quy mô lớn. Theo thống kê của UBND xã Bình Tân, toàn thôn Phú Hưng hiện có 12 hộ đầu tư dây chuyền hiện đại; công suất chế biến trung bình từ 5-7 tấn sắn nguyên liệu/ngày/hộ. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ gia đình chế biến theo phương pháp thủ công với công suất trung bình 300kg sắn nguyên liệu/ngày/hộ.

Với việc đầu tư dây chuyền hiện đại, công suất chế biến tinh bột sắn tăng lên gấp nhiều lần, giúp người dân địa phương tăng thu nhập, trung bình mỗi lao động thu nhập từ 4- 4,5 triệu đồng/tháng. Song mặt trái của việc tăng công suất chế biến là lượng nước thải được xả trực tiếp ra môi trường cũng tăng. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở chế biến đều không có hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn nên nước thải có màu trắng đục, nhanh bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nghiêm trọng hơn, do tồn lưu lâu ngày, nước thải ngấm xuống đất làm nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng.

 Nhiều hộ ở thôn Phú Hưng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến tinh bột sắn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Nhiều hộ ở thôn Phú Hưng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất,
chế biến tinh bột sắn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Cần giải pháp bền vững

Trước thực trạng trên, cuối tháng 4-2015, UBND H. Tây Sơn phối hợp với ngành điện lực làm việc với các hộ sản xuất, chế biến tinh bột mì và quyết định tạm ngừng cung cấp điện phục vụ quá trình chế biến; khi nào các hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được phép hoạt động trở lại. Dù không phản đối quyết định này, nhưng hầu hết các hộ bị ngưng cung cấp điện đều vô cùng lo lắng.

Ông Nguyễn Long Bạn, một hộ chế biến tinh bột mì tại thôn Phú Hưng, cho rằng: “Gia đình tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến tinh bột sắn hơn 100 triệu đồng và nhờ đó giúp gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, lo cho các con ăn học. Nay vì lý do ÔNMT, không cho tiếp tục làm thì chúng tôi chấp hành, nhưng đề nghị ngành chức năng của huyện, tỉnh sớm có biện pháp giải quyết phù hợp, để người dân tiếp tục làm nghề…”.

Nước thải chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ÔNMT. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Nước thải chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ÔNMT. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Đồng cảm với lo lắng của người dân, Chủ tịch UBND xã Bình Tân Đỗ Văn Diện nêu quan điểm: “Việc tạm ngưng cấp điện chỉ là giải pháp tạm thời, bởi nghề chế biến tinh bột sắn tại thôn Phú Hưng đã tồn tại hàng chục năm nay, nếu cấm hẳn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chuyên môn phải tìm ra giải pháp bền vững để xử lý tình trạng ÔNMT tại khu vực này”.

Liên quan việc này, ông Trần Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường, cho biết: “Để xử lý tình trạng ÔNMT tại thôn Phú Hưng, giải pháp khả dĩ nhất là xây dựng khu sản xuất, chế biến tinh bột mì tập trung ở xa khu dân cư, với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để đưa các hộ vào hoạt động. Trường hợp không có khu sản xuất tập trung, bắt buộc mỗi hộ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn để xử lý lượng nước thải ra trong quá trình hoạt động, sản xuất”.